Sáng ngày 21/9, tại Hà Nội, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp với Trung tâm Con người và Rừng (RECOFTC), Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF-Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác truyền thông về tăng cường quản trị rừng tại Việt Nam” nhằm thúc đẩy quản trị rừng tốt và phát triển lâm nghiệp bền vững trong bối cảnh mới.
Hội thảo có sự tham gia của gần 30 đại biểu đến từ các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, các trường đại học có các hoạt động và nghiên cứu liên quan đến quản trị rừng, REDD+, VPA-FLEGT,…
Bên cạnh việc chia sẻ kinh nghiệm và bài học truyền thông của các tổ chức xã hội đã và đang tham gia thực hiện các sáng kiến lâm nghiệp mới, đặc biệt là Sáng kiến Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các-bon rừng (REDD+) và Sáng kiến Thực thi lâm luật, Quản trị và Thương mại lâm sản (FLEGT), Hội thảo cũng dành nhiều thời gian thảo luận và xác định các nội dung truyền thông ưu tiên nhằm thúc đẩy quản trị rừng tốt, đồng thời trao đổi về khả năng hợp tác giữa các bên liên quan trong việc xây dựng, thực hiện các hoạt động truyền thông về rừng trong bối cảnh mới.
Riêng đối với hai sáng kiến REDD+ và FLEGT, ông Hoàng Xuân Thuỷ – Phó Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cho rằng cần tăng cường truyền thông một số nội dung quan trọng như: Quyền sử dụng đất rừng và quyền tiếp cận tài nguyên rừng; quản lý rừng bền vững (sản xuất rừng gỗ lớn, gỗ có chứng chỉ); chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp bền vững (dịch vụ khuyến lâm, giống, tài chính, bảo hiểm; đào tạo nghề rừng); thông tin tiếp cận thị trường lâm sản, tư vấn pháp lý giải quyết tranh chấp; cải thiện hợp tác công tư, hợp tác doanh nghiệp cộng đồng, hộ gia đình trong chuỗi sản phẩm nông lâm sản.
Ngoài các nội dung nêu trên, một số đại biểu cũng góp ý cần thúc đẩy truyền thông về vấn đề sự tham gia của các chủ rừng trong hoạt động quản trị; vấn đề thiếu đất ở và đất sản xuất tại các đồng bào dân tộc thiểu số; tham nhũng đất đai, tranh chấp, xung đột đất đai; vấn đề minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình cũng như tiếng nói đồng thuận của các bên liên quan.
Song song với đó, Hội thảo cũng chia sẻ về phương pháp, công cụ và đối tượng truyền thông, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết của việc đánh giá nhu cầu truyền thông và truyền tải thông điệp.
Hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án Tiếng nói vì Rừng Mê Kông (Voices for Mekong Forests) do Liên minh Châu Âu tài trợ.
Tài liệu Hội thảo:
Chia sẻ kinh nghiệm các hoạt động truyền thông về FLEGT ở Việt Nam
Bà Tô Kim Liên – Giám đốc Trung Tâm Giáo dục và Phát triển (CED)
Chia sẻ kinh nghiệm triển khai các hoạt động truyền thông về VPA/FLEGT tại khu vực Miền Trung
Ông Nguyễn Văn Nam – Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD)