Các đánh giá nghiên cứu cho thấy, tại Việt Namđang tồn tại rất nhiều khu vực tài nguyên được cộng đồng tự nguyện quản lý bằng luật tục và thiết chế truyền thống. Đây là những khu vực gắn liền với không gian sinh tồn và thực hành văn hoá tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số và cộng đồng địa phương được duy trì và gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác, đó là các khu rừng thiêng, rừng ma, rừng bảo vệ nguồn nước, rừng được quản lý bảo vệ, khai thác và sử dụng chung của cộng đồng, nhóm hộ hay dòng họ truyền thống.
Bên cạnh đó, nhờ các chính sách giao rừng tự nhiên cho cộng đồng để quản lý bảo vệ và phát triền rừng trong chương trình và dự án (như chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng, khai thác du lịch sinh thái), nhiều cộng đồng địa phương đã cùng nhau cam kết xây dựng và thực hiện quy ước quản lý rừng tập thể cũng góp phần không nhỏ cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Các mô thức quản lý rừng như vậy cũng hoàn toàn phù hợp với một loại hình khu bảo tồn cộng đồng (CCA) theo sự thừa nhận của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) cũng như các chính sách và cam kết quốc tế khác mà Việt Nam ký kết, đặc biệt là Công ước Đa dạng sinh học.
Vì vậy, việc hỗ trợ thực thi pháp luật cũng như hỗ trợ cộng đồng trong việc đảm bảo quyền sử dụng rừng truyền thống, gồm rừng tín ngưỡng, rừng bảo vệ nguồn nước và chắn sóng, chắn cát của cộng đồng, việc củng cố niềm tự hào, xây dựng năng lực cũng như nâng cao sức mạnh tự nguyện quản lý tài nguyên rừng cho đồng bào địa phương có rừng truyền thống thông qua việc xây dựng mạng lưới các khu bảo tồn cộng đồng là rất quan trọng.
Với bối cảnh đó, ngày 10/01/2020, tại Hà Nội, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức Hội thảo Thúc đẩy thành lập mạng lưới Khu bảo tồn cộng đồng (CCA) tại Việt Nam nhằm thiết lập mạng lưới học hỏi CCA tại Việt Nam đóng góp cho việc thúc đẩy thực hiện thể chế hoá hệ thống CCA tại Việt Nam.
Mục tiêu cụ thể hội thảo là:
- Tăng cường hiểu biết về tầm quan trọng của CCA đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học và duy trì các giá trị tín ngưỡng và văn hoá của cộng đồng;
- Xây dựng mối quan tâm và phát triển điều khoản tham chiếu cho mạng lưới CCA tại Việt Nam;
- Kiện toàn thông tin về các khu tài nguyên đang được cộng đồng tự nguyện quản lý theo thiết chế truyền và luật tục của đồng bào dân tộc thiểu số và cộng đồng địa phương.
Hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án sáng kiến Liên minh Sinh kế xanh do Hiệp hội bảo tồn của Vương quốc Hà Lan (IUCN Nertherlands) thông qua Chương trình Trao đổi Lâm sản ngoài gỗ (NTFP-EP) với sự tham gia của hơn 20 đại biểu đến từ 8 khu bảo tồn cộng đồng ở vùng núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên Việt Nam.
Một số hình ảnh tại Hội thảo