Chính phủ Lào dự kiến khởi công dự án thủy điện Luang Prabang trên sông Mekong vào tháng 4/2020. Việc này sẽ đe dọa nghiêm trọng đến môi trường và sinh kế của hàng triệu người dân đang sống dựa vào con sông này. Đặc biệt, tình trạng xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ càng nghiêm trọng hơn.
Sông Mekong bị đe dọa
Sông Mekong bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, chạy dài hơn 4.000 km, từ thượng nguồn xuống hạ nguồn chảy qua các nước Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam trước khi đổ ra Biển Đông. Đoạn chảy qua lãnh thổ Trung Quốc dài 2.130 km được gọi là sông Lan Thương. Nước này đã xây dựng khoảng 20 đập thủy điện trên dòng Lan Thương.
Mekong là nguồn hỗ trợ cho ngư trường nội địa lớn nhất thế giới và là nguồn nước quan trọng cho các cộng đồng canh tác nông nghiệp trong khu vực. Tuy nhiên, cùng với biến đổi khí hậu, sự can thiệp của các quốc gia ở thượng nguồn đang làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến ngư trường và nông trường truyền thống của các nước trong lưu vực.
Theo đánh giá của Tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN), việc phát triển thêm thủy điện trên dòng chính sông Mekong sẽ đe dọa nghiêm trọng đến môi trường và sinh kế của gần 70 triệu người dân đang sống dựa vào con sông này.
Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) cho biết, thủy điện Luang Prabang được coi là một phần trong kế hoạch của Lào để trở thành “cục pin của Đông Nam Á” nhằm cải thiện kinh tế. Dự án này vốn được khởi động từ năm 2007. Tuy nhiên, dự án khi đó vấp phải sự phản đối từ rất nhiều tổ chức liên chính phủ, phi chính phủ do lo ngại về tác động đối với môi trường. Liên minh Cứu sông Mekong đã kêu gọi hủy bỏ dự án này vì cho rằng đập thủy điện có thể gây thiệt hại to lớn cho dòng sông.
Chính phủ Lào vẫn quyết tâm theo đuổi và sẽ khởi công dự án thủy điện Luang Prabang trên sông Mekong vào tháng 4/2020. Đập Luang Prabang sẽ nằm trên dòng chính sông Mekong, giữa dự án Pak Beng đã đề xuất ở thượng lưu và dự án Xayaburi sắp hoàn thành ở hạ lưu. Địa điểm cụ thể của dự án là làng Houygno thuộc tỉnh Luang Prabang, cách thị trấn Luang Prabang khoảng 25km và cách ĐBSCL ở Việt Nam khoảng 2.036km. Đập nhà máy phát điện sẽ dài 275m, cao 80m và rộng 97m. Dự án thủy điện đập dâng này dự kiến hoàn thành vào năm 2027, vận hành liên tục quanh năm và sản xuất 1.460 MW điện.
Tổ chức Sông ngòi quốc tế (International Rivers) cảnh báo, nếu xây dựng xong, đập Luang Prabang, kết hợp với các đập Pak Beng, Xayaburi và Pak Lay, sẽ hoàn thành việc chuyển đổi sông Mekong ở toàn bộ vùng Bắc Lào thành một chuỗi hồ nước theo bậc, dẫn đến thiệt hại lớn và không thể đảo ngược đối với sức khỏe và năng suất của dòng sông. Khi chuỗi 11 hồ hoàn thành thì tác động trực tiếp của hồ Luang Prabang trên phần diện tích hứng nước trực tiếp của hồ này là 72.000 km2, tương đương 0,9% diện tích lưu vực.
Hạn mặn sẽ sớm hơn và kéo dài
Nguồn nước sông Mekong trong những năm gần đây đã có biến động bất lợi đặc biệt đối với vùng ĐBSCL. Người dân ĐBSCL phụ thuộc vào dòng nước mùa khô để tưới tiêu, ngăn mặn và sinh hoạt hàng ngày. Theo đó, việc xây dựng, vận hành các đập thủy điện ở thượng lưu sông là một trong những nguyên nhân làm thay đổi quy luật tự nhiên của nguồn nước thượng lưu sông Mekong về ĐBSCL, dẫn đến xâm nhập mặn nghiêm trọng trong những năm gần đây và gây khó khăn trong việc cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt tại khu vực này. Các nghiên cứu của Đan Mạch, MRC cũng chỉ ra, nếu xây dựng thủy điện Luang Prabang, ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn: Sớm suy thoái, bị hạn mặn ngày càng nhanh và gay gắt hơn.
Còn VRN nhấn mạnh, dự án thủy điện Luang Prabang sẽ làm trầm trọng hơn những tác động môi trường mà ĐBSCL đang phải đối mặt. Trong đó, suy giảm trầm tích khiến cho đồng bằng không được kiến tạo, xâm nhập mặn diễn ra sớm hơn, mùa lũ về muộn, thiếu nước, người dân phải khai thác nước ngầm để sử dụng. Việc khai thác nước ngầm quá mức dẫn đến sụt lún, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đe dọa đến sinh kế, đẩy nhanh quá trình di cư và khiến cho toàn vùng trở nên suy thoái, tan rã trước cơn khát năng lượng trên dòng chính sông Mekong.
Trước việc Lào sẽ khởi công xây dựng đập thủy điện ở Luang Prabang vào tháng 4 tới, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho rằng, là một quốc gia ở hạ du, Việt Nam rất quan tâm đến các tác động xuyên biên giới và tích lũy không chỉ của riêng công trình thủy điện Luang Prabang mà tất cả các công trình thủy điện khác trên dòng chính của sông Mekong.
Người phát ngôn nhấn mạnh các quốc gia có lợi ích chính đáng trong sử dụng tài nguyên nước của sông Mekong để phát triển, đồng thời phải có trách nhiệm chung trong việc sử dụng bền vững nguồn nước của sông Mekong. Việt Nam mong muốn và sẵn sàng cùng các nước ven sông Mekong tăng cường hợp tác nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mekong, vừa bảo đảm hài hòa lợi ích của các nước ven sông, vừa không có tác động tiêu cực đến đời sống của người dân sinh sống trong khu vực.