Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu
  • Comments Off on Vô cảm, bưng bít trong vụ cháy Rạng Đông: Thảm họa chồng Thảm họa

Bài viết của ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đăng trên Zing.vn

Những vụ việc có quy mô ảnh hưởng lớn, nghiêm trọng cần được gọi đúng bản chất là thảm họa. Đó là điều tối thiểu người dân có quyền đòi hỏi từ một chính quyền minh bạch.

Ngày 6/9, hơn một tuần sau khi vụ cháy xảy ra, lãnh đạo Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông mới gửi thư xin lỗi.

Trong danh sách được xin lỗi, nhân dân hai phường Hạ Đình và Thanh Xuân Trung – những người chịu ảnh hưởng trực tiếp của những hệ quả từ vụ cháy – xếp sau cùng. Được nhắc đến đầu tiên là lãnh đạo TP Hà Nội, rồi sau đó quận, phường và các cơ quan đơn vị.

Công ty Rạng Đông xin lỗi vì đã “làm bận tâm, phiền hà đến lãnh đạo thành phố, lãnh đạo quận Thanh Xuân, ảnh hưởng sức khỏe của lực lượng PCCC và đặc biệt với nhân dân hai phường sát công ty”.

Thế nhưng, hãy thử điểm lại chính quyền đã “bận tâm” như thế nào trong suốt một tuần qua.

Tối 28/8, vụ cháy Rạng Đông xảy ra. Hơn một tuần sau, chính quyền TP Hà Nội mới tổ chức họp bàn về nguyên nhân, hậu quả và hướng giải quyết.

Trong suốt thời gian đó, người dân không hề thấy một phát ngôn, thông báo nào của lãnh đạo thành phố ngoại trừ tranh cãi giữa lãnh đạo quận Thanh Xuân với cấp dưới và các cơ quan chuyên môn khác.

Điều này khiến không ít người ngạc nhiên, băn khoăn và đặt câu hỏi: Lãnh đạo chính quyền Hà Nội ở đâu trong suốt mấy ngày người dân thấp thỏm lo âu, sống trong sợ hãi?

Báo chí thậm chí còn bị cản trở tham dự cuộc họp chiều 5/9. Phía quận Thanh Xuân thì tảng lờ mọi câu hỏi của báo chí.

Người dân có quyền thắc mắc vì sao phía các cơ quan chính quyền phải giấu giếm và tìm cách lảng tránh trách nhiệm như thế?

Trong những sự cố lớn về môi trường xảy ra trong thời gian vừa qua, chúng ta dễ dàng nhận thấy nhiều bất cập và lúng túng của cơ quan chức năng trong việc công bố thông tin. Điều đó khiến cho tin đồn, thông tin thất thiệt, thiếu tin cậy lan tràn, gây hoang mang cho người dân.

Trong những biến cố như vậy, nhất thiết phải có cơ quan đứng ra phát ngôn, cung cấp thông tin  – đó là chức năng mà các cơ quan, tổ chức ngoài chính quyền không thể làm thay được. Người dân phải được quyền thông tin đầy đủ về sự việc và tác động đến cuộc sống của họ.

Trong những biến cố như vậy, nhất thiết phải có cơ quan chức năng đứng ra phát ngôn, cung cấp thông tin cho người dân.

Ở trường hợp cháy Rạng Đông vừa rồi, phản ứng của chính quyền cơ sở (phường Hạ Đình) là rất kịp thời, trách nhiệm và cẩn trọng. Nguyên tắc phòng ngừa phải được đặt lên trước khi chưa có thông tin đầy đủ.

Tuy nhiên, phản ứng của chính quyền quận Thanh Xuân và TP Hà Nội thực sự chậm chạp, lúng túng và né tránh trách nhiệm như nhiều tờ báo đã chỉ trích. Cách UBND quận Thanh Xuân buộc phường Hạ Đình thu hồi thông báo, kiểm điểm và kỷ luật cấp dưới, thông tin sai sự thật cho người dân khiến công chúng đặt ra nhiều câu hỏi.

Và chính quyền không phải là bên duy nhất làm người dân thêm hoang mang vì sự thiếu minh bạch thông tin trong bối cảnh họ cần thông tin hơn bao giờ hết.

Hầu hết mọi người chỉ biết đấy là một vụ cháy lớn. Ít ai biết được trong số hàng hóa, nguyên vật liệu của nhà máy có chứa hóa chất cực độc thủy ngân.

Làm sao họ biết được khi bản thân lãnh đạo Công ty Rạng Đông không thông tin? Họ chỉ làm vậy vào chiều ngày 30/8, hai ngày sau khi đám cháy xảy ra. Qua báo cáo của công ty, người dân mới biết được có hơn 4 triệu sản phẩm bóng đèn có chứa amalgam, một hợp chất có chứa thủy ngân, nằm trong khu vực nhà kho bị cháy.

Đến ngày 4/9, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết có khoảng 27,2 kg thủy ngân đã bị phát tán ra môi trường. Đấy là còn may mắn khi một lượng lớn nguyên liệu amalgam còn nguyên vẹn, không bị ảnh hưởng bởi vụ cháy.

Nhọc nhằn đi tìm công lý

Sự giấu giếm thông tin, thiếu minh bạch của doanh nghiệp và chính quyền có vẻ như là điểm chung của nhiều sự việc ô nhiễm môi trường có tác động nghiêm trọng đến người dân.

Nổi tiếng và dai dẳng nhất có thể nói là vụ Minamata cái tên địa danh giờ đã thành tên một căn bệnh, và cũng là tên của công ước quốc tế về ngăn chặn ô nhiễm thủy ngân mà Việt Nam là thành viên.

Bệnh Minamata là một căn bệnh thần kinh do nhiễm độc thủy ngân. Triệu chứng bao gồm mất điều hòa hoạt động, tứ chi run rẩy do yếu cơ, tầm nhìn hướng tâm bị che khuất, mất khả năng thính giác, nói khó khăn.

Trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến chứng điên cuồng, tê liệt, hôn mê, cuối cùng bệnh nhân tử vong sau vài tuần kể từ khởi phát triệu chứng đầu tiên. Dạng bất thường bẩm sinh của bệnh có thể ảnh hưởng đến bào thai trong bụng mẹ.

Sự giấu giếm thông tin, thiếu minh bạch của doanh nghiệp và chính quyền có vẻ như là điểm chung của nhiều sự việc ô nhiễm môi trường có tác động nghiêm trọng đến người dân.

Bệnh Minamata lần đầu tiên được phát hiện ở thành phố Minamata, Kumamoto, Nhật Bản vào năm 1956. Từ năm 1932 đến 1968, Nhà máy hóa chất của Tập đoàn Chisso đã xả thải ra Vịnh Minamata và các khu vực lân cận, trong đó có chất methyl thủy ngân.

Chất hoá học cực độc này đã tích tụ sinh học lại trong nhuyễn thể  cũng như cá ở vịnh Minamata và biển Shiranui, sau đó nhiễm độc người dân thông qua chuỗi thức ăn.

Tính đến tháng 3/2001, đã có 2.265 người được xác nhận là mắc bệnh Minamata, trong đó có 1.784 người đã chết. Tập đoàn Chisso đã phải bồi thường cho hơn 10.000 người với khoản chi trả tính đến năm 2004 là hơn 86 triệu USD. Nhiều nạn nhân chưa được bồi thường vẫn tiếp tục quá trình khiếu kiện, đòi quyền lợi từ Chisso.

Quá trình đi tìm sự thật và công lý của người dân Minamata không hề đơn giản.

Phải mất 12 năm kể từ khi phát hiện ra căn bệnh thì Chính phủ Nhật Bản mới kết luận nguyên do là từ Chisso gây ô nhiễm. Trong quá trình điều tra do Trường đại học Kumamoto thực hiện, Tập đoàn Chisso đã liên tục thiếu hợp tác, bưng bít thông tin về quy trình sản xuất và chất thải.

Thậm chí, tập đoàn này che giấu kết quả thí nghiệm của nội bộ, đánh lừa người dân bằng cách lắp đặt hệ thống xử lý nước thải mà họ thừa biết không hề được xử lý, chuyển địa điểm xả thải sang khu vực khác… Chisso cũng tìm cách chia rẽ cộng đồng nạn nhân và trì hoãn việc bồi thường.

Tại Canada, từ năm 1962 đến 1970, Công ty hóa chất Dryden, một công ty con của Tập đoàn Reed International (nay là Tập đoàn RELX) đã xả xuống hệ thống sông Wabigoon-English (tỉnh Ontario) hơn 9.000 kg thủy ngân, chưa kể lượng thủy ngân thải ra không khí không đo đếm được.

Hai cộng đồng người bản địa sinh sống tại khu vực tây bắc Ontario đã bị mắc bệnh Minamata do ăn phải cá có tích lũy chất độc thủy ngân. Hậu quả lên sức khỏe của người dân vẫn còn dai dẳng đến tận thời điểm hiện nay, thậm chí ở cả thế hệ trẻ.

Hậu quả để lại của các vụ việc ô nhiễm chất độc như thủy ngân lên người dân và hệ sinh thái là rất nghiêm trọng và lâu dài.

Các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi chất thải thủy ngân đã tiến hành nhiều vụ kiện. Vào năm 1982, Chính phủ Canada đã đóng góp 2,2 triệu USD cho các chương trình phát triển kinh tế, xã hội và giáo dục tại khu tự trị Wabaseemoong. Đến năm 1984, chính phủ tiếp tục đóng góp 4,4 triệu USD cho khu tự trị Grassy Narrows nhằm phát triển kinh tế và các dịch vụ xã hội.

Năm 1986, Chính phủ Canada và các công ty có liên quan đã ký thỏa thuận bồi thường cho các cộng đồng bị ảnh hưởng với tổng số 16,67 triệu USD. Tuy nhiên, người dân bị ảnh hưởng vẫn chưa được hưởng lợi nhiều từ khoản bồi thường này do cơ chế và yêu cầu đặt ra trong thỏa thuận.

Hậu quả để lại của các vụ việc ô nhiễm chất độc như thủy ngân lên người dân và hệ sinh thái là rất nghiêm trọng và lâu dài. Con đường đi tìm sự thật và công lý của những người bị ảnh hưởng không hề đơn giản khi vấn đề liên quan đến lợi ích của các bên có quyền lực, tiền bạc và ảnh hưởng.

Thảm họa phải được gọi là thảm họa

Công luận chắc sẽ bàn tán nhiều về lá thư xin lỗi của công ty Rạng Đông. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành, để khắc phục hậu quả của vụ cháy, công ty này còn phải làm nhiều việc hơn là xin lỗi.

Rạng Đông phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng, thiệt hại lên môi trường, chi trả các khoản chi phí khắc phục ô nhiễm… Tùy thuộc vào kết quả điều tra của cơ quan chức năng, thậm chí họ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự đối với vụ hỏa hoạn.

Trong vụ cháy, nhiều người dân cũng băn khoăn liệu có phải do thiếu các kịch bản ứng phó nên chính quyền mới lúng túng và thiếu hành động nhất quán như vậy?

Nếu nhìn nhận vụ việc là sự cố hóa chất, Quy chế Hoạt động ứng phó sự cố hóa chất độc ban hành kèm theo Quyết định số 26/2016/QĐ-TTg quy định rất rõ ràng và chi tiết về quy trình cũng như trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là trong Danh mục các loại hóa chất độc kèm theo Quy chế này không có thủy ngân và các hợp chất có thủy ngân.

Trong những vụ việc quy mô ảnh hưởng lớn, mức độ nghiêm trọng cần được gọi đúng bản chất của nó là thảm họa.

Nếu nhìn nhận vụ việc là sự cố môi trường thì hiện tại chưa có quy trình chính thức cho việc ứng phó. Quy chế ứng phó sự cố môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường soạn thảo từ năm 2018 hiện vẫn đang ở tình trạng dự thảo.

Sau sự việc vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần gấp rút tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành ngay Quy chế này và hướng dẫn, phổ biến đến chính quyền các cấp, cũng như tổ chức công tác diễn tập định kỳ ở những điểm có nguy cơ cao xảy ra sự cố, thảm họa.

Tuy nhiên, công việc ứng phó thiên tai, thảm họa không phải là quá mới mẻ đối với Việt Nam. Kinh nghiệm ứng phó đã được đúc kết thành nguyên tắc “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng” và áp dụng nhuần nhuyễn ở nhiều địa phương trong các sự cố khẩn cấp, thiên tai.

Điều cuối cùng, có vẻ như cơ quan chức năng rất sợ từ “thảm họa”. Nhiều vụ việc nghiêm trọng được gọi tên “sự cố” dường như không ổn. Việc phân định rõ ràng mức độ nghiêm trọng của vụ việc từ quy mô sự cố đến thảm họa sẽ giúp có phản ứng phù hợp, kịp thời hơn.

Theo quy chuẩn ứng phó với thảm hoạ do Mỹ ban hành, quá trình tiến hành phục hồi – bao gồm tái phát triển và hỗ trợ cộng đồng bị ảnh hưởng – được tiến hành ngay trong lúc quá trình ứng phó với thảm hoạ đang diễn ra.

Đó cũng là tiêu chí các nước phát triển khác ban hành. Điều này không nằm ngoài mục đích hạn chế thấp nhất những hậu quả nặng nề do thảm họa gây ra.

Những vụ việc có quy mô ảnh hưởng lớn, mức độ nghiêm trọng cần được gọi đúng bản chất của nó là thảm họa. Đó là điều tối thiểu người dân có quyền đòi hỏi từ một chính quyền minh bạch và có trách nhiệm.

Nguồn: Zing.vn

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia