Trước khi ứng dụng những công nghệ hiện đại vào nông nghiệp, cần quan tâm phát triển liên kết để tạo ra được vùng sản xuất rộng lớn.
Đây là ý kiến được đưa ra tại hội thảo “Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội, thách thức trong sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu nông sản tại Tây Nguyên” do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Đăk Lăk phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp nhiệt đới, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức ngày 10/5.
Vùng Tây Nguyên có gần 2 triệu hecta đất bazan màu mỡ, chiếm gần 60% đất bazan của cả nước, phù hợp với nhiều loại cây công nghiệp như: cà phê, ca cao, hồ tiêu, chè xanh, mắc ca, cao su… Đây là vùng trọng điểm sản xuất cà phê, hồ tiêu của cả nước. Trong đó, diện tích cà phê hơn 580.000 hecta, sản lượng đạt gần 1,4 triệu tấn, hồ tiêu có tổng diện tích trên 71.000 hecta, sản lượng đạt hơn 120.000 tấn tiêu hạt. Các mặt hàng này tuy đạt sản lượng lớn, lượng xuất khẩu nhất nhì thế giới nhưng chủ yếu sản phẩm thô, giá trị gia tăng thấp, chưa có khả năng chủ động định giá và dẫn dắt thị trường.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo thuận, trao đổi một số giải pháp áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông sản, chỉ ra cơ hội và thách thức, tính ưu việt của sản xuất nông nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4; vai trò của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, các nhà khoa học trong việc hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ 4.0, vai trò của nông dân trong ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Theo Thạc sĩ Lê Văn Lân, Điều phối viên Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới, đa số nông dân tự tìm kiếm thông tin, trong khi đó hệ thống khuyến nông – khuyến lâm ở nhiều địa phương chưa phát huy hiệu quả trong phổ biến thông tin và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Vì vậy, cần có sự thay đổi trong cách truyền đạt thông tin đến nông dân.
Nguồn: VOV.VN