Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu
  • Comments Off on Hỗ trợ cộng đồng nông dân thiểu số ứng phó biến đổi khí hậu tại Lai Châu và Sơn La

Ngày 18/7, tại Trung tâm Hành chính – Chính trị tỉnh Lai Châu, Hội Nông dân tỉnh tổ chức Hội nghị khởi động Dự án “Tăng cường tiếng nói và năng lực cho người nông dân thiểu số dễ bị tổn thương ứng phó với biến đổi khí hậu Tây Bắc Việt Nam (VOF)” với sự tham dự của đại diện cấp huyện, xã, thôn/bản và cán bộ Trung tâm Phát triển Nông nghiệp châu Á, Đan Mạch (ADDA), Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature).

Dự án do Tổ chức CISU Đan Mạch tài trợ từ năm 2019 – 2021 tại hai tỉnh Sơn La và Lai Châu. Trong đó, tại Sơn La, Dự án sẽ triển khai tại 4 bản gồm: bản Phé A, xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu; bản Nà Si, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn; bản Nà Khái, xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu và bản Thín, xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ. Tại Lai Châu, Dự án lựa chọn bản Nà Cà, xã Bình Lư, huyện Tam Đường và bản Lang, xã Bản Lang, huyện Phong Thổ để triển khai hoạt động.

Dự án VOF trên thực tế là sự tiếp nối của Dự án Biến đổi khí hậu và các dân tộc thiểu số ở miền Bắc Việt Nam (CEMI), cùng do ADDA và PanNature phối hợp với các đối tác địa phương thực hiện tại Lai Châu, Điện Biên, Sơn La từ năm 2014 – 2017. Tương tự CEMI, Dự án VOF cũng dựa trên phương pháp tập huấn “cầm tay chỉ việc”, tức người nông dân sẽ được hướng dẫn và thực hành trên chính mảnh ruộng của mình. Tuy nhiên, về nội dung và định hướng, VOF có tính toàn diện và sâu sát hơn.

Thay vì chỉ tập trung nâng cao năng lực và kỹ thuật canh tác cho bà con thông qua một số mô hình nông nghiệp thân thiện như trồng lúa theo phương thức cải tiến (SRI), canh tác ngô trên đất dốc, Dự án VOF sẽ hỗ trợ bà con trong cả chuỗi/chu trình sản xuất nông nghiệp, từ khâu canh tác/chọn giống tới khâu tiêu thụ sản phẩm. Song song với đó, VOF cũng chú trọng nâng cao tiếng nói và vị thế của người nông dân thiểu số thông qua việc góp ý xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất tại địa phương.

Đặc biệt, tại mỗi thôn, bản mục tiêu, Dự án sẽ xây dựng Mô hình cộng đồng nông dân ứng phó với biến đổi khí hậu hay tạm gọi là Mô hình Làng nông nghiệp thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu dựa trên sự học hỏi, tham gia của cộng đồng trong toàn bộ quá trình sản xuất và lập kế hoạch tại thôn, xã.

Theo ông Nguyễn Đức Tố Lưu, Trưởng Phòng Quản trị Tài nguyên, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Mô hình cộng đồng nông dân ứng phó biến đổi khí hậu bao gồm 4 thành tố chính và hướng đến 3 trụ cột quan trọng: thứ nhất, cần phải đảm bảo được năng suất, sản lượng cây trồng; thứ hai, phải điều chỉnh hoạt động sản xuất theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu; thứ ba, hoạt động trồng trọt, chăn nuôi phải được kiểm soát nhằm giảm phát thải khí nhà kính và giảm tác động tiêu cực tới môi trường.

Ban đầu, Dự án sẽ thúc đẩy hình thành những cộng đồng học tập thông qua tập huấn và thực hành trên chính mảnh ruộng của người dân. Cộng đồng học tập ở đây tạm gọi là các Nhóm nông dân thích ứng –vốn được lựa chọn từ những nhóm nông dân sở thích hiện có tại Sơn La và Lai Châu nhằm đảm bảo họ đóng vai trò đại diện cho cộng đồng trong quá trình lập kế hoạch và đóng góp vào sự thay đổi.

Song song với các hoạt động đào tạo, tập huấn, tham quan… nhằm nâng cao năng lực, các Nhóm Nông dân thích ứng sẽ được thúc đẩy tham gia việc lập kế hoạch, giám sát và đánh giá các hoạt động sản xuất nông nghiệp tại thôn, bản, đồng thời được hỗ trợ kết nối thị trường nhằm nâng cao nguồn thu thông qua sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững.

Riêng với vấn đề áp dụng kỹ thuật, ông Tố Lưu cho hay Dự án sẽ tiến hành khảo sát các kỹ thuật phù hợp với cây trồng chính hoặc các mô hình chăn nuôi tại thôn Nà Cà và bản Lang, đồng thời tìm kiếm chuyên gia để họ theo sát và hỗ trợ các mô hình thông qua một tập huấn viên tại địa phương. Như Dự án CEMI trước đây, các tập huấn viên được cử đi đào tạo dài ngày tại Đại học Tây Bắc, sau đó về hướng dẫn lại cho bà con. Tuy nhiên, trong dự án VOF lần này, do số lượng tập huấn viên không nhiều nên việc tập huấn sẽ được tiến hành tại địa phương nhằm giúp hình thành những mô hình chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản vừa đảm bảo yếu tố thích ứng, vừa mang lại nguồn sinh kế ổn định cho bà con.

Ông Mùa A Trừ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lai Châu, Giám đốc Ban quản lý Dự án VOF tại Lai Châu cho hay: “Tuy triển khai trên phạm vi và quy mô nhỏ, song nếu hiệu quả thì nhiều khả năng mô hình dự án sẽ được nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Lai Châu hiện đang xây dựng nghị quyết hỗ trợ các hợp tác xã và doanh nghiệp trong phát triển nông nghiệp, do đó, nhiều khả năng địa phương sẽ lồng ghép kinh phí của tỉnh trong khi triển khai dự án này. Ban đầu, cần có những khảo sát cụ thể để các bên phối hợp tham gia hiệu quả hơn”.

Ông Trần Văn Xứng, Phó Chủ tịch huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu đồng chia sẻ: “Bản Nà Cà, xã Bình Lư, huyện Tam Đường là một trong hai bản được Dự án lựa chọn. Hiện bản có 59 hộ thì có tới có 32 hộ nghèo, chiếm 54,2%;100% các hộ là người đồng bào dân tộc Thái. Trong những năm qua, biến đổi khí hậu và thiên tai có ảnh hưởng nhất định đến huyện Tam Đường nói chung và người dân bản Nà Cà nói riêng. Tôi đánh giá cao dự án này vì có tính tổng thể, đặc biệt là việc nhấn mạnh đến vấn đề liên kết thị trường – điều mà huyện đang mày mò, tìm hướng đi. Ngoài ra, Dự án cũng chú trọng sự tham gia của cộng đồng vào việc lập kế hoạch sản xuất và quyết định các vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân. Đây là nội dung rất sát với thực tế, do đó, chúng tôi sẽ đồng hành cùng Hội Nông dân tỉnh, người dân bản Nà Cà và các bên để thực hiện tốt các nội dung và mục tiêu mà Dự án đề ra”.

Phía đại diện Trung tâm bảo vệ thực vật cũng khẳng định sẵn sàng hỗ trợ về mặt thông tin, dữ liệu và phối hợp với Dự án triển khai hiệu quả các hoạt động liên quan.

Một số hình ảnh tại Hội nghị khởi động Dự án VOF tại Lai Châu:

Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Tổ chức ADDA, PanNature và Hội Nông dân tỉnh Lai Châu về việc triển khai Dự án VOF trên địa bàn tỉnh Lai Châu
Ông Mùa A Trừ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lai Châu, Giám đốc Ban quản lý Dự án VOF tại Lai Châu phát biểu khai mạc Hội nghị
Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Trưởng đại diện ADDA tại Việt Nam trình bày tổng quan về Dự án
Ông Nguyễn Đức Tố Lưu, Trung tâm Con người và Thiên nhiên giới thiệu Mô hình cộng đồng nông dân ứng phó với biến đổi khí hậu, mô hình được coi là “hạt nhân” của Dự án VOF
Ông Trần Văn Xứng, Phó Chủ tịch huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu phát biểu tại Hội nghị

Dự án “Tăng cường tiếng nói và năng lực cho người nông dân thiểu số dễ bị tổn thương ứng phó với biến đổi khí hậu Tây Bắc Việt Nam (VOF)” do Tổ chức CISU Đan Mạch tài trợ thông qua Tổ chức ADDA, thời gian thực hiện từ năm 2019 – 2021 tại hai tỉnh Sơn La và Lai Châu. Mục tiêu của dự án là tăng cường khả năng thích ứng của người dân tộc thiểu số dễ bị tổn thương do  biến đổi khí hậu tại vùng Tây bắc Việt Nam thông qua việc thúc đẩy nông nghiệp thông minh phù hợp với khí hậu và sự tham gia của họ vào quá trình ra quyết định. Trước đó, ngày 19/6/2019, Dự án cũng đã được khởi động tại Sơn La.

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia