Theo ông Trịnh Lê Nguyên – Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), công thức của cái gọi là “du lịch sinh thái” của hầu hết các dự án ở nước ta hiện nay là bóc lột thiên nhiên: chặt cây, san đất, xây biệt thự…
Phóng viên: Thưa ông, thực trạng đầu tư xây dựng resort, tổ hợp du lịch trong các vườn quốc gia (VQG), khu bảo tồn (KBT) đã diễn ra nhiều năm nay. Trong một hội thảo liên quan, ông có nói mục đích cao nhất của việc lập ra hệ thống KBT là để giữ gìn đa dạng sinh học, bảo tồn hệ sinh thái chứ không phải để kinh doanh. Ông có thể phân tích rõ hơn về điều đó?
Ông Trịnh Lê Nguyên: Theo tôi, chính sách cho thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong các VQG, KBT có nguy cơ chệch hướng, sai mục tiêu bảo tồn mà các khu rừng đặc dụng này được lập ra, đặc biệt là trong bối cảnh thiếu minh bạch thông tin, giám sát yếu kém như hiện nay.
Hiện nay, nước ta có 176 khu rừng đặc dụng, trong đó có 92 khu là VQG và KBT. Các VQG, KBT được lập ra với mục tiêu tối thượng là để bảo tồn thiên nhiên chứ không phải để làm du lịch hay kinh doanh. Các hoạt động du lịch sinh thái trong các khu vực này chỉ là hoạt động bổ trợ và phải đảm bảo không tác động lên hệ sinh thái.
Tôi cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần rà soát và đánh giá lại việc thực hiện chính sách cho thuê rừng làm du lịch ở các khu rừng đặc dụng hiện nay.
Theo quy định, việc xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng du lịch chỉ được thực hiện ở phân khu hành chính dịch vụ. Ở phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, chỉ được lập các tuyến đường mòn, đường cáp trên không, đường cáp ngầm dưới mặt đất, trạm quan sát cảnh quan, lều trú chân, biển chỉ dẫn bảo vệ rừng kết hợp du lịch sinh thái.
Trên thực tế, nhiều nơi không thực hiện đúng theo quy định này. Việc xây dựng trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt rõ ràng gây tác động tiêu cực lên hệ sinh thái rừng, có nguy cơ làm tan vỡ quy hoạch bảo tồn và mục tiêu bảo vệ đa dạng sinh học, hệ sinh thái. Chính sách cho thuê rừng làm du lịch và công tác kiểm tra, giám sát cần phải được thắt chặt, nghiêm ngặt hơn.
Đối với các doanh nghiệp thuê môi trường rừng để kinh doanh, mục tiêu của họ là lợi nhuận chứ không phải là bảo tồn thiên nhiên. Vì thế, nếu thiếu kiểm tra, giám sát, buông lỏng quản lý, rất dễ dẫn đến hệ lụy là làm tổn hại đến việc bảo tồn thiên nhiên. Trong rất nhiều trường hợp, bảo tồn thiên nhiên và lợi nhuận là hai mục tiêu trái ngược nhau, khó dung hòa, đặc biệt là với các dự án hướng đến phục vụ nhu cầu du lịch đại trà.
Cũng phải nói thêm, công thức của cái gọi là “du lịch sinh thái” của hầu hết các dự án ở nước ta hiện nay là bóc lột thiên nhiên: chặt cây, san đất, đổ nền, xây biệt thự, đổ bê tông từ trên xuống dưới, tổ chức vui chơi giải trí ầm ĩ, không tính toán đến các tác động lên môi trường, sinh thái.
Bên cạnh đó, tôi chưa rõ, liệu nguồn thu từ các dự án này quay trở lại phục vụ cho công tác bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên được bao nhiêu, cộng đồng sở tại có được hưởng lợi, chia sẻ lợi ích gì không, hay chỉ có doanh nghiệp được hưởng lợi từ nguồn tài nguyên công sản?
Phóng viên: Việc các khu du lịch gây ảnh hưởng, tác động xấu đến môi trường, ngoài chính sách, còn yếu tố nào khác, thưa ông?
Ông Trịnh Lê Nguyên: Tôi không cực đoan phản đối việc đầu tư phát triển du lịch, cũng không phản đối các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch, xây dựng những khu du lịch đẹp đẽ.
Các tổ chức bảo tồn thiên nhiên như chúng tôi chỉ phản đối xây dựng resort, tổ hợp du lịch gây tác động tiêu cực lên hệ sinh thái, phá hủy đa dạng sinh học, đặc biệt là những công trình xây dựng trong các phân khu chức năng của KBT, VQG đã được quy định là không được phép xây dựng. Làm như vậy rõ ràng là vi phạm pháp luật.
Kể cả việc một số dự án lách luật bằng cách phối hợp với địa phương để chuyển đổi diện tích rừng ở những khu cấm xây sang loại hình cho phép xây dựng, thậm chí cắt diện tích đó ra khỏi rừng đặc dụng. Nhưng như vậy không làm thay đổi được bản chất phá hủy thiên nhiên của dự án.
Để xảy ra tình trạng đó, phần lớn do khâu thực thi chính sách. Bên cạnh đó là thiếu minh bạch trong quá trình thẩm định, cấp phép, đánh giá tác động môi trường. Nhiều dự án “kín như bưng”, người dân và các bên quan tâm không thể tiếp cận được thông tin về dự án thì làm sao có thể giám sát được việc thực thi và tác động của dự án được. Điều đó trái với những lời kêu gọi như “toàn dân tham gia bảo vệ môi trường” mà chúng ta thường nghe thấy.
Phóng viên: Những hệ quả này, liệu có đến từ việc bấy lâu nay Bộ Tài nguyên và Môi trường không công bố, công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM)? ĐTM gần như là công cụ để quản lý môi trường, để sàng lọc dự án, dự báo các tác động có thể xảy ra, qua đó có các kế hoạch quản lý những tác động ấy, nhưng lâu nay, ĐTM đã được phát huy hiệu quả chưa?
Ông Trịnh Lê Nguyên: Theo quy định, ĐMT và kế hoạch quản lý môi trường của các dự án nằm trong danh mục các tài liệu phải được công khai thông tin. Tuy nhiên, trên thực tế, các cơ quan có trách nhiệm công khai thông tin, bao gồm cả Bộ Tài nguyên và Môi trường, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm này.
Việc tiếp cận thông tin với các ĐMT của nhiều dự án là rất khó khăn, đặc biệt với các dự án có nguy cơ tác động môi trường lớn được dư luận quan tâm. Chúng tôi và nhiều tổ chức, cá nhân cũng đã cố gắng thực hiện việc yêu cầu cung cấp thông tin nhưng không thành công.
Phóng viên: Nếu không được cung cấp thông tin, làm sao các tổ chức, cộng đồng, người dân có thể có căn cứ để phản biện, thực hiện quyền giám sát, phản hồi và góp phần giúp các cơ quan chức năng bảo vệ môi trường tốt hơn được?
Ông Trịnh Lê Nguyên: Cũng có nhiều phê phán về tính hiệu quả của công cụ đánh giá tác động môi trường, cho rằng chỉ mang tính “trang trí”, chất lượng kém do copy từ dự án này sang dự án khác… Nhưng chính vì thế, việc công khai thông tin lại càng quan trọng.
Sự giám sát chặt chẽ của công chúng sẽ góp phần giảm thiểu những tắc trách trong việc đánh giá, thẩm định và thông qua các báo cáo. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện và vận hành các dự án, người dân có thể thường xuyên thực theo dõi, giám sát, phản hồi nếu được cung cấp thông tin về kế hoạch quản lý môi trường.
Đáng tiếc là hiện nay, việc này chưa được thực hiện một cách nghiêm túc, kể cả từ cơ quan cao nhất chịu trách nhiệm về quản lý môi trường.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!