Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu
  • Comments Off on Hội nghị điều phối đánh giá giữa kỳ Dự án VOF
Từ giữa năm 2019 tới nay, hơn một phần hai chặng đường của dự án “Tăng cường tiếng nói và năng lực của các nhóm nông dân người dân tộc dễ bị tổn thương đối với biến đổi khí hậu ở Tây Bắc Việt Nam” (VOF) đã đi qua.
 
Để đánh giá những kết quả đã đạt được, cũng như xác định phương hướng cho giai đoạn còn lại, ngày 2/12 tại Mộc Châu, Tổ chức Phát triển Nông nghiệp Đan Mạch Châu Á (ADDA), Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), thành viên Ban Quản lý Dự án tại hai tỉnh Sơn La và Lai Châu, thúc đẩy viên và đại diện nhóm nông dân thích ứng tại 6 thôn, bản mục tiêu đã cùng ngồi lại trao đổi, thảo luận cởi mở về quá trình thực hiện dự án trong giai đoạn 2019 – 2020.
 
Toàn cảnh hội nghị
Nhiều tác động tích cực đã đạt được trong nửa đầu dự án, trong đó đáng ghi nhận nhất là sự thay đổi đáng kể về nhận thức của người nông dân đối với vấn đề biến đổi khí hậu và sản xuất sạch. Người dân đã ý thức được không chỉ hoạt động công nghiệp, sản xuất nông nghiệp cũng là một nguồn gây phát thải khí nhà kính. Từ đó, họ có những chuyển biến bước đầu trong hành động để thích ứng với BĐKH, như hạn chế rác thải, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thu gom vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật, không đốt rơm rạ, di rời gia súc ra khỏi nơi ở, cấy lúa theo hiệu ứng đường biên, trồng cỏ chống xói mòn…
 
Ông Cầm Văn Minh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La, Phó BQL Dự án VOF tại Sơn La
Bà Trần Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Hội Nông dân tỉnh Lai Châu, Phó Ban Quản lý Dự án VOF tại Lai Châu
Ông Nguyễn Đức Tố Lưu, Điều phối viên Dự án VOF, Trung tâm Con người và Thiên nhiên
Việc thành lập và duy trì các nhóm nông dân thích ứng đã tạo điều kiện để người dân tiếp cận với các thông tin, kỹ thuật canh tác mới. Tiếng nói của người dân, thông qua nhóm, cũng được củng cố, có sức nặng hơn trong các đề xuất, đóng góp vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Các nhóm nông dân thích ứng đã đóng vai trò tiên phong tại mỗi thôn bản, đại diện cho thôn bản kết nối với doanh nghiệp và chính quyền, đồng thời các thành viên trong nhóm là những tấm gương cho người dân trong thôn học và làm theo về sản xuất nông nghiệp.
 
Các tập huấn viên và đại diện nhóm nông dân thích ứng thảo luận về những thách thức trong quá trình thực hiện dự án.
Chị Bông, Trưởng nhóm Nông dân thích ứng tại bản Nà Khái, xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu trình bày kết quả thảo luận trước hội nghị.
Bên cạnh đó, những điểm hạn chế trong quá trình thực hiện dự án về sự tham gia phía cộng đồng, tiến trình thực hiện các mục tiêu đã đề ra và đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm,… cũng được các thành viên dự án nhìn nhận và phân tích, từ đó thảo luận các giải pháp cho giai đoạn 2020 – 2021.
 
Dự án Tăng cường tiếng nói và năng lực của các nhóm nông dân người dân tộc dễ bị tổn thương đối với biến đổi khí hậu ở Tây Bắc Việt Nam (VOF) do Hiệp hội Tổ chức Xã hội Dân sự Đan Mạch (CISU) tài trợ thông qua Tổ chức Phát triển Nông nghiệp Đan Mạch châu Á (ADDA), hướng đến việc hỗ trợ đồng bào người dân tộc tăng cường khả năng chống chịu của sản xuất nông nghiệp trước những tác động của biến đổi khí hậu ở miền Bắc Việt Nam. Dự án được tiến hành thông qua xây dựng mô hình các Làng nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tại một số địa phương của Sơn La và Lai Châu.
 

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia