Nhân Ngày Quốc tế Bảo tồn Hổ (29/7), Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp với Tổ chức WCS tổ chức Tọa đàm: Số phận “Ông Ba Mươi” và các loài nguy cấp tại Việt Nam nhằm nhìn nhận và thảo luận về những nỗ lực, thách thức, những hạn chế trong chương trình bảo tồn hổ và các loài nguy cấp khác của Việt Nam cũng như các triển vọng và cơ hội cải thiện trong tương lai.
Các diễn giả tại tọa đàm: Bà Nguyễn Thị Vân Anh (Cục Bảo tồn Đa dạng Sinh học), bà Sarah Baker Ferguson (Traffic Việt Nam), ông Benjamin Rawson (Giám đốc Chương trình Bảo tồn và Phát triển – WWF Việt Nam), ông Trần Lê Trà (Tổ chức GIZ), TS Lê Xuân Cảnh (Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật) đã có nhiều chia sẻ, bình luận về hiện trạng quần thể, công tác bảo tồn hổ và các loài nguy cấp ở Việt Nam cũng như các giải pháp bảo tồn những loài này trong tương lai.
Tại Tọa đàm, các chuyên gia đã cảnh báo về sự tuyệt chủng của loài hổ trong tự nhiên tại Việt Nam. Mặc dù chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực nhằm bảo tồn loài này, nguồn lực còn hạn chế, việc đầu tư chưa đủ khiến việc bảo tồn trên thực địa còn chưa thực chất. Bên cạnh đó, việc thực thi pháp luật còn chưa đủ chặt chẽ để xóa bỏ nạn buôn bán động vật hoang dã, bao gồm hổ. Ngoài ra, sinh cảnh sống của hổ và các loài hoang dã hiện đang bị tàn phá, gây khó khăn cho công tác bảo tồn cũng như triển vọng tái thả hổ vào tự nhiên.
Báo cáo Người tiêu thụ sản phẩm từ hổ – Đề xuất thông điệp kêu gọi giảm nhu cầu tiêu thụ của Tổ chức Traffic đã được công bố tại Tọa đàm với các phân tích về người tiêu thụ sản phẩm từ hổ dựa trên khảo sát của tổ chức năm 2017 cùng với các khuyến cáo cho truyền thông nhằm giảm tiêu thụ các sản phẩm từ hổ.
Hiện diện tại Tọa đàm, ông Koen Duchateau, Trưởng ban Hợp tác và Phát triển của Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam đã có bài phát biểu nhấn mạnh những cam kết hỗ trợ và hợp tác của EU với Việt Nam trong công cuộc bảo tồn và chống lại nạn buôn bán động vật hoang dã thông qua nhiều chương trình, dự án.
Nhân dịp này, WCS cũng đã giới thiệu và chính thức khởi động Dự án Hợp tác chống tội phạm liên quan đến động vật hoang dã do Liên minh Châu Âu tài trợ. Dự án được triển khai ở 7 nước trong khu vực bao gồm Trung Quốc, Malaysia, Lào, Thái, Campuchia, Myanmar và Việt Nam nhằm hỗ trợ và thúc đẩy nỗ lực của các chính phủ trong khu vực trong đấu tranh với buôn bán động vật hoang dã thông qua việc tăng cường hợp tác với các tổ chức xã hội nhằm xóa bỏ các chuỗi cung động vật hoang dã bất hợp pháp. Tại Việt Nam, PanNature là đối tác thực hiện dự án cùng WCS.
Tham dự tọa đàm có hơn 60 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức nghiên cứu, bảo tồn trong nước và quốc tế cùng đại diện nhiều cơ quan truyền thông báo chí.
Một số hình ảnh tại tọa đàm: