Sau hơn một tuần xảy ra vụ cháy ở Công ty Rạng Đông nhưng người dân vẫn đang mong chờ kết luận thống nhất và các giải pháp xử lý từ cơ quan chức năng để họ không phải thấp thỏm “sống trong sợ hãi.”
Sau hơn một tuần xảy ra sự cố cháy nghiêm trọng tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, kết quả quan trắc cho thấy ô nhiễm thủy ngân vượt ngưỡng khuyến cáo của WHO và ATSDR Mỹ từ 10 – 30 lần vẫn đang là “cú sốc” đối với dư luận, nhất là khi bức tranh “môi trường bị nhiễm hóa chất” còn đang hiện hữu và chưa thống nhất được kết quả cuối cùng.
Dù không ai mong muốn, sự cố cháy gây ô nhiễm môi trường cũng đã xảy ra. Cái mất đi khó mà thống kê đầy đủ. Nhưng điều dư luận luôn mong là sự thật về mức độ ô nhiễm; sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, đặc biệt là sự phối hợp của doanh nghiệp để sớm có kết luận chính thức về mức độ ô nhiễm, cũng như đưa ra giải pháp xử lý kịp thời, tránh gây hoang mang cho người dân.
Lúng túng trong xử lý sự cố
Ông Trịnh Lê Nguyên – Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), chia sẻ: Trong những sự cố lớn về môi trường xảy ra trong thời gian vừa qua, chúng ta dễ dàng nhận thấy nhiều bất cập và lúng túng của cơ quan chức năng trong việc công bố thông tin. Điều đó khiến cho tin đồn, thông tin thất thiệt, thiếu tin cậy lan tràn, gây hoang mang dư luận, đặc biệt là đối với người dân ở khu vực chịu ảnh hưởng.
Trong những biến cố như vậy, nhất thiết phải có cơ quan chức năng đứng ra phát ngôn, cung cấp thông tin cho người dân – đó là chức năng mà các cơ quan, tổ chức ngoài chính quyền không thể làm thay được. Người dân phải được quyền thông tin đầy đủ về sự việc, mức độ ô nhiễm có thể gây ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
Ngay sau sự cố cháy ở Công ty Rạng Đông, ngày 29/8, Ủy ban Nhân dân phường Hạ Đình đã cảnh báo về nguy cơ nhiễm độc thủy ngân tới người dân trên địa bàn.
Điều này cũng đã được giới chuyên gia về môi trường, chuyên gia hóa học, thậm chí là lãnh đạo ở một số đơn vị trực thuộc các cấp Bộ, ngành, tổng cục đồng tình và đánh giá cao. Người dân cũng dễ nhìn nhận để có thể chủ động phòng ngừa, bảo vệ cho sức khỏe của mình.
Bởi thế, theo khuyến cáo của giới chuyên gia môi trường, nguyên tắc phòng ngừa phải được đặt lên trước khi chưa có thông tin đầy đủ, nhất là đối với sự cố cháy Rạng Đông – nơi được cho là sử dụng amalgam, thủy ngân, để sản xuất bóng đèn…
Nhìn nhận ở góc độ cá nhân, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) – người trực tiếp đeo mặt nạ phòng độc đi kiểm tra thực tế hiện trường sau vụ cháy tại Công ty Rạng Đông, khẳng định “việc Ủy ban Nhân dân phường Hạ Đình ban hành văn bản khuyến cáo đến người dân là cần thiết.”
Nhưng cảnh báo của phường Hạ Đình lại bị Ủy ban Nhân dân quận Thanh Xuân yêu cầu thu hồi vào ngày hôm sau (30/8), với lý do là “không đúng thẩm quyền, gây hoang mang dư luận.”
Không những thế, trong suốt một tuần qua – kể từ sau khi xảy ra sự cố cháy, kết quả quan trắc mà các bên đưa ra lại trái chiều, không có sự thống nhất. Trong khi cơ quan chức năng thành phố Hà Nội khẳng định “nồng độ thủy ngân đều bằng 0,” thì Bộ Tài nguyên và Môi trường lại khẳng định “ô nhiễm ở mức độ trung bình.” Cuối cùng đi tới khẳng định “vụ cháy Rạng Đông đã làm phát tán ra môi trường từ 15,1 đến 27,2 kg thủy ngân. Nồng độ thủy ngân vượt khuyến cáo của WHO…”
Kết quả trên đã được công bố công khai tại buổi Họp báo Chính phủ. Nhưng tại buổi làm việc vào chiều 5/9, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vẫn bày tỏ sự băn khoăn với kết quả quan trắc của Tổng cục Môi trường vì: Kết quả này không thống nhất với các đơn vị khác, nhất là khi Hà Nội cũng có thiết bị hiện đại của Pháp (đạt tiêu chuẩn châu Âu)…
Chính vì vậy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao Công an thành phố trưng cầu một đơn vị giám định độc lập để có kết quả chính xác nhất mức độ ô nhiễm môi trường sau vụ cháy Công ty Rạng Đông.
Vậy là, cho đến thời điểm này, sự thật về mức độ ô nhiễm sau vụ cháy Rạng Đông vẫn chưa đi tới hồi kết. Những kết quả quan trắc trái chiều, chưa có sự thống nhất gây “nhiễu” thông tin lại khiến người dân phải “sống trong sợ hãi.”
Cần có Quy chế ứng phó sự cố
Vụ cháy nghiêm trọng tại Công ty Rạng Đông, cho đến nay, sau 8 ngày xảy ra sự cố, kết quả quan trắc đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố công khai. Dù kết quả quan trắc có thể chưa phản ánh đúng mức độ ô nhiễm môi trường, nhất là sau những ngày mưa, nhưng rõ ràng: “Vụ cháy Rạng Đông đã phát tán ra môi trường từ 15,1 đến 27,2 kg thủy ngân. Một số mẫu không khí, nước, trầm tích có giá trị nồng độ thủy ngân vượt ngưỡng WHO và Việt Nam.”
Như vậy, cảnh báo ô nhiễm hóa chất, hay ô nhiễm thủy ngân, môi trường bị nhiễm bẩn, đã phản ánh đúng hiện trạng vào thời điểm quan trắc. Vậy bước tiếp theo là gì, có cần tạm thời sơ tán các hộ dân xung quanh không? Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần làm gì trong việc xử lý sự cố, hỗ trợ người dân, giám sát doanh nghiệp, kể cả tiến trình đánh giá thiệt hại và vấn đề bồi thường nếu có?
Theo ông Hoàng Văn Thức – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, kết quả quan trắc tại nhà xưởng Công ty Rạng Đông mà đơn vị này thực hiện bằng “bẫy vàng” cho thấy thủy ngân đã phát tán ra môi trường và nằm trong ngưỡng tổ chức y tế thế giới cảnh báo có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Dù vậy, ông Thức khẳng định mức độ ô nhiễm vẫn chưa đến mức phải di dân ra khỏi khu vực ảnh hưởng của vụ cháy. Theo đó, kết quả quan trắc đã đưa ra là để khuyến cáo cho người dân phòng ngừa rủi ro.
Trong khi đó, ông Đỗ Thanh Bái – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Hóa học Việt Nam, cho rằng việc cần làm hiện nay là các cán bộ kỹ thuật cùng với Công ty Rạng Đông phải cô lập các khu vực có thể đã bị nhiễm thủy ngân từ đám cháy để ngăn ngừa tối đa khả năng phát tán thêm do vô ý hay do thời tiết.
“Tuy nhiên, đối với người dân ở bên ngoài – những người cần được bảo vệ nhất, điều lo lắng nhất là sự thật về mức độ ảnh hưởng. Vì thế, chính quyền địa phương cần vận động người dân chủ động là đi kiểm tra máu. Đồng thời phải được triển khai các biện pháp xử lý độc theo đúng khoa học và được tiến hành bởi các cơ quan, cá nhân có trình độ chuyên môn phù hợp,” ông Bái nói thêm.
Để đảm bảo cho việc ứng phó an toàn sự cố về lâu dài, theo ông Trịnh Lê Nguyên – Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần gấp rút tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế ứng phó sự cố, thảm họa môi trường và hướng dẫn, phổ biến đến chính quyền các cấp, các tổ chức công tác diễn tập định kỳ ở những điểm có nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa.
Theo kinh nghiệm của giới chuyên gia môi trường, xử lý sự cố môi trường cần phải bài bản, thận trọng, nhưng cũng cần sự kịp thời, quyết liệt, và đặt sức khỏe, an toàn của nhân dân lên trên hết. Bởi người dân sẽ nhìn vào cách xử lý của chính quyền để đánh giá, để tin vào công lý. Vậy nên, đừng để người dân cảm thấy đơn độc trong những sự cố tương tự.
Điều quan trọng hơn là, sự cố môi trường nghiêm trọng không chỉ gây ảnh hưởng đến kinh tế, mà còn ảnh hưởng đến văn hóa kinh doanh, môi trường, đặc biệt là tương lai giống nòi của quốc gia, dân tộc. Vậy nên, cơ quan quản lý, đặc biệt là doanh nghiệp đừng chỉ nhìn cái lợi trước mắt, cái lợi của cá nhân, của nhóm nhỏ quyền lực mà để người dân mất niềm tin, ảnh hưởng sức khỏe, để lại tiếng xấu.
Sớm di dời các cơ sở công nghiệp ra khỏi nội thành
Từ sự cố cháy nghiêm trọng tại Công ty Rạng Đông, có thể thấy bức tranh quy hoạch công nghiệp của thủ đô Hà Nội đã bộc lộ những “khoảng tối” đáng lo ngại.
Minh chứng là, trong khi hơn hai thập kỷ trước, khi quy hoạch khu công nghiệp-khu công nghệ cao của miền Bắc Việt Nam, những người làm quy hoạch đã chọn Hòa Lạc (khu vực ngoại thành) làm nơi xây dựng, thì ở nội thành, các khu công nghiệp gây ô nhiễm nặng nề lại đặt vào trong, có khu còn lọt thỏm giữa trung tâm.
Đơn cử như, phía Tây Hà Nội có khu công nghiệp Thượng Đình; phía Tây Bắc có khu công nghiệp Chèm; phía Đông Bắc (bên kia Sông Hồng) có các nhà máy xe lửa Gia Lâm, các nhà máy thuộc khu công nghiệp Yên Viên, Đông Anh; phía Nam là khu công nghiệp Vĩnh Tuy-Thanh Trì-Minh Khai, Văn Điển…
Sau một thời gian, những “khoảng tối” về quy hoạch đã bộc lộ khi tốc độ phát triển đô thị ở Hà Nội ngày càng nhanh, mật độ dân cư lớn, những khu đất trống nhanh chóng phủ kín bằng nhà ở, khu dân cư đông đúc. Vì thế, năm 2016, trong báo cáo về tác động của Luật Thủ đô, Thành phố Hà Nội đã xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời 117 cơ sở gây ô nhiễm trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành.
Vậy nhưng, sau 2 năm, tại Hội nghị giao ban trực tuyến tháng 9/2018, số liệu báo cáo được đưa ra mới chỉ giảm được 4 cơ sở. Sự chậm trễ này đã khiến không ít người lo ngại, nhất là đối với những khu vực đang phải “ôm” cơ sở sản xuất công nghiệp – nằm lọt thỏm giữa các khu dân cư đông đúc, khiến người dân phải chịu cảnh “sống chung” với ô nhiễm và canh cánh những nỗi lo mất an toàn cháy nổ.
Sự cố cháy nghiêm trọng tại Công ty Rạng Đông vừa xảy ra là minh chứng cho thấy việc quy hoạch khu-cụm công nghiệp, nhà máy sản xuất hóa chất độc hại trong nội thành, khu dân cư đông đúc, có thể sẽ còn gây ra những sự cố thảm họa môi trường, gây ảnh hưởng nặng nề. Một khi xảy ra sự cố cháy nổ nghiêm trọng, sẽ không chỉ gây ô nhiễm không khí, nguồn nước, đất đai, mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng của người dân, làm xấu diện mạo đô thị của thành phố.
Vấn đề đáng nói là, không chỉ nằm lọt thỏm trong nội thành, khu dân cư, theo ông Hoàng Văn Thức – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường thì Công ty Rạng Đông còn chưa được Sở Công thương Hà Nội phê duyệt các biện pháp ứng phó sự cố an toàn cháy nổ, dù đây là một thủ tục bắt buộc.
Theo ông Thức, Công ty Rạng Đông nằm trong nhóm sẽ được Sở Công Thương Hà Nội phê duyệt biện pháp ứng phó với sự cố an toàn cháy nổ, nhưng thực tế công ty chưa có báo cáo về Sở để phê duyệt. Đây là điều cần rút kinh nghiệm trong việc chúng ta kiểm soát về lĩnh vực này, chưa đước đảm bảo.
Phó Tổng cục trưởng Môi trường cũng lưu ý, biện pháp ứng phó với sự cố cháy nổ lẽ thường phải được tập huấn rất thường xuyên. Quy trình ứng phó với sự cố cũng phải đúng quy định. Vì thế, những doanh nghiệp thuộc cấp Bộ, thì Bộ Công Thương phải kiểm tra đánh giá ngặt nghèo. Doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của thành phố thì Sở Công Thương phải phê duyệt và phải kiểm soát.
Ông Thức cũng cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo vụ việc lên Thủ tướng Chính phủ, trong đó đã thống nhất với nhiều Bộ để có giải pháp tổng thể sau sự cố vừa xảy ra. Trong đó, có một kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo với 63 tỉnh thành, cho phép tổng rà soát lại các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh về hóa chất độc hại. Với các cơ sở nằm trong khu đô thị, khu dân cư tập trung thì tổ chức đánh giá, sau đó đưa ra kế hoạch có lộ trình cụ thể tiến tới di dời cơ sở ra khỏi đô thị, khu dân cư tập trung.
Về phía Hà Nội, tại cuộc họp với lãnh đạo thành phố về những vấn đề liên quan đến vụ cháy Công ty Rạng Đông vào chiều 5/9, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Đức Chung cũng đề nghị Công ty Rạng Đông sớm di dời nhà máy ra khỏi nội thành theo nguyện vọng của người dân quận Thanh Xuân.
Nguồn: vietnamplus.vn