Ngày 10/5, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật (KH&KT) tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới (Tropenbos) và Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức Hội thảo khoa học: “Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội, thách thức trong sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu nông sản tại Tây Nguyên”.
Tham dự hội thảo có GS.TSKH Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam; ông Trần Quốc Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk; ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk; cùng các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện lãnh đạo Liên hiệp các Hội KH&KT, đại diện doanh nghiệp, nông dân các tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Khu vực Tây Nguyên là khu vực có một vị trí mang tính chiến lược cả chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái, an ninh quốc phòng; đồng thời, có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển như: trồng cây công nghiệp, khai thác, chế biến khoáng sản – lâm sản; du lịch… Bên cạnh đó, các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên ngoài việc gần gũi về mặt địa lý, có nhiều nét tương đồng về đời sống văn hóa, tự nhiên, thì xã hội còn có tiềm năng hợp tác phát triển cao về nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, với xuất phát điểm về kinh tế thấp, hiện Tây Nguyên vẫn là khu vực kém phát triển so với mặt bằng chung trong cả nước; hợp tác, liên kết giữa các tỉnh trong khu vực dù đã được chú trọng thúc đẩy song kết quả đạt được chưa cao; mức độ phát triển hoàn toàn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.
Ngành sản xuất nông nghiệp và xuât khẩu nông sản của khu vực Tây Nguyên còn rất nhiều thách thức đặt ra đòi hỏi cần vượt qua:
- Ngành nông nghiệp của khu vực sẽ đối diện với những thách thức như: dư nguồn lao động nông nghiệp, bất bình đẳng giữa nông dân công nghệ thấp với nông dân công nghệ cao…
- Cách mạng 4.0 cũng giúp các tỉnh trong cả nước, hay các nước trong khu vực có thể tự sản xuất lương thực, thực phẩm, nông sản với năng xuất cao hơn, dẫn đến hiện tượng sản phẩm nông sản do các tỉnh Tây Nguyên làm ra khó tiêu thụ trên thị trường
- Khả năng tiếp cận, tiếp thu công nghệ của nông dân và cách doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp hiện đang là một khâu yếu trong hệ thống đổi mới sáng tạo nông nghiệp ở khu vực Tây Nguyên.
Hội thảo này được tổ chức với mong muốn góp phần cung cấp thông tin, những luận cứ khoa học từ lý luận đến thực tiễn để các cấp chính quyền của các tỉnh Tây Nguyên nhìn nhận, định hướng và có các giải pháp phát triển hành sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu nông sản của địa phương mình, đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế như: cần tập trung phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung; đẩy mạnh liên kết phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã; thu hút đầu tư doanh nghiệp tư nhân; xây dựng các mô hình theo chuỗi để nông sản Tây Nguyên chủ động tại thị trường trong nước và nước ngoài; đồng thời, tiếp tục nâng cao năng lực chế biến nông sản, bảo quản, đóng gói, bao bì, nhãn mác để nâng cao giá trị sản phẩm… Đặc biệt thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, triển khai các giải pháp tận dụng tối đa cơ hội của cuộc Cách mạng 4.0; tập trung xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu của tỉnh, của vùng; phát triển và nhân rộng việc thực hiệp cấp mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc tạo tiền đề vững chắc cho các mặt hàng nông sản của khu vực Tây Nguyên có khả năng cạnh tranh trong xu thế hội nhập quốc tế.
Tại hội thảo, đại diện các đơn vị sở, ngành, địa phương đã trình bày tham luận về các vấn đề: Một số công nghệ tiên tiến ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao; Thực trạng kết quả và giải pháp ứng dụng công nghệ cao trong thời cách mạng 4.0 vào sản xuất nông nghiệp tại Đắk Lắk; Các giải pháp thực hành nông lâm kết hợp và nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu ở Tây Nguyên; Thực trạng xuất khẩu hoa Đà Lạt – Lâm Đồng trong kỷ nguyên công nghệ 4.0; Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý trang trại cánh đồng mẫu lớn ở Đắk Lắk; Nông nghiệp thông minh với khí hậu ở HTX nông nghiệp và dịch vụ Bình Minh (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk); Nền tảng kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm an toàn cho tỉnh Đắk Lắk…
Hội thảo cũng là dịp để các doanh nghiệp, nông dân có thể trực tiếp đối thoại với các chuyên gia, các cơ quan quản lý nhà nước nhằm thảo luận những thách thức, thuận lợi từ đó hiến kế cho các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả.