Mọi công dân, đặc biệt cán bộ, công chức, viên chức và người thân không tham gia săn bắt, mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo động vật hoang dã trái pháp luật.
Đây là một trong những nội dung chỉ thị 29 của Thủ tướng về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã vừa được ban hành. Thủ tướng yêu cầu các địa phương kiên quyết loại bỏ các khu vực chợ, tụ điểm mua bán động vật hoang dã trái pháp luật.
Chỉ thị cũng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm các hành vi săn bắt, mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật hoang dã trái pháp luật, nhất là động vật hoang dã thuộc lớp thú, chim, bò sát trong môi trường tự nhiên.
Ngoài ra, dừng nhập khẩu động vật hoang dã còn sống hay đã chết, trứng, ấu trùng, bộ phận, dẫn xuất của các loài động vật hoang dã đến khi có chỉ đạo mới hoặc trường hợp đặc biệt được Thủ tướng cho phép.
Thực trạng mua bán phức tạp
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trịnh Lê Nguyên – giám đốc Trung tâm con người và thiên nhiên – nhận định chỉ thị 29 có ý nghĩa đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trong công tác bảo vệ động vật hoang dã chứ nó không thay thế được các điều khoản trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới bảo vệ động vật hoang dã như Luật bảo vệ phát triển rừng, Luật đa dạng sinh học, Bộ luật hình sự. Vì thế, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ ngành xem xét, đề xuất đánh giá, sửa đổi các văn bản luật liên quan theo hướng chặt chẽ hơn, bổ sung chế tài.
Điểm mới trong chỉ thị 29, theo ông Trịnh Lê Nguyên, là yêu cầu tạm dừng nhập khẩu động vật hoang dã còn sống hoặc đã chết và các bộ phận liên quan. Việc tạm dừng nhập động vật hoang dã trong thời điểm này rất cần thiết khi dịch COVID-19 vẫn đang bùng phát và chưa biết đến khi nào có vắcxin, có thể khống chế được trên toàn cầu. Vì vậy việc dừng nhập khẩu sẽ hạn chế được các nguy cơ lây lan bệnh tật.
Thực tế những năm qua có hàng loạt vụ nhập lậu ngà voi, sừng tê giác từ nước ngoài về VN bị các cơ quan chức năng phát hiện tại cảng biển, sân bay, nguyên nhân là do cơ chế hợp tác giữa các quốc gia để điều tra liên quan tới tội phạm buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia chưa tốt.
Một chuyên gia về môi trường cho rằng đa số sừng tê giác, ngà voi buôn lậu về VN có nguồn gốc từ châu Phi, nên rất cần sự hợp tác giữa các bên để ngăn chặn. VN đã ký hợp tác song phương với một số quốc gia châu Phi nhưng muốn ngăn chặn được tội phạm buôn bán động vật hoang dã cần hợp tác ở mức cao hơn như hợp tác tương trợ tư pháp.
Vị chuyên gia này khẳng định nhiều lô hàng động vật hoang dã thời gian qua được phát hiện tại sân bay, cảng biển nhưng không truy ra chủ một phần do quyết tâm của các cơ quan điều tra chưa đủ lớn. Bởi có nhiều vụ việc buôn bán động vật hoang dã các đối tác quốc tế cũng chia sẻ thông tin với các cơ quan chức năng.
Báo cáo điều tra về động vật hoang dã được Cơ quan điều tra môi trường Vương quốc Anh (EIA UK) công bố năm 2018 cho thấy vai trò ngày càng tăng của các băng nhóm người Việt trong buôn bán ngà voi.
Báo cáo điều tra này chỉ ra 6 người Việt liên quan tới các đường dây buôn bán ngà voi, sừng tê giác, nanh, móng vuốt hổ, vảy tê tê từ các nước châu Phi, Lào, Campuchia về VN. Địa bàn hoạt động của 6 người này là các quốc gia Mozambique, Congo, Nigeria, Lào, Campuchia. Trong 6 người này có người đứng vai trò tổ chức, người chuyên vận chuyển và người chuyên thu mua. Theo EIA UK, 6 người Việt cùng một người Malaysia đã hình thành một mạng lưới buôn bán động vật hoang dã từ các nước châu Phi, Đông Nam Á, tới VN và qua Trung Quốc.
Cũng theo EIA UK, số ngà voi được thu giữ trong giai đoạn 2009 – 2018 tại VN khoảng 56 tấn. Bên cạnh đó, số ngà voi được các nước thu giữ bên ngoài VN có liên quan tới VN trong thời gian này khoảng 20,3 tấn.
Khó kiểm soát nuôi nhốt động vật hoang dã
Theo Luật đầu tư, việc gây nuôi động vật hoang dã là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nhưng một khảo sát nghiên cứu gần đây của nhóm nghiên cứu thuộc Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cho thấy cả nước có trên 18.000 cơ sở nuôi nhốt hơn 100 loài động vật hoang dã.
Con số này rất lớn, vì thế cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động nuôi nhốt động vật hoang dã của người dân. Riêng với loài đặc biệt như hổ nằm trong danh mục phải kiểm soát chặt chẽ theo Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES).
Một chuyên gia môi trường thẳng thắn cho rằng với số lượng cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã quá lớn dẫn tới việc mất kiểm soát trong thời gian qua, việc kiểm soát các cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã chỉ phụ thuộc vào các cơ quan kiểm lâm địa phương. Với số lượng cơ sở nuôi nhốt quá lớn, chắc chắn các cán bộ kiểm lâm không thể kiểm soát được.
* Ông Trần Hữu Linh (tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường): Cần chặn mua bán động vật hoang dã ngay từ cửa Tình hình buôn bán, vận chuyển, sử dụng trái phép các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm như ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê, hổ… còn diễn biến phức tạp. Tội phạm dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, lợi dụng các đường mòn, lối nhỏ để vận chuyển nhằm tránh các chốt kiểm tra. Các sản phẩm là động vật hoang dã quý hiếm được vận chuyển chung với nhiều loại sản phẩm khác nhằm đánh lạc hướng lực lượng chức năng. Khi bị phát hiện, nhiều đối tượng sẵn sàng chống trả hoặc bỏ lại tang vật trốn chạy để không bị xử lý theo quy định của pháp luật. Ở thị trường trong nước, do nhận thức chưa đầy đủ nhiều người dân vẫn tìm đến các sản phẩm như cao hổ, vuốt hổ, sừng tê giác, nhung hươu, ngà voi… như những loại thuốc trị bách bệnh, sản phẩm tâm linh. Do vậy, hầu hết các loài động vật hoang dã được tiêu thụ trong các nhà hàng đặc sản hoặc sử dụng làm nguyên liệu bào chế thuốc đông y, nhiều sản phẩm động thực vật hoang dã được chế tác thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm, đồ nội thất có giá trị cao sau đó trung chuyển để tiêu thụ. Các lực lượng chức năng, trong đó có cơ quan quản lý thị trường, sẽ tăng cường hơn nữa công tác phối hợp nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm liên quan đến động vật hoang dã theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng. Các lực lượng như bộ đội biên phòng, hải quan, kiểm lâm cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra tại các khu vực biên giới, đường mòn, lối mở ngăn chặn việc vận chuyển trái phép các sản phẩm động vật hoang dã vào thị trường nội địa ngay từ cửa vào. Ngọc An ghi |
* Nhiếp ảnh gia động vật hoang dã Tăng A Pẩu: Mua bán động vật qua Internet quá dễ dàng Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển, việc trao đổi mua bán động vật hoang dã diễn ra rất sôi nổi. Nhiều diễn đàn, nhóm mua bán trao đổi động vật hoang dã hoạt động công khai. Hoạt động buôn bán diễn ra nhanh chóng và việc chuyên chở cũng diễn ra chóng vánh giữa người mua và người bán. Có thể đánh giá việc mua bán động vật hoang dã tại Việt Nam hiện nay rất phức tạp và nhức nhối. Việc Thủ tướng có chỉ thị về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã trong thời điểm dịch bệnh diễn ra phức tạp là rất cần thiết. Động vật hoang dã thường mang theo nhiều mầm mống bệnh. Ngay mắt thường chúng ta cũng thấy được những loài ký sinh trùng, giun sán tồn tại trong cơ thể động vật hoang dã khi giết thịt. Còn đối với các loài siêu vi thì các nhà khoa học đã chứng minh chúng tồn tại ẩn trong cơ thể động vật hoang dã chỉ chờ điều kiện thuận lợi để phát tác. Do đó sử dụng thịt, máu động vật hoang dã là ổ nguy cơ tiềm ẩn, bùng phát dịch bệnh. * Anh Trần Mạnh (quận 2, TP.HCM): Cần quản lý chặt các khu chợ lớn Nước ta đang rất thành công trong việc chống dịch, việc phòng dịch không chỉ quản lý con người mà phải quản lý ở mọi mặt. Nếu chỉ giám sát người từ vùng dịch về mà bỏ qua yếu tố động vật là rất “hở sườn” tạo điều kiện cho dịch bệnh bùng phát. Chúng ta phải nhớ rằng dịch bệnh COVID-19 được xác định là bùng phát từ một khu chợ hải sản ở Trung Quốc và lan rộng ra toàn cầu. Ở nước ta, ngoài việc ngăn chặn động vật hoang dã được vận chuyển buôn bán qua các đường tiểu ngạch biên giới, qua mạng xã hội còn phải giám sát kỹ các khu chợ lớn. Chỉ cần dịch bệnh bùng lên tại một khu chợ thì sẽ lan tỏa dịch rất nhanh. Đặc biệt, cần có chế tài mạnh tay với các đối tượng cố tình vi phạm. Lê Phan ghi |