Ngày 13/07/2018, tại Hội An, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam đã tổ chức Hội thảo về Hệ thống giám sát đánh giá về dịch vụ chi trả môi trường rừng (PFES) tại Việt Nam”.
Hội thảo nhằm kết nối các đơn vị đang thực hiện các công tác liên quan đến chi trả dịch vụ môi trường rừng, tạo diễn đàn để các bên chia sẻ kinh nghiệm cũng như những khó khăn thách thức trong việc triển khai đánh giá giám sát dịch vụ chi trả môi trường rừng.
Đa số các đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng PFES giúp cải thiện sinh kế cho người dân, nâng cao nhận thức của người dân và xã hội trong việc bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời giúp nâng cao chất lượng rừng. Tuy nhiên cần có các cơ chế chính sách thống nhất về thí điểm và thực tiễn mở rộng diện tích khoán, thực hiện giao đất giao rừng, tái đầu tư…
Mặc dù có rất nhiều giải pháp thí điểm giám sát PEES được thực hiện tại nhiều địa phương nhưng hiện vẫn chưa có một hệ thống hoàn chỉnh. Mỗi hệ thống có những ưu và nhược điểm riêng. Do vậy, cần xây dựng các quy định cũng như thông tư hướng dẫn chung, sổ tay hướng dẫn kỹ thuật và cần phải phát triển và hoàn thiện các công cụ giám sát đánh giá.
Sắp tới Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng trung ương sẽ phối hợp với các tổ chức liên quan thành lập tổ kỹ thuật để xây dựng khung giám sát và hướng dẫn thực hiện triển khai khung giám sát đánh giá PFES trên cả nước.
Cũng tại Hội thảo, đại diện của PanNature đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng hệ thống Chỉ số giám sát đánh giá và phương pháp xây dựng khung đánh giá thí điểm tại các tỉnh Lào Cai, Đắk Lắk, Kon Tum và công cụ thu thập dữ liệu ngoài thực địa bằng điện thoại thông minh. Hai hoạt động này nằm trong khuôn khổ Dự án GLA mà PanNature đang thực thiện.
Bài trình bày tại hội thảo:
Thử nghiệm và Phản hồi Khung nội dung và chỉ số giám sát – báo cáo – đánh giá chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Việt Nam
Nguyễn Việt Dũng – PanNature
Phát triển ứng dụng di động giám sát thực hiện tuần tra bảo vệ rừng trong chi trả dịch vụ môi trường rừng cấp địa phương
Ngô Hải Ly – PanNature