Việt Nam đang phải trả một cái giá khá cao cho tăng trưởng, đó là ô nhiễm đất, nước, không khí, mất rừng…
Năm 2018, các hoạt động nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu tiếp tục nhận được lời cảnh báo mạnh mẽ từ Liên hiệp Quốc rằng thảm họa sẽ xảy ra nếu nhiệt độ thế giới tăng thêm 2oC trong 12 năm tới, tốc độ tăng được các nước đồng ý trong Thỏa thuận Paris nhiều năm về trước. Việt Nam vẫn là trọng tâm chú ý của thế giới khi là một trong những quốc gia đang có quy hoạch nhiệt điện than, tác nhân sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến biến đổi khí hậu lớn nhất trên thế giới.
Tăng trưởng trong nông nghiệp những thập niên vừa qua ở Đông Nam Á và Việt Nam phải trả một cái giá khá cao, đó là ô nhiễm đất, nước, không khí. Sự suy giảm đa dạng sinh học trên phạm vi toàn cầu, tàn phá rừng tự nhiên cũng đặt ra thách thức lớn cho nhân loại.
Tuy sở hữu độ đa dạng sinh học cao, Việt Nam cũng là một điểm nóng trong thách thức gìn giữ đa dạng sinh học và tài nguyên rừng, đặc biệt trong bối cảnh bị tác động bởi các nước lân cận như trường hợp thủy điện trên sông Mê Kông.
Trong bối cảnh đó, nỗ lực không ngừng nghỉ của những nhà hoạt động môi trường tại Việt Nam rất đáng ghi nhận.
PanNature bảo tồn thiên nhiên
13 năm tuổi, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) không chỉ hoạt động tại Việt Nam mà còn vươn ra khu vực trong mảng bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường. “Một trong những ấn tượng lớn nhất năm 2018 là sự tham gia tích cực và chủ động của các doanh nghiệp Việt Nam vào hoạt động bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường”, ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc PanNature, cho biết.
Từ nước ngoài, các doanh nghiệp đã tích cực tham gia sáng kiến xây dựng bộ “Hướng dẫn tự nguyện nhằm giảm thiểu rủi ro môi trường – xã hội cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài”, với mục tiêu lâu dài là phát triển bền vững. Trong nước, các doanh nghiệp đóng vai trò nhà tài trợ tài chính và hỗ trợ bảo tồn thiên nhiên cho những chương trình như “Bảo tồn Linh trưởng Việt Nam”, một sáng kiến tiên phong trong hợp tác về bảo tồn thiên nhiên giữa doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ.
Năm 2018, PanNature dành phần lớn hoạt động đóng góp chính sách về bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên trong khuôn khổ Luật Lâm nghiệp 2017. Họ nhận thấy để bảo vệ được rừng và gìn giữ đa dạng sinh học thì người dân, các tổ chức cộng đồng và các tổ chức xã hội cần được tham gia vào hoạt động quản trị rừng. Ở nhiều nơi, nhiều cộng đồng dân cư đang chủ động bảo vệ rừng rất tốt. Việc khuyến khích, nhân rộng những mô hình này sẽ giúp bảo tồn các giá trị thiên nhiên, đa dạng sinh học cũng như văn hóa gắn với rừng.
Cũng trong lĩnh vực rừng, nhằm đảm bảo quyền lợi của các nhóm yếu thế, PanNature đã thúc đẩy các bên khác như cộng đồng và các tổ chức địa phương tham gia tiến trình đàm phán và thực thi Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản (VPA-FLEGT) giữa Việt Nam và EU.
Không chỉ hoạt động trong nước, PanNature còn mở rộng ra các vấn đề trong khu vực. Tổ chức đã hợp tác với Oxfam và VCCI để quảng bá vấn đề đầu tư có trách nhiệm đối với các nhà đầu tư Việt Nam đang có hoạt động ở khu vực tiểu vùng Mê Kông.
Tiếp tục đầu tư đóng góp chính sách và các hoạt động hướng đến thực hành, năm 2019, PanNature hướng đến xây dựng chương trình dài hạn hơn cho việc giảm thiểu và đi đến chấm dứt việc săn bắt, mua bán và sử dụng động vật hoang dã ở Việt Nam. Tổ chức cũng thúc đẩy vai trò của cộng đồng trong bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, đồng thời bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái rừng nhằm gìn giữ đa dạng sinh học, tập trung vào các khu vực ưu tiên như Tây Bắc và Tây Nguyên.
GreenID bảo vệ môi trường
Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) trải qua năm 2018 đáng nhớ khi Giám đốc Ngụy Thị Khanh trở thành người Việt đầu tiên nhận Giải thưởng Môi trường Goldman, giải “Nobel môi trường thế giới”, cho những đóng góp của cá nhân và GreenID trong thúc đẩy tương lai năng lượng sạch và bầu không khí trong lành tại Việt Nam.
GreenID đã giúp bà con nông dân Việt Nam giảm thiểu ô nhiễm sông ngòi, biến chất thải thành năng lượng và có được các công nghệ mới, giá cả phải chăng như đèn năng lượng mặt trời và các trang trại nuôi giun quế. Sự thành công của các chương trình năng lượng sạch của GreenID cho thấy có những lựa chọn thay thế rất hiệu quả và giá cả phải chăng so với năng lượng từ thủy điện và năng lượng đốt than.
Nước và không khí sạch, năng lượng bền vững và phát triển xanh là những chủ đề GreenID tiếp tục làm việc trong năm 2018 vừa qua. Hiểu được tầm quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về ô nhiễm không khí, cũng như mong muốn thúc đẩy công chúng có những hành động để cải thiện chất lượng không khí và tự bảo vệ sức khỏe, GreenID đã khởi xướng chiến dịch “Không khí sạch Việt Nam”, với hơn 2.000 người tham dự ngày hội đầu tiên.
Nhằm khuyến khích sử dụng rộng rãi các nguồn năng lượng bền vững trong dân chúng, GreenID khởi xướng chương trình “Triệu ngôi nhà Xanh” với mong muốn ai cũng có cơ hội tiếp cận được nguồn năng lượng sạch, giảm phát thải carbon và tiết kiệm chi phí sử dụng năng lượng trong gia đình.
Trong nỗ lực đưa ánh sáng về với các cộng đồng chưa có điện lưới quốc gia, GreenID đã giúp toàn bộ người dân tại 2 ấp Vồ Bà và Tà Lọt ở tỉnh An Giang, trước đây phải đi đường núi xa xôi để sạc bình ắc-quy, sử dụng điện từ năng lượng mặt trời. Năm 2017, GreenID đã thành công với mô hình tích hợp cấp điện và nước sử dụng năng lượng mặt trời đầu tiên ở tỉnh Đắk Lắk.
“Chúng tôi sẽ tích cực thúc đẩy cho kịch bản năng lượng sạch trong quá trình Chính phủ xây dựng Quy hoạch điện VIII với ưu tiên tăng cường vai trò của năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giảm phụ thuộc vào nhiệt điện than”, bà Khanh nói. Hai năm tới sẽ rất quan trọng đối với Việt Nam khi vào năm 2020, Việt Nam sẽ ra mắt kế hoạch phát triển điện mới nhất. Mục tiêu của GreenID là giảm tỉ trọng than để ủng hộ năng lượng sạch nhằm mang lại sức khỏe cho con người và phát triển bền vững lâu dài.
Với tinh thần “tiên phong và không bỏ ai lại phía sau trong quá trình chuyển dịch năng lượng”, họ nỗ lực đưa lợi ích đa chiều của năng lượng tái tạo, hiệu quả tới các hộ gia đình ở cả thành thị lẫn nông thôn, tới bà con nông dân ở các vùng đồng bằng, miền núi xa xôi qua chương trình Triệu Mái nhà Xanh vì Việt Nam thịnh vượng và các mô hình thí điểm kết hợp giữa năng lượng tái tạo với phát triển nông nghiệp. GreenID vẫn tiếp tục các hoạt động nghiên cứu và chiến dịch vì không khí sạch Việt Nam để giúp cộng đồng nâng cao nhận thức và bảo vệ sức khỏe.