Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu
  • Comments Off on 1 tỷ cây xanh nên được trồng như thế nào?

Một loạt cơn bão mạnh đổ bộ vào Việt Nam hồi cuối năm ngoái đã gây ra những trận lũ lụt, sạt lở kinh hoàng khiến gần 200 người chết và tổng thiệt hại gần 35.000 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi đó đã kêu gọi trồng 1 tỷ cây xanh trên toàn quốc với hy vọng tăng độ che phủ rừng nhằm góp phần ngăn ngừa sạt lở và giảm lũ lụt trong tương lai. Đầu tháng 4 năm nay, Thủ tướng chính thức phê duyệt Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025, trong đó đặt mục tiêu trồng phân tán 690 triệu cây ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao chương trình lại tập trung trồng cây ở khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất và hành lang giao thông thay vì vùng núi, đặc biệt là miền Trung – nơi vốn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai và đâu là mô hình trồng rừng hướng tới nâng cao chất lượng rừng thay vì nhằm đạt mục tiêu tăng độ che phủ dựa vào diện tích?

Theo một tài liệu nghiên cứu chưa được xuất bản từ năm 2020 về các chương trình trồng rừng quy mô lớn ở Việt Nam, năm 1992 đánh dấu ​​quá trình thực hiện Dự án 327 – chương trình trồng rừng trên toàn quốc kéo dài 5 năm trị giá 68 triệu đô la. Tuy nhiên, chương trình bị chỉ trích vì đặt sản xuất gỗ lên trên an ninh lương thực và tập trung vào các loài cây ngoại lai như bạch đàn và keo. Năm 1998, chính phủ tiếp tục đưa ra Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng kéo dài đến năm 2010 (5MHRP) với tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đô la, làm gia tăng đáng kể quy mô Dự án 327. Ngay cả vậy, chương trình 5 triệu ha rừng cũng không đạt được mục tiêu trồng rừng theo diện tích, thậm chí một số tỉnh còn khuyến khích thay thế đất có cây bụi tự nhiên mà cộng đồng địa phương vốn sống phụ thuộc bằng rừng độc canh, thường là cây keo, do các nông hộ quản lý và khai thác định kỳ.

Dù chưa biết chương trình 1 tỷ cây xanh sẽ lựa chọn loại rừng nào để trồng ở khu vực miền núi, song theo ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia Tổ chức Forest Trends, thách thức lớn nhất vẫn nằm ở việc tìm kiếm đất có sẵn để trồng cây tại khu vực này: “Có rất nhiều đất có thể được sử dụng nhưng nó được quản lý bởi các hộ gia đình và bạn không thể bảo họ trồng cây như thế nào. Trên giấy tờ, có khoảng 1 triệu ha do chính quyền địa phương quản lý nhưng thực tế đã được dân làng sử dụng để canh tác. Việc tìm kiếm đất cực kỳ khó khăn và một lý do khiến chương trình 5MHRP thất bại cũng đơn giản vì không có đủ đất để trồng cây”. Ông Phúc ngờ rằng đây cũng có thể là lý do chính khiến chính phủ tập trung vào khu vực đô thị khi bắt đầu trồng cây trong vòng 5 năm tới dù chương trình được tạo ra trong bối cảnh sạt lở đất và lũ lụt nghiêm trọng ở khu vực miền núi.

Mặt trái của rừng độc canh

Về lựa chọn mô hình trồng rừng, rất nhiều nghiên cứu và bằng chứng thực tế chỉ ra rằng nếu hướng tới mục tiêu phục hồi rừng thì các mô hình trồng rừng cần đặc biệt cảnh giác với loại hình rừng độc canh.

Tại nhiều khu vực miền núi bên ngoài thành phố Huế của Việt Nam, rừng trồng là nguồn thu nhập chính của người dân. Nơi đây sở hữu những đồn điền độc canh nối dài liên tiếp, chủ yếu là keo, bao phủ toàn bộ các vùng đất thấp và chân đồi hướng về phía biên giới hiểm trở với Lào. Keo không phải là loài bản địa của Việt Nam nhưng lại thống trị cảnh quan nơi đây. Hàng nghìn nông hộ nhỏ đang trồng loại cây này theo chu kỳ thu hoạch khoảng 7 năm để sản xuất giấy và gỗ.

“Keo mang lại lợi ích kinh tế cho người dân nhưng nó cũng dẫn đến sự phân tầng đất đai và không phải ai cũng được hưởng lợi từ nó. Cũng có nhiều mô hình khác hiệu quả hơn, ví dụ như một số mô hình rừng ngập mặn dựa trên các hệ sinh thái đa dạng nhưng điều đó không xảy ra với trường hợp cây keo bởi ngoài chúng thì không còn loài nào khác được trồng thêm. Đó không phải là những gì mọi người vẫn nghĩ về một khu rừng”, Pamela McElwee, Phó Giáo sư ngành sinh thái nhân văn tại Đại học Rutgers, New Jersey, Mỹ, đồng tác giả tài liệu năm 2020 cho biết.

Đáng chú ý là cây keo có đặc tính cao, mỏng nên rất dễ bị quật ngã và bật gốc khi gió lớn, làm tăng nguy cơ sạt lở đất và càng không thể phòng chống thiên tai mỗi khi mưa bão ập đến.

Xét về độ bao phủ, việc trồng keo quả góp phần mở rộng độ che phủ rừng, tuy nhiên, “nó không nói lên điều gì về chất lượng và tình trạng lâu dài của rừng”, Pamela McElwee khẳng định. Về bản chất, rừng trồng thường mang lại ít lợi ích về môi trường hơn so với các hệ sinh thái rừng tự nhiên: chúng có ít động vật hoang dã hơn, chống tránh bão kém hơn và lưu trữ ít carbon hơn.

Rừng trồng keo chiếm ưu thế trong cảnh quan của thị xã Hương Trà, Thừa Thiên-Huế. Ảnh: Michael Tatarski.

Tại Huế, một người nông dân giấu tên cho biết: “Tôi chuyển đến đây từ năm 2002 để trồng keo. Nếu tôi bán chúng để lấy nguyên liệu làm giấy thì cần đợi 4 hoặc 5 năm nhưng để lấy gỗ thì phải hơn 7 năm. Về mặt kinh tế thì không kiếm được nhiều tiền và đất cũng rất khó chăm sóc”. “Những cây keo không giữ được nước hoặc đất nên khi trời mưa, đất tốt đến đâu cũng bị rửa trôi. Ở khu vực đỉnh đồi, một cái cây có thể mất 10 năm để đạt được chiều cao mà bình thường nó sẽ đạt được sau 7 năm”, anh chia sẻ. Khi được hỏi liệu anh hoặc những người hàng xóm có trồng cây gì khác ngoài cây keo không, anh nói rằng đó là tất cả những gì họ biết. “Nếu tôi biết về các dự án sử dụng các loài khác, tôi rất muốn tìm hiểu về chúng”.

Các khoảnh rừng trồng bị phát quang xen kẽ trồng keo cạnh hồ chứa nước ở thị xã Hương Trà. Những khu vực như thế này được tính là rừng che phủ dù so với rừng tự nhiên, chúng mang lại ít lợi ích về môi trường hơn khi xét về khả năng lưu trữ carbon, môi trường sống của động vật hoang dã và khả năng bảo vệ khỏi xói mòn. Ảnh: Michael Tatarski.

Trồng rừng hỗn hợp, đa mục đích

Nỗ lực tái trồng rừng theo hướng hỗn hợp, đa mục đích hiện đang được thúc đẩy bởi một số tổ chức bảo tồn thiên nhiên như WWF-Việt Nam, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cùng sáng kiến ​​của từng nông hộ.

Bà Nguyễn Hải Vân, Phó Giám đốc PanNature cho biết: “Ở Việt Nam, chúng tôi tập trung quá nhiều vào các sáng kiến ​​trồng cây chỉ để cố gắng tăng độ che phủ rừng – bất cứ nơi nào có cây, nơi đó có thể được coi là rừng. PanNature muốn tập trung nhiều hơn vào chất lượng và tính bền vững của các hoạt động đó”. “Trong các chương trình trước đây, Việt nam đã trồng các loại cây phát triển nhanh như keo nhưng lâu nay không ai nói về tính bền vững của mô hình này và hiện còn rất nhiều câu hỏi được đặt ra”.

PanNature làm việc với các cộng đồng địa phương, đặc biệt là các nhóm dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và miền núi Tây Bắc để phục hồi các phương pháp quản lý rừng truyền thống. “Chúng tôi cố gắng khôi phục rừng và cẩn trọng với loại cây mà chúng tôi cung cấp cho người dân địa phương. Chúng tôi xem xét chất lượng đất, vi khí hậu xem nó phù hợp với hệ sinh thái bản địa hay không, đồng thời cân nhắc giá trị và lợi ích mà người dân có thể nhận được nếu họ trồng loại cây đó”, bà Vân cho biết.

PanNature không tập trung hoàn toàn vào cây rừng, thay vào đó, chúng được trồng đan xen với cây bụi, cây thuốc và cây ăn quả nhằm mang lại nguồn thu nhập đa dạng hơn cho cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng, đồng thời tránh được những cạm bẫy của việc trồng rừng độc canh, ông Nguyễn Đức Tố Lưu, Trưởng Phòng Quản trị Tài nguyên PanNature chia sẻ thêm.

“Chúng tôi không đi theo hướng phát triển các đồn điền cây công nghiệp mà thay vào đó, chúng tôi muốn sử dụng các dự án quy mô nhỏ do người dân địa phương thực hiện với các loài cây đa mục đích và rừng trồng hỗn hợp chứ không chỉ trồng rừng lấy gỗ. Chúng tôi không chỉ cung cấp cây giống mà còn hướng dẫn người dân từ khâu bắt đầu sản xuất cây giống đến thiết kế rừng trồng, chọn địa điểm trồng, cách thức bảo vệ và chăm sóc. PanNature nỗ lực thiết lập mối quan hệ lâu dài với các cộng đồng bảo vệ rừng”, ông Lưu cho hay.

Tin vui là gần đây, PanNature phát hiện một quần thể Vượn đen má trắng phương Bắc (Nomascus leucogenys) thuộc nhóm nguy cấp tại khu vực rừng gần địa bàn dự án ở Sơn La. PanNature dự định trồng các loại cây ăn quả để làm thức ăn cho các loài linh trưởng, đồng thời mở rộng môi trường sống của chúng thông qua các khu rừng hỗn giao mới.

Trong khi đó, tại Thừa Thiên-Huế, WWF-Việt Nam cũng hỗ trợ một số nông hộ về phương pháp trồng rừng thay thế để có thể gợi mở mô hình cho chương trình 1 tỷ cây xanh.

“Chúng tôi vẫn trồng lại những cây keo đã khai thác nhưng đồng thời trồng thêm những loài cây bản địa có tuổi thọ cao hơn”, ông Nguyễn Quang Hòa, một chủ nông hộ cho hay.

Ông Nguyễn Quang Hòa chăm sóc cây giống tại nhà riêng ở ngoại ô Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Hầu hết các đồn điền trong khu vực đều trồng độc canh cây keo nhưng ông Hòa chọn trồng cây bản địa lâu năm cùng với cây keo. Ảnh: Michael Tatarski.

Cũng nằm trong khuôn khổ dự án của WWF, trang trại lớn do ông Phan Hữu Tấn làm chủ ở thị xã Hương Thủy trải rộng trên 130 ha với nhiều loài cây được trồng hỗn hợp gồm: keo, cam, ớt, chuối và chanh dây.

“Trước đó tôi đã chặt rất nhiều cây ở cả Việt Nam và Lào. Bây giờ, tôi muốn trồng lại chúng”, ông Tấn cho biết.

Với sự hỗ trợ từ WWF-Việt Nam, ông Tấn đã sử dụng 07 ha để trồng cây hỗn hợp – một bước chuyển đổi từ việc trồng độc canh cây keo. Tại đây, 500 cây giống bản địa đã được trồng trong số 3.000 cây keo/ha. Các loài bản địa bao gồm cây lát hoa (Chukrasia tabularis), dầu rái (Dipterocarpus alatus), và những cây non lâu năm hoàn toàn thấp hơn so với cây keo trưởng thành mọc xung quanh. Ông Tấn hy vọng có thể mở rộng diện tích hỗn hợp này lên 50 ha để bổ sung hàng nghìn cây bản địa lâu năm.

Cây bản địa một năm tuổi trong trang trại của ông Tấn. Ảnh: Michael Tatarski.

Tuy nhiên, ông Hòa cho rằng đối với nhiều người, tính kinh tế của cây keo sẽ áp đảo lợi ích môi trường của những khu rừng đa dạng hơn, khỏe mạnh hơn. “Những người có nhiều đất có thể tình nguyện dành một ít đất của họ cho những dự án như thế này. Nhưng nếu họ không có nhiều đất thì họ không thể làm vậy vì họ biết rằng nếu trồng cây bản địa thì con cháu họ sẽ là người thừa hưởng. Họ biết trồng keo mang lại hiệu quả và họ không muốn mạo hiểm”.

Mặc dù sự chuyển biến nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc hoàn toàn vào cây keo ở miền Trung vẫn ở quy mô tương đối nhỏ, song đó là xu hướng mà các chuyên gia lâm nghiệp mong đợi. “Nếu chúng ta định nói về sự thích nghi lâu dài, tôi muốn thấy cơ quan phụ trách lâm nghiệp ở các địa phương nói về thực tế rằng cây keo không phải là loài thích hợp trong bối cảnh đó. Tuy nhiên, bạn không thể chờ đợi các hộ sản xuất nhỏ từ bỏ loại cây này, họ không đủ khả năng chi trả. Vì vậy, nếu bạn muốn kiếm tiền từ loại rừng tự nhiên đa dạng hơn, bạn cần sự trợ cấp và hỗ trợ dài hạn”, McElwee đề nghị.

Và nếu trồng rừng với mục tiêu góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu như chương trình 1 tỷ cây xanh đề ra thì các mô hình trồng rừng hướng tới chất lượng rừng cần được đặc biệt cân nhắc.

Ngọc Hiền (Theo Mongabay)

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia