Ngày 20/3, tại Cần Thơ, Diễn đàn “Lưu vực Mekong trước thách thức bảo vệ người dân và hệ sinh thái trong bối cảnh nhiều biến động” do Tổ chức Sông ngòi quốc tế (IR), Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Liên minh Cứu sông Mekong (StM) và Diễn đàn Môi trường Mekong (MEF) phối hợp tổ chức. Tại đây những quan ngại về sinh kế, rủi ro cho hàng chục triệu hộ dân lưu vực được đưa ra.
Những tác động kép của biến đổi khí hậu và hoạt động phát triển lưu vực sông Mekong đang đứng trước thách thức lớn trong thích ứng và phát triển khu vực này… Các đập thủy điện đang tác động rất rõ rệt đến hệ sinh thái dòng sông Mekong và sinh kế của hàng chục triệu người dân lưu vực, hạ vùng Mekong đang đối mặt với những rủi ro chưa từng có.
Giảm phù sa, đe doạ an ninh nguồn nước
Lưu vực sông Mekong là một trong những khu vực trên thế giới bị tác động mạnh mẽ nhất bởi biến đổi khí hậu. Tại các quốc gia lưu vực Mekong, những thay đổi về đa dạng sinh học do biến đổi khí hậu gây ra sẽ tác động đến sinh kế của người dân, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bền vững của khu vực.
Bên cạnh đó, lưu vực sông Mekong cũng đang và sẽ đối mặt những thay đổi mạnh mẽ về môi trường. Hiện nay, ngoài 7 công trình đập dòng chính đã hoàn thành trên phía thượng nguồn, 11 con đập đang và sẽ xây dựng ở hạ lưu sông Mekong tại Lào và Campuchia được đánh giá sẽ gây ra những tổn thất nghiêm trọng đối với nguồn phù sa, thủy sản, chất lượng nước, đa dạng sinh học… của dòng sông.
Báo cáo kết quả nghiên cứu về quản lý và phát triển bền vững lưu vực sông Mekong, bao gồm cả tác động của các dự án thủy điện dòng chính, ông Naruepon Sukumasavin (Ban thư ký Ủy ban Sông Mekong Quốc tế) cho biết: Sự suy giảm phù sa và chất dinh dưỡng về phía hạ lưu do ảnh hưởng của các dự án thủy điện sẽ làm giảm độ màu mỡ của đất, giảm sản lượng lúa gạo cũng như sản lượng cá. Các vùng có nguy cơ gồm vùng ngập lụt Tonle Sap ở Campuchia và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam, trong đó giảm đến 97% lượng phù sa về ĐBSCL đối với kịch bản phát triển năm 2040.
Báo cáo cũng đưa ra thông điệp rằng, các dự án thủy điện sẽ làm gia tăng xói lở bờ sông và lòng sông, đặc biệt ở vùng ĐBSCL của Việt Nam và dọc theo sông Mekong từ Viên Chăn đến Stung Treng. Các hồ chứa sẽ biến phần lớn sông Mekong thành các môi trường sống kiểu các hồ nhỏ và sâu, không phù hợp cho các loài sinh sống ở sông Mekong mà chỉ phù hợp với các loài như sò, ốc, ếch nhái. Các dự án phát triển cũng gây ảnh hưởng đến an ninh lương thực và đói nghèo, thu nhập cho hộ gia đình sẽ giảm…
Tiến sĩ Lê Việt Phú (Đại học Fullbright Việt Nam) cho biết Lào là quốc gia đóng góp 40% dòng chảy của sông Mekong nhưng đang muốn tận dụng lợi thế tài nguyên, đặc biệt là nguồn nước để phát triển kinh tế, với mục tiêu tăng trưởng 8 – 8,5%/năm, trong đó thủy điện được xem là giải pháp duy nhất hiện nay. Trong khi đó ở Việt Nam, nhu cầu sử dụng nước rất lớn do gia tăng mùa vụ và diện tích đất nông nghiệp, với 2,9 triệu ha đất nông nghiệp mà phần lớn nguồn nước tưới từ sông Mekong. Một tính toán cho thấy riêng trồng lúa cần đến tổng lượng nước phải cung cấp từ sông Mekong là rất lớn: 332 km3, so với tổng lượng nước đến ĐBSCL khoảng 475km3.
Sinh kế người dân bị đe doạ
Hạ lưu sông Mekong là nơi sinh sống của trên 60 triệu người dân, trong đó khoảng 85% là nông dân và ngư dân. Canh tác lúa và đánh bắt, nuôi trồng là nguồn sinh kế quan trọng của người dân trên lưu vực bên cạnh các ngành nghề khác.
Ông Som Kiat Knunsangsa đến từ tỉnh Chiang Rai (miền Bắc Thái Lan) cho biết: Từ khi các đập thủy điện được xây dựng trên sông Mekong đã tác động rất lớn đến thiên nhiên và sinh kế người dân khu vực Bắc Thái Lan. Từ chỗ có hàng ngàn thuyền đánh cá thì nay chỉ còn khoảng 300 chiếc.
Tương tự, ông Long Sochet đến từ vùng Biển Hồ (Tonle Sap) Campuchia chia sẻ: Từ khi có những đập thủy điện đã đưa đến những tác động rõ rệt, một số loài đã biến mất khỏi hệ sinh thái của hồ Tonle Sap, mùa Hạ là mùa đánh bắt cá chính để làm mắm, nhưng hiện nay không làm được như trước vì thiếu cá. Mực nước ở hồ cạn, khó tưới tiêu, thiếu phù sa buộc người dân phải tăng cường dùng phân bón hóa học, nhiều người không làm nông nghiệp nữa, chuyển sang đánh bắt cá khiến cá ngày càng cạn kiệt… Nguy cơ 2 triệu người dân sinh kế dựa vào hồ không biết sẽ đi về đâu.
Theo Tiến sĩ Dương Văn Ni (Đại học Cần Thơ) thì cần quan tâm đến nguồn nước. Dù nguyên nhân thay đổi nguồn nước là gì thì các nước Lào, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam đều gánh chung hậu quả là tổn thất, không chỉ thế hệ này mà nhiều thế hệ sau. Bất kỳ hoạt động phát triển nào trên lưu vực cần quan tâm đến sự thay đổi nguồn nước (chất lượng nước, chu kỳ, dòng chảy) thay vì chỉ quan tâm đến lượng nước. Tác động của đập thủy điện lên lượng phù sa nghiêm trọng hơn tới lượng nước, tác động của biến đổi môi trường sẽ buộc cộng đồng phải di dân…
Quốc Trung – Gianh Lam theo Đại Đoàn Kết