Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam vừa phát đi thông tin cho biết nước này đã quyết định tăng lưu lượng xả nước sông Lan Thương để khắc phục phần nào hạn hán của các nước hạ nguồn Mê Kông.
Theo thông báo của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, từ năm 2019 đến nay, toàn bộ lưu vực sông Lan Thương và sông Mê Kông có lượng mưa thấp, khiến Trung Quốc và nhiều nước trong lưu vực gặp tình trạng hạn hán nghiêm trọng.
Lượng mưa bình quân tại lưu vực sông Lan Thương thuộc lãnh thổ Trung Quốc chỉ ở mức 728 mm, thấp hơn 34% so với hàng năm.
Lượng nước dự trữ tại các hồ chứa phía thượng du đã xuống mức thấp nhất so với cùng kỳ trong lịch sử. “Mặc dù vậy, phía Trung Quốc vẫn cố gắng hết sức để đảm bảo lưu lượng nước xả hợp lý của sông Lan Thương”, theo Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam.
Thông cáo cho biết: “Dù lưu lượng dòng chảy ngoài lãnh thổ Trung Quốc của sông Lan Thương chỉ chiếm khoảng 13.5% lưu lượng dòng chảy ra biển của sông Mê Kông, nhưng để hỗ trợ khắc phục phần nào tình hình hạn hán nghiêm trọng tại lưu vực sông Mê Kông, phía Trung Quốc quyết định từ ngày 24.1 sẽ tăng lưu lượng xả nước sông Lan Thương từ 850 m3/s lên 1000 m3/s, nhằm giải quyết phần nào nhu cầu cấp bách của các quốc gia khác thuộc lưu vực sông Mê Kông”.
Theo phía Trung Quốc, lượng mưa bình quân giai đoạn trước lũ lên (tháng 1 đến tháng 4 năm 2019) giảm 37% so với cùng kỳ, lượng mưa bình quân giai đoạn lũ lên chính vụ và sau lũ lên (tháng 5 đến tháng 12) giảm 33% so với cùng kỳ, ghi nhận mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Lượng nước mặt đo tại trạm thủy văn Doãn Cảnh Hồng(Yun Jing Hong) sông Lan Thương vào năm 2019 giảm hơn 20% so với mọi năm.
Từ năm 2019 đến nay, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc cũng đã phải đối mặt với tình trạng hạn hán nghiêm trọng. Theo thống kê, tính đến ngày 21.1.2020, tỉnh Vân Nam có 15 dòng sông cạn nước, 43 hồ chứa khô hạn, 107 mẫu đất canh tác chịu cảnh hạn hán, 290.000 người và 100.000 đại gia súc gặp khó khăn về nước uống do hạn.
Trung Quốc cho biết, mặc dù đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán gay gắt, nhưng Trung Quốc “sẵn sàng tăng cường hơn nữa chia sẻ thông tin và hợp tác về lĩnh vực nguồn nước với các quốc gia lưu vực Mê Kông, để thông cảm và giúp đỡ lẫn nhau, khắc phục khó khăn trước mắt”.
Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi khô hạn do ảnh hưởng từ các đập thủy điện của Trung Quốc.
Voi châu Á bị cô lập vì đập thủy điện của Trung Quốc
Trong một diễn biến liên quan, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cũng vừa phát đi thông tin về một công bố của nhóm nghiên cứu thuộc Trạm nghiên cứu và quan sát khoa học về voi châu Á và Trung tâm nghiên cứu voi châu Á thuộc Đại học Vân Nam trên Tạp chí khoa học Science cho thấy, các con đập gây ra tác động lớn đến sinh cảnh của loài voi.
Voi châu Á (Elephas maximus L.) là loài được bảo vệ cấp I ở Trung Quốc và được IUCN xếp hạng là loài nguy cấp, nhưng chỉ còn khoảng 300 cá thể hoang dã tại lãnh thổ Trung Quốc. Vùng thượng nguồn sông Mê Kông (được gọi là sông Lan Thương ở Trung Quốc) là sinh cảnh quan trọng của voi châu Á.
Trung Quốc bắt đầu xây dựng nhà máy thủy điện Cảnh Hồng vào năm 2003, nhưng đánh giá tác động môi trường của dự án đã không mô tả toàn diện về việc con đập sẽ ảnh hưởng đến voi châu Á như thế nào.
Sau khi đập thủy điện Cảnh Hồng hoàn thành, mực nước dâng cao và mặt nước mở rộng khiến các bờ đất trở nên ẩm ướt và trơn trượt hơn ở cả hai bên dòng sông. Mặc dù các cá thể voi châu Á có thể lội xuống và bơi qua sông, nhưng lòng bàn chân phẳng lì khiến chúng không thể lên bờ trở lại và bị kẹt lại dưới dòng nước.
Hệ quả là không cá thể voi nào vượt qua sông Mê Kông trong thập kỷ qua, các tuyến di chuyển và dòng gen của voi châu Á sống ở hai bên sông Mê Kông đã bị hồ chứa ngăn cách.
Sinh cảnh bị hạn chế là một thách thức đặc biệt với quần thể Mãnh Hải – Lan Thương chiếm 18/300 cá thể voi hoang dã của Trung Quốc.
Tiểu quần thể nhỏ này, từng sống trong Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Tây Song Bản Nạp nằm ở bờ đông sông Mê Kông, đã di cư đến bờ phía tây trước khi con đập hoàn thành và bây giờ không thể quay lại.
Bị mắc kẹt ở bờ phía tây, chúng lang thang khắp các ngôi làng, đất nông nghiệp và những khu rừng bị phân mảnh, gây ra không ít xung đột nghiêm trọng giữa người và voi.
Từ năm 2011 đến 2019, những cá thể voi này đã giết chết 27 người và làm bị thương hơn 50 người, đồng thời phá hoại mùa màng và nhà cửa, gây thiệt hại kinh tế ước tính 3 triệu USD.
Những tác động tiêu cực của đàn voi bị các con đập cô lập là rất lớn và lâu dài. Nhóm nghiên cứu đã khuyến nghị chính phủ Trung Quốc cần thực hiện biện pháp thích hợp để giảm thiểu các tác động này, chẳng hạn như:
Thiết lập hành lang cho voi châu Á đi qua sông Mê Kông và tăng kết nối môi trường sống và cơ hội trao đổi gen.
Lên kế hoạch và xây dựng làm khu bảo tồn các khu rừng và vùng đồng cỏ ở Lan Thương và Mãnh Hải – những nơi thích hợp làm sinh cảnh của voi – để bảo vệ quần thể bị cô lập Mãnh Hải – Lan Thương
Thiết lập hệ thống giám sát và cảnh báo sớm, tích hợp với các trang thiết bị như máy bay không người lái, nhằm ngăn ngừa xung đột giữa người và voi trong tương lai.
Nguồn: Thanh Niên Online