Ngày 6/11/2020 tại Hà Nội, trong khuôn khổ Diễn đàn Nhân dân ASEAN 2020, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức xã hội trong phòng chống buôn bán động thực vật hoang dã và gỗ lậu ở khu vực ASEAN”.
Hội thảo thu hút sự tham gia của gần 70 đại biểu trong nước và quốc tế đến từ các Viện nghiên cứu, Đại sứ quán, trường đại học, tổ chức xã hội đang hoạt động hoặc có mối quan tâm đến lĩnh vực lâm nghiệp và bảo tồn thiên nhiên, cùng đông đảo các cơ quan báo chí truyền thông.
Trong những năm gần đây, Đông Nam Á trở thành một mắt xích chính trong chuỗi thị trường quốc tế về buôn bán trái phép động thực vật hoang dã và gỗ từ Châu Phi sang khu vực này. Tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Tội phạm xuyên quốc gia lần thứ 10 vào tháng 10 năm 2015, các nước thành viên ASEAN đã công nhận “buôn bán động vật hoang dã và gỗ lậu” là một trong những hiểm họa tội phạm xuyên quốc gia cần ưu tiên của khu vực. Tuyên bố Chiangmai của các Bộ trưởng ASEAN chịu trách nhiệm thực hiện Công ước CITES và thực thi pháp luật về buôn bán trái phép động thực vật hoang dã vào tháng 3 năm 2019 cũng tái khẳng định, tội phạm về động thực vật hoang dã là mối đe dọa cần sự hợp tác và hành động mạnh mẽ trong khu vực.
Trên cơ sở đó, Hội thảo tập trung làm rõ thực trạng khai thác gỗ, buôn lậu gỗ và buôn bán động thực vật hoang dã bất hợp pháp xuyên biên giới. Bên cạnh đó, những nỗ lực của các tổ chức xã hội khu vực trong việc giải quyết các tội phạm về gỗ và động thực vật hoang dã cũng được đưa ra thảo luận.
Bàn về tình trạng khai thác gỗ, ông Tô Xuân Phúc, Chuyên gia phân tích chính sách tại tổ chức Forest Trends cho biết vẫn tồn tại sự khác biệt lớn về dữ liệu thương mại giữa các quốc gia cung và cầu về gỗ. Đơn cử, Chính phủ Lào báo cáo không xuất khẩu gỗ tròn và gỗ xẻ sang Trung Quốc, trong khi chính phủ Trung Quốc báo cáo một số loại gỗ nhập khẩu từ Lào. “Cần khuyến khích và tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán song phương giữa các chính phủ của bên cung cấp và bên tiêu thụ”, ông Phúc nhấn mạnh.
Chia sẻ về vấn đề buôn bán ĐVHD bất hợp pháp, chuyên gia nghiên cứu thuộc Hiệp hội Bảo tồn ĐVHD (WCS) Dwi Adhiasto cho biết, các tổ chức xã hội dân sự đóng vai trò quan trọng như những đơn vị kết nối, phối hợp với cơ quan chức năng của các quốc gia có liên quan để ngăn chặn, xử lý các hành vi buôn bán ĐVHD trái phép.
Kết thúc Hội thảo, nhiều ý tưởng và sáng kiến được đưa ra nhằm tăng cường hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa các tổ chức xã hội, góp phần giải quyết mối đe dọa từ tội phạm khai thác gỗ và buôn bán động thực vật hoang dã trái phép trong khu vực ASEAN.
Các bài trình bày tại Hội thảo
Mr. Phuc To, Policy analyst, Forest Trends
Illegal Trade of Wildlife in ASEAN and the Network of Transnational Crimes
Mr. Dwi N. Adhiasto, Wildlife Conservation Society, Indonesia Program