Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu
  • Comments Off on Tập huấn: Tài liệu và bản đồ hóa khu bảo tồn do cộng đồng quản lý

Tại Việt Nam, qua việc rà soát của tổ chức PanNature trong những năm qua cho thấy, còn tồn tại rất nhiều khu tài nguyên có thể được coi là các Khu bảo tồn của người dân và cộng đồng địa phương (ICCA) – theo định nghĩa của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) vào năm 2000. Đó là các khu rừng truyền thống (rừng thiêng, rừng ma, rừng bảo vệ nguồn nước, bãi chăn thả, khai thác chung và rừng chắn cát), khu cung cấp nguồn lợi thuỷ sản (sông suối, ao, hồ), thác nước, mó nước/bến nước, v.v.

Các khu tài nguyên này đã đang được cộng đồng tổ chức quản lý một cách rất bền vững, hiệu quả, duy trì được cảnh quan và hệ sinh thái gần như toàn vẹn cho đến ngày nay, đặc biệt là các khu rừng truyền thống của cộng đồng. Theo báo cáo giám sát chuyên đề giao đất giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số của Hội đồng dân tộc quốc hội năm 2018, trên toàn quốc hiện có khoảng trên 650.000 héc-ta rừng đã được giao cho cộng đồng quản lý theo phương thức truyền thống. Tuy vậy, do hạn chế về không gian pháp lý trong việc thừa nhận quyền hưởng dụng của cộng đồng cùng với sự mai một của văn hoá truyền thống, các khu tài nguyên này đang đứng trước nguy cơ bị suy giảm, thậm chí là biến mất.

Luật Lâm nghiệp 2017 có hiệu lực từ 1/1/2019 đã đưa ra cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thúc đẩy sự thừa nhận, khôi phục và phát triển hệ thống ICCA là các khu rừng truyền thống ở Việt Nam. Theo đó, cộng đồng được chính thức thừa nhận là một trong bảy chủ rừng (Điều 8) và được giao các khu rừng tín ngưỡng thuộc phân hạng khu bảo vệ cảnh quan trong hệ thống đặc dụng, và rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng thuộc rừng hệ thống phòng hộ (Điều 16).

Trong bối cảnh thực thi Luật lâm nghiệp 2017 và các luật, quy định, cam kết quốc tế có liên quan khác có liên quan, việc xây dựng cơ sở dữ liệu về loại hình các khu tài nguyên do cộng đồng quản lý và sử dụng bền vững nhờ vào việc thực hành văn hoá tín ngưỡng truyền thống là rất cần thiết. Các thông tin về diện tích, vị trí địa lý, ranh giới, lịch sử hình thành, thực hành tín ngưỡng, văn hóa và tri thức truyền thống tốt của cộng đồng gắn liền với khu tài nguyên/loại hình tài nguyên sẽ có thể là những bằng chứng quan trọng giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra hành lang pháp lý, cơ chế chính sách để quản lý và thúc đẩy việc phát triển và khôi phục chúng một cách có hiệu quả. Bên cạnh đó, quá trình tài liệu hoá các cơ sở dữ liệu trên đây cũng giúp cộng đồng có thêm được động lực, niềm tự hào để duy trì và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của mình gắn liền với các khu tài nguyên thiên nhiên, đóng góp cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học quý giá của quốc gia.

Từ thực tế yêu cầu trên, PanNature tổ chức khóa tập huần về “Phương pháp nghiên cứu văn hóa, tài liệu hóa và bản đồ hóa các khu vực tài nguyên thiên nhiên do cộng đồng quản lý”. Tập huấn diễn ra từ ngày 17 – 19/05/2020 trong một không gian cởi mở và thân thiện với thiên nhiên và cộng đồng người bản địa. Đông đảo các đại diện đến từ Vụ quản lý rừng Đặc dụng Phòng hộ, Chi Cục kiểm lâm, Kiểm lâm các Khu bảo tồn, Sở/Phòng Văn hóa, Cán bộ địa chính, Đại học và đại diện các tổ chức NGO tham gia khóa tập huấn.

Khóa tập huấn này thiết kế nhằm trang bị cho cán bộ của các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực phát triển cộng đồng và quản lý tài nguyên thiên nhiên các kiến thức và kỹ năng cần thiết trong nghiên cứu và tài liệu hóa văn hóa truyền thống hướng tới mục tiêu thúc đẩy thừa nhận và thể chế hóa ICCA trên phạm vi toàn quốc. Cụ thể, các cán bộ tham gia tập huấn sẽ được trang bị kiến thức về nghiên cứu và tư liệu hóa ICCAs;  đào tạo kỹ thuật về làm bản đồ, sa bàn (bản đồ 3D) có sự tham gia để ứng dụng thực hiện tại các khu vực ICCAs;  đồng thời khóa học cũng kết nối và thúc đẩy các tổ chức NGOs/CSOs hoạt động trong lĩnh vực này nhằm xây dựng mạng lưới hoạt động về ICCA tại Việt Nam.

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ dự án sáng kiến Liên minh Sinh kế xanh do Hiệp hội bảo tồn của Vương quốc Hà Lan (IUCN Nertherlands) thông qua Chương trình Trao đổi Lâm sản ngoài gỗ (NTFP-EP).

Một số hình ảnh khóa tập huấn:

Các học viên trình bày kết quả thảo luận nhóm sau khi đi thực địa
Chuyên gia bản đồ Từ Minh Tiệp hướng dẫn các học viên
Hố hứng nước mưa để tưới cây của người dân
Các học viên tham gia thảo luận nhóm

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia