Trong tháng 2/2020, các tổ chức xã hội đồng loạt cùng nhau gửi thư góp ý cho Dự thảo Luật bảo vệ môi trường sửa đổi do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo.
Luật Bảo vệ môi trường hiện hành được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 7, thay thế Luật Bảo vệ môi trường 2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Sau gần 5 năm triển khai thực hiện, Luật đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường ở Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực thi cho thấy Luật vẫn còn những hạn chế, bất cập, chưa điều chỉnh kịp thời với những thách thức mới đặt ra trong công tác bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, chuyên gia có liên quan nghiên cứu xây dựng Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi và Dự thảo Tờ trình Chính phủ.
Nhằm lấy ý kiến góp ý với Dự thảo luật này, Bộ đã mở cổng góp ý trực tuyến từ 13/12/2019 đến 13/2/2020 và nhận được rất nhiều góp ý tích cực từ các tổ chức xã hội.
Ngày 7/2, đại diện các mạng lưới, liên minh, tổ chức và nhà nghiên cứu hoạt động trong lĩnh vực môi trường, năng lượng, sức khỏe và pháp lý tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là Nhóm) đã cùng nghiên cứu, trao đổi về nội dung Tờ trình và Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi 2020.
Sau đó, Nhóm thống nhất gửi Thư kiến nghị tới Ban soạn thảo nhằm góp phần hoàn thiện Dự thảo Luật với 2 đề xuất chính. Trước hết, Nhóm đề nghị gia hạn thời gian góp ý thêm 30 ngày do thời gian mở cổng góp ý trực tuyến trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán và thời điểm bùng phát dịch Covid-19 nên nhận được sự quan tâm đúng mức của người dân.
Nhóm cũng đề xuất lùi thời hạn trình bản Dự thảo lên Chính phủ và Quốc hội để các bên quan tâm có thể tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến cho các vấn đề cần hoàn thiện hơn.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tăng cường sự tham gia của các bên, đặc biệt là các tổ chức xã hội dân sự, các chuyên gia, các nhà khoa học vào quá trình xây dựng và thực thi Luật. Đây là đội ngũ nòng cốt, đóng góp hiệu quả để Luật khả thi và bảo vệ lợi ích của người dân.
Để tăng cường sự tham gia của cộng đồng và các bên liên quan trong việc đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường, Nhóm dự kiến tổ chức các tọa đàm và tham vấn để thu thập ý kiến của các chuyên gia, các tổ chức phi Chính phủ, tổ chức khoa học công nghệ và đại diện cộng đồng ở 3 khu vực Bắc, Trung và Nam.
Sau đó, Nhóm sẽ tổng hợp các ý kiến góp ý và gửi đến Ban soạn thảo, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường – Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội.
Ngày 14/2, tọa đàm trực tuyến “Đối thoại với đại diện các tổ chức xã hội về kiến nghị, góp ý Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi” đã thu hút hơn 12.000 lượt xem trên mạng xã hội Facebook.
Các mạng lưới, liên minh, tổ chức và nhà nghiên cứu tham đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi, gồm Mạng lưới không khí sạch Việt Nam (VCAP); Mạng lưới hành động giảm thiểu rác thải nhựa Việt Nam (PAN); Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN); Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA); Liên minh phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN); Liên minh nước và sức khỏe Việt Nam (VIWHA); Hội Kinh tế môi trường Việt Nam; Nhóm hành động vì công lý – môi trường – sức khỏe (JEH); Trung tâm con người và thiên nhiên (PanNature); Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR); Trung tâm thông tin tổ chức hi Chính phủ (NGO –IC); Ông Nguyễn Khắc Kinh – Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE); Ông Nguyễn Việt Dũng – Tư vấn thể chế và quản trị.