Đặng Công Viên, cán bộ kỹ thuật của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF-Vietnam) chưa từng tham gia khóa học liên quan đến dữ liệu trước đó. Đây là lần đầu tiên anh tham gia chương trình đào tạo Hiểu biết về Dữ liệu do Sáng kiến Phát triển Mở (ODI) phối hợp với Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức trong hai đợt, mỗi đợt kéo dài một tuần vào tháng 7 và tháng 10 năm 2020 tại Quảng Ninh và Hà Nội.
Đây cũng là lần đầu tiên anh cảm nhận được vẻ đẹp của những con số – thứ mà trước kia anh luôn nghĩ là khô khan, cứng nhắc.
Tự nhận mình khá mông lung khi đọc và hiểu dữ liệu, anh Viên đã thiết lập mục tiêu học tập rõ ràng trước khi tham gia khóa học về dữ liệu: “Mình mong muốn kết nối với các bạn trong các tổ chức khác hoặc các lĩnh vực khác để xem câu chuyện dữ liệu của họ như nào, từ đó tìm hiểu xem mình có thể học hỏi gì từ các bạn và thầy cô”.
Là người thường xuyên bám sát hiện trường và phụ trách kỹ thuật của tổ chức, việc thu thập và xử lý dữ liệu đã trở thành nhiệm vụ hàng ngày của anh. Đến với khóa học, anh Viên được tiếp cận với nhiều công cụ và nền tảng công nghệ mới để phục vụ hiệu quả cho công việc.
“Có những công cụ mình chưa từng tiếp xúc, chưa từng sử dụng. Qua khóa học thì mình tiếp cận được một số công cụ rất hay và tương lai mình muốn áp dụng nó vào công việc của mình” – Anh chia sẻ.
Sau một tuần học tập và thực hành với cường độ cao, mỗi học viên cần xác định chủ đề cho dự án cá nhân, trong đó tích hợp các công cụ đã được tập huấn để thu thập, xử lý, phân tích và minh họa dữ liệu. Với đặc thù công việc gắn bó mật thiết với những cánh rừng ở Trung Trường Sơn, không ngạc nhiên khi đề tài của Công Viên có liên quan tới khu vực này.
“Vấn đề pin thải ở đô thị thì được quan tâm rất nhiều nhưng ở khu vực nước đầu nguồn và những cánh rừng thì chưa được quan tâm, trở thành một vấn đề nổi cộm hiện nay. Những cái đó cũng xuất phát từ con người, kể cả dân địa phương khai thác lâm sản hoặc cán bộ bảo vệ rừng tuần tra kiểm soát. Do thói quen và ý thức chưa tốt nên họ vứt pin bừa bãi gây ảnh hưởng đến môi trường. Tác hại của pin thải thì không cần nói nhiều nữa vì rõ quá rồi. Mình muốn tiến hành cuộc khảo sát để biết thực trạng của các pin trong rừng và hướng giải quyết mà mình cần hướng tới để làm sạch nguồn nước hơn”.
Ý tưởng về dự án cá nhân này đã được Công Viên ấp ủ từ vài tháng trước đây. “Mình đã đề xuất với Giám đốc Khu bảo tồn ở Huế và Quảng Nam về việc cung cấp một số thùng đựng pin thải cho cán bộ bảo vệ rừng địa phương, đồng thời phối hợp cùng lãnh đạo địa phương tuyên truyền với cán bộ của họ là khi tuần tra rừng thì bỏ pin thải vào thùng mà mình đã cung cấp. Đó là hướng giải quyết nhất thời mà mình nghĩ đội ngũ của mình có thể tiếp cận và tác động được” – anh cho biết.
Để thực hiện hóa ý tưởng cho dự án của mình, anh chọn sử dụng MAPEO. Công cụ này cho phép người dùng sử dụng công nghệ để lập bản đồ cộng đồng và giám sát ở những khu vực xa xôi, hẻo lánh. Với tính năng tiện lợi, trực quan và thân thiện với người dùng, anh có thể hướng dẫn bà con sống gần rừng sử dụng MAPEO để thu thập thông tin, hình ảnh về các điểm có nhiều hay ít pin, từ đó thu thập và xử lý dữ liệu thu được bằng cách đồng bộ dữ liệu trên điện thoại của người dân với máy tính của mình.
“Có những phần mềm hữu ích mà mình thấy rất hay, có thể sử dụng cho công việc của mình trong tương lai, hoặc kết nối với bạn bè, học viên khác để hỗ trợ lẫn nhau. Mình sẽ chia sẻ kiến thức đã học được cho đồng nghiệp” – Anh Viên hào hứng chia sẻ.
Cũng như Công Viên, hành trang Nguyễn Thảo Ly mang theo khi đến khóa học là sự tò mò và tinh thần cầu thị.
Với chuyên môn không mấy liên quan đến việc sử dụng dữ liệu, kỹ năng trong thu thập, xử lý và minh họa dữ liệu của chị Ly gần như là con số không. Tại Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD) nơi chị đang làm việc, đồng nghiệp của chị thường thu thập và nhập số liệu theo cách truyền thống để hoàn thành báo cáo, tiêu tốn khá nhiều thời gian và công sức.
Đó cũng là động lực để chị Ly tham gia một cách tích cực, chủ động trong toàn khóa học bởi chị biết mình cần nâng cao kỹ năng khai thác số liệu để phục vụ công việc.
“Trước khi tham gia khóa học thì mình biết rất ít về sử dụng và xử lý dữ liệu hoặc vẽ biểu đồ sao cho miêu tả được vấn đề theo hướng mà mình mong muốn. Qua khóa học này, mình mong muốn có thể xử lý được dữ liệu, làm báo cáo kết hợp với biểu đồ để miêu tả nội dung đến những người đọc báo cáo và các nhà tài trợ”.
Chị Ly có mối quan tâm đặc biệt đến bình đẳng giới. Chị cho rằng vấn đề bình đẳng giới trong lĩnh vực lâm nghiệp cũng cần được chú trọng như trong các lĩnh vực khác. Tại SRD, các dự án liên quan đến Hiệp định đối tác tự nguyện về Thực thi pháp luật lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại Lâm sản (VPA/FLEGT) đang được triển khai nên chị muốn nhấn mạnh yếu tố giới và hiệp định VPA/FLEGT, cũng như tác động của nó đối với các tổ chức xã hội và phụ nữ trong các doanh nghiệp chế biến gỗ nhỏ, siêu nhỏ hoặc các hộ gia đình.
“Mình đã biết cách tạo bản đồ, tra cứu thông tin trên các địa chỉ web uy tín và hiểu sâu về các ứng dụng, công cụ minh họa dữ liệu mà mình có thể áp dụng trong lĩnh vực lâm nghiệp như Piktochart hay Timeline JS. Mình sẽ làm một báo cáo vừa ngắn gọn, vừa súc tích mà lại truyền tải được những câu chuyện từ dữ liệu mà mình thu thập được để mọi người hiểu rõ hơn thách thức và cơ hội của phụ nữ trong Hiệp định VPA/FLEGT”.
Sau khóa học, chị Ly dự định chia sẻ các công cụ đã học được cho những đồng nghiệp không có cơ hội tham gia vào khóa đào tạo này.
Cũng như hai học viên trước, Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, Trung tâm nghiên cứu và Tư vấn Quản lý Tài nguyên (CORENARM), tham gia khóa học để khám phá sức mạnh tiềm ẩn của dữ liệu, điều mà anh tự nhận là “chưa nắm rõ lắm nên rất muốn tìm hiểu để bổ sung kiến thức”.
Lựa chọn đề tài “Tác động của rừng ngập mặn đến sinh kế người dân sống ở khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế”, anh Tuấn đã chủ động xây dựng và phát triển ý tưởng để bức tranh dữ liệu về rừng ngập mặn thêm phong phú, sinh động. Đây cũng là đề tài anh ấp ủ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
“Từ khi còn là sinh viên thì mình đã có đam mê về vấn đề rừng ngập mặn và tác động của nó đến sinh kế người dân. Lúc ấy kiến thức và kinh nghiệm còn hạn chế. Quá trình tiếp cận với số liệu cần thiết cũng tương đối hạn chế. Nhưng khi tham gia khóa học này thì mình được trau dồi những công cụ tìm kiếm và xử lý số liệu. Điều này rất có ích với mình khi làm báo cáo” – Anh chia sẻ.
Giờ đây, việc xử lý, phân tích và minh họa dữ liệu không còn là trở ngại đối với anh Tuấn kể từ khi tham gia khóa học. “Biểu đồ thực sự là công cụ rất hữu ích với công việc của mình. Mình đã biết cách thiết kế biểu đồ thu hút và đưa số liệu phù hợp nhất theo từng dạng biểu đồ”.
Trở về đơn vị sau khi kết thúc khóa học, anh cho biết sẽ chia sẻ những kiến thức về minh họa dữ liệu và bảo mật số với đồng nghiệp, từ đó tạo ra những báo cáo thuyết phục và trực quan hơn.
Trải qua hai khóa tập huấn trong hai tuần học tập trung kết hợp giảng dạy online, với 6 hợp phần đào tạo, hơn 20 học viên đến từ các tổ chức xã hội, viện nghiên cứu và cơ quan báo chí truyền thông đã cùng nhau chia sẻ, thực hành những công cụ xử lý, minh họa dữ liệu cập nhật nhất hiện nay. Giáo trình tập huấn được Việt hóa từ chương trình tập huấn cùng tên của Ngân hàng Thế giới (WB) nhằm từng bước trang bị cho người tham gia những kiến thức và kỹ năng về sử dụng dữ liệu và kể chuyện dựa trên dữ liệu.
“Các bạn học viên đều có xuất phát điểm khác nhau. Có một điểm chung là các bạn rất ham hiểu biết về công nghệ mới, kỹ thuật mới và muốn tìm tòi, khám phá nó để phục vụ tốt hơn cho công việc của mình. Các bạn ấy rất nhanh nhẹn, ứng dụng tốt và sáng tạo” – Chị Nguyễn Thu Nga, giảng viên khóa đào tạo Hiểu biết về Dữ liệu, đồng thời là cán bộ Sáng kiến Phát triển Mở Việt Nam (ODV) chia sẻ.
Đồng quan điểm, chị Trần Thị Hoàng Anh – Trợ lý nghiên cứu ODV, giảng viên khóa đào tạo – cho biết: “Mọi người thường nghĩ Hiểu biết về Dữ liệu là một điều gì đó khó nhưng khi chạm vào các công cụ thì mọi người đều có thể làm được và tự tin hơn. Đấy là giá trị mà mình rất vui khi đem lại cho các bạn học viên và rất ấn tượng vì các bạn đã thực sự hòa nhập và tiếp thu các công cụ đó để áp dụng vào công việc”.
Khóa học đã kết thúc nhưng với các học viên, đây có lẽ mới chỉ là sự khởi đầu. Đó là sự khởi đầu của những đam mê tìm tòi và khám phá vẻ đẹp của những con số, là sự khởi đầu ấp ủ các dự án tiềm năng trên cơ sở sử dụng, phân tích và minh họa dữ liệu.
Chương trình đào tạo Hiểu biết về Dữ liệu được thực hiện trong khuôn khổ dự án Tiếng nói vì Rừng Mê Kông (Voice for Mekong Forests – V4MF) do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ.
Nguyễn Thu Thảo, Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP)
Thủy Trương, CafeBiz.vn
Ngô Tới, Báo Phụ nữ TP.HCM
Nguyễn Thị Ly Ly, Trung tâm Thúc đẩy Giáo dục và Nâng cao Năng lực Phụ nữ (CEPEW) |
Để tìm hiểu thêm các hoạt động thú vị xuyên suốt khóa tập huấn Hiểu biết về dữ liệu, mời xem video về khóa tập huấn dưới đây.