Tính đúng giá trị của rừng, độ che phủ rừng tự nhiên nào là phù hợp, tác dụng giảm thiệt hại thiên tai của rừng được định giá bao nhiêu… là một số vấn đề được đặt ra tại hội thảo Bảo tồn và phục hồi hệ thống rừng tự nhiên Việt Nam ngày 23-12.
Diễn ra tại Hà Nội, 140 đại biểu là các chuyên gia lâm nghiệp, đại diện của cộng đồng, ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, công ty lâm nghiệp, vườn quốc gia, tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ… đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến chính sách quản lý.
Các đại biểu của Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc, Viện Điều tra quy hoạch rừng, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn… đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất. Cụ thể, nếu nhìn theo tiêu chí về diện tích và độ che phủ, dường như Việt Nam đã gần phục hồi rừng về thời điểm năm 1943, thời điểm chúng ta có số liệu về rừng đầu tiên.
Tuy nhiên, sự khác biệt sau gần 80 năm là yếu tố chất lượng rừng. Vào nửa đầu thế kỷ 20, diện tích rừng nguyên sinh còn lớn nhưng hiện nay chúng ta còn rất ít rừng nguyên sinh, chất lượng rừng giảm sút, đa dạng sinh học cạn kiệt, chức năng sinh thái không còn được bảo toàn nguyên vẹn, ông Trịnh Lê Nguyên thuộc Tổ chức Pan Nature nêu lên thực trạng.
Ông Trần Lê Trà, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), cho biết hiện chúng ta chưa tính đúng, tính đủ giá trị của rừng. Khi đấu giá quyền sử dụng rừng, cho thuê rừng, xác định giá trị vốn góp, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, việc bồi thường khi giao rừng chúng ta vẫn tính theo giá trị trực tiếp như gỗ và lâm sản mà chưa tính hết những giá trị của rừng như giá trị giảm thiệt hại thiên tai, chức năng hệ sinh thái, giá trị các sản phẩm và dịch vụ hệ sinh thái rừng sẽ được đưa vào sử dụng trong tương lai hoặc chưa biết.
Không tính đủ và đúng giá trị của rừng, hoặc giá trị của rừng bị định giá thấp thì việc chuyển đất rừng sang các mục đích khác sẽ dễ xảy ra hơn trước sức ép phát triển kinh tế, xã hội hiện nay.
Rừng có vai trò phòng hộ lớn, có giá trị điều tiết nước, hấp thụ carbon hoặc giá trị cảnh quan. Với Việt Nam, vấn đề bảo vệ và phát triển diện tích rừng tự nhiên, hiện chỉ hơn 10 triệu ha, mà thực chất là hơn 2 triệu ha rừng đặc dụng và gần 4 triệu ha rừng phòng hộ là thiết yếu và cần ưu tiên để tận dụng khả năng giảm nhẹ thiên tai của hệ thống rừng này mặc dù theo kinh nghiệm quốc tế, cần nghiên cứu để xác định nơi nào trồng rừng giúp giữ nước, chống lở đất khi mưa quá lớn và dài ngày.
Các đại biểu đã chỉ ra thực trạng quản lý rừng hiện có sự chồng chéo giữa các ban quản lý rừng đặc dụng và lực lượng kiểm lâm, thiếu ngân sách quản lý bảo vệ, thiếu thực thi giám sát, tính toán giá trị rừng không đầy đủ (chỉ tính giá trị lâm sản mà không tính những giá trị về cảnh quan, sức khỏe, du lịch, an ninh nguồn nước…).
Những khó khăn và thách thức này là lực cản để phát triển bền vững rừng đặc dụng, quản lý bảo vệ rừng tự nhiên ở Việt Nam phù hợp với điều kiện kinh tế, cảnh quan, xã hội và các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Trong bối cảnh kinh phí bảo vệ và phát triển rừng từ ngân sách không nhiều, việc xã hội hóa như phát triển du lịch sinh thái nội địa, đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ, liên kết giữa các khu bảo tồn, thu hút đầu tư của tư nhân, kêu gọi doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ có thiện chí và sự tham gia của cộng đồng hưởng lợi từ rừng là vấn đề cấp bách cần làm tốt hơn để làm tăng nguồn thu từ dịch vụ hệ sinh thái từ rừng và bảo vệ phát triển rừng tự nhiên một cách có ý nghĩa.
Để làm được điều này, cần có và hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế thu hút đầu tư cho cả hệ thống rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, cơ chế chia sẻ lợi ích công bằng, chính sách đặc thù cho các ban quản lý rừng.
Hội thảo do Hội chủ rừng Việt Nam VIFORA, Trung tâm Con người và thiên nhiên – Pan Nature và Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và phát triển tổ chức.
Nguồn: Tuổi Trẻ