Đơn giản hóa số liệu, phá bỏ mô típ quen thuộc, độc giả thuyết phục… những điều nhà báo hoàn toàn có thể làm được khi áp dụng công cụ trực quan hóa dữ liệu về đề tài Biến đổi khí hậu.
Trực quan hóa dữ liệu – công cụ “cứu cánh” thực sự hiệu quả?
Nếu như trước đây khi đề cập, viết, phát sóng những chủ đề liên quan đến biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, bảo vệ môi trường… chúng tôi thường nhận về lượng tương tác vô cùng ít ỏi. Thậm chí có những bài viết không đủ view chấm nhuận bút.
Là người viết chuyên nghiệp, tôi luôn tự hỏi làm cách nào để có được số liệu thực tế, có kiểm chứng khoa học rõ ràng, nhất là việc thu hút bạn đọc, kích thích sự tò mò? Với nội dung biến đổi khí hậu làm cách nào để tạo hiệu ứng xã hội và có sức lan tỏa rộng rãi?
Trong khi với nhiều người những vấn đề kể trên còn quá mơ hồ, dửng dưng, thậm chí những nhà báo chuyên viết về môi trường như chúng tôi cũng phải lúng túng vì không tìm được bạn đồng hành.
Tuy nhiên, khoảng vài năm trở lại đây số lượng độc giả Việt Nam tăng lên đáng kể. Họ bắt đầu tìm đọc, quan tâm, chia sẻ về những diễn biến phức tạp của khí hậu. Không còn hớt hải săn lùng những dòng tin về “cướp – giết – hiếp”, “sốc – sến – sex” … thay vào đó nhiều người đã chủ động tìm đọc về những vấn đề cụ thể hơn như nóng lên toàn cầu, ô nhiễm môi trường, hạn hán, cháy rừng, lũ lụt…
Mặc dù được trang bị kiến thức nền cơ bản, song chúng tôi không khỏi loay hoay về việc tìm kiếm những trang web uy tín đưa ra kết quả phân tích khách quan và khoa học. Tìm kiếm nội dung đã khó, thể hiện và minh họa nội dung lại càng đòi hỏi ở người viết nhiều hơn.
Để thuyết phục bạn đọc, khi nói về chủ đề BĐKH chắc chắn phải nói đến khoa học và dữ liệu. Những con số được đo đạc qua thời gian như: mực nước biển, nhiệt độ trung bình, lượng mưa, độ dày của băng, là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy sự thay đổi và những ảnh hưởng của BĐKH.
Theo nghiên cứu và đánh giá của bà Trần Lệ Thùy – Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Truyền Thông và Phát triển cho biết, các trang web có ảnh hưởng nhất tại Việt Nam liên quan về vấn đề BĐKH: Baobinhduong.org.vn – từ điển bách khoa kiến thức tin tức tổng hợp giữ vị trí đầu bảng về mức độ truy cập, tiếp theo là báo điện tử Dân trí, Genk, Zing, Người đưa tin, Soha…
Để có được số liệu này, bà Trần Lệ Thùy – Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Truyền Thông và Phát triển đã sử dụng công cụ Alexa Rank là thước đo mức độ phổ biến của các website. Chỉ số thứ hạng của mỗi website được Alexa kết hợp đánh giá từ 2 yếu tố là số trang web người dùng xem (Page Views) và số người truy cập website (Reach).
Tại cuộc hội thảo về vấn đề biến đổi khí hậu được tổ chức tại Sơn La, Hoàng Ngọc Xuân Mai – Thành viên của Climate Tracker (tổ chức được thành lập với sứ mệnh hỗ trợ kết nối, phát triển kỹ năng báo chí về biến đổi khí hậu cho các nhà báo) đã giới thiệu về công cụ “trực quan hoá dữ liệu” hoàn toàn mới mẻ này.
Thông thường, các tòa soạn báo sẽ có riêng một ê-kíp thiết kế, chịu trách nhiệm phần minh hoạ cho các bài viết quan trọng. Việc sử dụng “trực quan hoá dữ liệu” – một công cụ hiện đại áp dụng cho việc xử dữ liệu trở nên đơn giản hơn. Không cần phải có kỹ năng đồ hoạ hoặc sử dụng công nghệ thuần thục, người viết vẫn có thể tự mình xử lý và trực quan hoá dữ liệu mà không mất quá nhiều thời gian.
“So sánh với công cụ biểu đồ của Excel, đa số các công cụ dưới đây đều tiện sử dụng hơn khi người dùng đã quen, và tạo ra nhiều loại biểu đồ đẹp, chuyên nghiệp hơn hẳn. Một số còn có tính năng tương tác (interactive) và di chuyển (animation)”, Hoàng Ngọc Xuân Mai -Thành viên của Climate Tracker cho biết.
Trong vòng 5 năm trở lại đây, các công cụ trực quan hóa dữ liệu đều đã được sử dụng bởi các hãng tin uy tín nhất thế giới, bao gồm the New York Times, the Washington Post, Aljazeera… Riêng tại Việt Nam đã có VnExpress International áp dụng.
Công cụ trực quan hóa dữ liệu có thể xử lý được toàn bộ dữ liệu, hình ảnh và đồ họa. Tất cả nguồn dữ liệu được liệt kê bên dưới đều là những nguồn đã được thông qua quá trình bình duyệt khoa học, hoặc nguồn từ Liên Hiệp Quốc, các tổ chức quốc tế lớn và các cơ quan của chính phủ.
Ở Việt Nam có thể kể đến: Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) với trang dữ liệu mở opendata.vn; Tạp chí Khoa học Biến đổi khí hậu – Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và BĐKH; VNU Journal of Science: Earth and Environmental Sciences – Đại học Quốc gia Hà Nội; Journal of Vietnamese Environment – Bộ Khoa học và Công nghệ; Journal of Vietnamese Environment – Tạp chí thông tin mở (open access) được biên tập bởi một nhóm các nhà khoa học Việt Nam và Châu Âu… là những đơn vị thường xuyên đăng tải, cập nhật những thông tin hoàn toàn chính thống, chính xác tại Việt Nam.
“Quẳng gánh lo” xử lý số liệu
Báo chí – truyền thông được coi là cầu nối giữa nhà khoa học, chuyên gia và người dân trong việc nâng cao nhận thức về nguyên nhân, tác động và cách thích ứng với BĐKH. Đặc biệt, khi bài viết hiện lên chân thực, khách quan và chính xác nhà báo hoàn toàn có thể trang bị cho mình 07 công cụ trực quan hóa dữ liệu sau đây:
Công cụ Data Gif Maker (Thời gian tạo biểu đồ: 10-20 phút)
Công cụ tạo ra ảnh động để trực quan hoá dữ liệu này rất dễ sử dụng, với chỉ 3 template khác nhau: biểu đồ tròn phù hợp dùng để so sánh các giá trị chênh lệch cao, biểu đồ chữ nhật cho thấy thành phần của một tổng, và biểu đồ kiểu “chạy đua” phù hợp so sánh các giá trị gần nhau.
Google Trend (Thời gian tạo biểu đồ: 5 phút)
Google tạo ra công cụ này để người dùng có thể dễ dàng thống kê và so sánh số lượng tìm kiếm từ khoá theo thời gian và theo vùng. Những con số này có thể cho thấy mức độ quan tâm của cư dân mạng về một chủ đề nào đó.
Lưu ý chọn quốc gia phù hợp để thống kê số liệu.
Các biểu đồ do phần mềm tự vẽ ra có thể được tải xuống hoặc nhúng link vào bài viết.
Có thể dùng kèm công cụ này với Data GIF Maker để tạo ra biểu đồ ảnh động.
Flourish (Thời gian tạo biểu đồ: Tuỳ loại, 20 phút – 2 tiếng)
Flourish là một công cụ tinh vi cho phép trực quan hoá nhiều loại dữ liệu khác nhau một các sống động. Với hơn 20 loại template vẫn đang được cập nhật, người dùng có thể phải mất một chút thời gian để làm quen với mỗi template.
Juxtapose (Thời gian tạo biểu đồ: 5 phút)
Giúp người viết so sánh sự thay đổi của một sự vật hiện tượng xảy ra tại cùng một vị trí nhưng tại thời điểm khác nhau.
Storymap (Thời gian tạo biểu đồ: 5-30 phút)
StoryMap là phần mềm phù hợp để kể một câu chuyện sinh động dựa trên bản đồ.
Người dùng có thể đặt ghim tại những địa điểm quan trọng và thêm tiêu đề cũng như văn bản. Sản phẩm cuối cùng có tính tương tác với người đọc, cho thấy sự di chuyển từ địa điểm này sang địa điểm khác trên bản đồ.
Canva (Thời gian tạo biểu đồ: 5-30 phút)
Canva giúp việc chuyển những ý tưởng thành các thiết kế bắt mắt thật dễ dàng. Chỉ cần tìm kiếm hình ảnh đồ họa, ảnh và phông chữ, sau đó sử dụng công cụ kéo và thả của Canva để thiết kế.
Piktochart
Tuy có nhiều tính năng trùng với Canva, Piktochart phù hợp dùng để thiết kế điều icon, infographic nhỏ. Khi nhấp vào mục infographic, giao diện trang web sẽ hiện ra các template khác nhau, kèm những thành phần có thể thêm vào và tính năng bên cột trái.
Có thể đánh giá trực quan hóa dữ liệu hoàn toàn phá bỏ mô típ quen thuộc, so sánh triệt để dữ liệu, hiệu quả không chỉ riêng về đề tài biến đổi khí hậu mà còn áp dụng cho rất nhiều đề tài khác.
Nguồn: Báo Môi trường và Đô thị