Luật 2014 đã quy định công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường song các chuyên gia nói rất khó tiếp cận được báo cáo, đòi hỏi Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) quy rõ trách nhiệm công khai, tránh tình trạng né tránh như lâu nay.
Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua (ngày 17-11), nhưng vẫn còn ý kiến băn khoăn về trách nhiệm công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Nhiều báo cáo ĐTM bị ‘bóc phốt’, chủ dự án né công khai?
Ngày 18-11, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trịnh Lê Nguyên, giám đốc Trung tâm Con người và thiên nhiên (PanNature) cho rằng dù Luật bảo vệ môi trường 2014 quy định công khai báo cáo tác động môi trường, nhưng lại không quy định đơn vị và thời điểm công khai nên gần như không có chuyện công khai.
Theo đó, lâu nay rất khó để tiếp cận báo cáo tác động môi trường. Trong đó, có lý do các cơ quan quản lý, chủ dự án né công khai báo cáo tác động môi trường vì e ngại bị “soi” và thực tế đã từng có nhiều báo cáo tác động môi trường bị “bóc phốt”.
“Có vấn nạn lâu nay đối với báo cáo tác động môi trường là chất lượng rất thấp, làm không đúng theo bản chất của đánh giá tác động môi trường, thậm chí vì kinh phí ít nên sao chép số liệu, đánh giá không hết tác động, thiếu trung thực trong đánh giá” – ông Nguyên nói.
Ông Đào Trọng Tứ, trưởng ban điều phối Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, cho rằng báo cáo tác động môi trường luôn nói là đánh giá các tác động và những giải pháp giảm thiểu, khắc phục tác động, nhưng có nhiều báo cáo đánh giá không đúng, không hết tác động, giải pháp giảm thiểu cũng không tới, thậm chí đánh giá sai lệch hiện trạng.
Ông cũng nêu dẫn chứng báo cáo tác động môi trường dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A từng bị phản biện mới rõ ra chuyện không nêu đúng hiện trạng, đánh giá sai lệch về tác động.
Theo ông Tứ, đánh giá tác động môi trường khó vì đó là đánh giá những tác động có thể xảy ra trong tương lai. Đáng lẽ cái khó phải được thực hiện nghiêm, chấp nhận được phản biện để dự án tốt hơn, tác động ít đi, thì lâu nay lại có xu hướng ngược lại là ‘che giấu’ báo cáo tác động môi trường.
“Nếu không công khai thì không ai biết mà giám sát. Trong khi quan điểm luôn nói là dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ thì phải để cộng đồng giám sát và phải chấp nhận phản biện để tiếp thu, hoàn thiện và thực hiện trách nhiệm hơn”. GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh – phó chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam |
Chủ dự án không chịu công khai thì xử lý thế nào?
Đề cập đến Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, quy định trách nhiệm chủ dự án công khai báo cáo tác động môi trường đã được phê duyệt, ông Trịnh Lê Nguyên băn khoăn với trường hợp chủ dự án không chấp hành công khai báo cáo tác động môi trường thì xử lý thế nào?
“Khi có Luật tiếp cận thông tin 2016, đã yêu cầu rõ và nhiều hơn về trách nhiệm cung cấp thông tin đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) quy định trách nhiệm công khai báo cáo tác động môi trường thuộc về chủ dự án, trong khi doanh nghiệp không chịu ràng buộc bởi Luật tiếp cận thông tin. Vậy chế tài nào bắt buộc chủ dự án phải công khai báo cáo tác động môi trường?” – ông Nguyên nói.
Tuy nhiên, cả PGS Đào Trọng Tứ và ông Trịnh Lê Nguyên đều cho rằng dưới luật, tức là trong nghị định hướng dẫn thi hành luật tới đây, phải quy định rõ hơn trách nhiệm thực hiện công khai và thời điểm công khai tác động môi trường.
“Khi có hàng hàng trăm nghìn con mắt nhìn vào, cộng đồng giám sát, chuyên gia, nhà khoa học phản biện, việc lập báo cáo tác động môi trường phải công khai chắc chắn sẽ phải làm nghiêm, làm đúng. Đó là mục đích, ý nghĩa tốt cho môi trường” – ông Nguyên nói.
Còn ông Nguyễn Hưng Thịnh, phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) cho biết để đảm bảo hiệu lực thi hành luật, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó sẽ có các chế tài xử lý cụ thể đối với hành vi không công khai thông tin theo đúng quy định trong luật.
GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh khẳng định ông ủng hộ việc công khai danh sách hội đồng thẩm định báo cáo tác động môi trường các dự án, vì khi có giám sát thì từng ủy viên hội đồng sẽ có trách nhiệm hơn với ý kiến của mình, trách nhiệm hơn với cộng đồng, xã hội. Ở tuổi ngoài 80, từng tham gia nhiều hội đồng thẩm định báo cáo tác động môi trường, GS Huỳnh nói rõ không ngại khi công khai tên tham gia hội đồng nào. Đồng thời khẳng định việc thành lập hội đồng thẩm định phải theo nguyên tắc “đúng chuyên môn và chọn người có tâm”, không chịu áp lực của ai về việc nêu ý kiến đồng ý hay không đồng ý. |
Nguồn: Tuổi Trẻ Online