Trong 02 ngày 05–06/8, PanNature đã tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật xây dựng mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây ăn quả cho các nông dân ứng phó biến đổi khí hậu tại bản Nà Khái (xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) và bản Nà Si (xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La). Tập huấn nhằm mục tiêu hỗ trợ người dân thích ứng với vấn đề khô hạn do biến đổi khí hậu, đồng thời có thể sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước trong mùa khô.
13 học viên tham gia lớp tập huấn đều là thành viên của các Nhóm nông dân ứng phó tại hai bản. Trong nửa ngày học lý thuyết, giảng viên Nguyễn Hoàng Phương của Đại học Tây Bắc đã giới thiệu cho các học viên về các dạng mô hình tưới nước tiết kiệm hiện nay, ưu nhược điểm, các điều kiện áp dụng cụ thể cũng như các vật tư cần thiết khi xây dựng từng loại mô hình này. Trên cơ sở lý thuyết, trong hơn một ngày còn lại, các học viên được thực hành thiết kế và triển khai mô hình cụ thể ngay tại nương của một trong các gia đình học viên để tích lũy kinh nghiệm thực tế. Giảng viên trực tiếp “cầm tay – chỉ việc” và góp ý chỉnh sửa hoàn thiện kỹ thuật cho các học viên.
Sau 2 ngày tập huấn, các học viên đã có thể tự thiết kế mô hình, lập dự toán vật tư và thực hiện lắp ráp mô hình tưới nước tiết kiệm theo phương pháp tưới văng và nhỏ giọt cho gia đình mình. Đồng thời, lớp tập huấn cũng đã xây dựng và hoàn thiện 80% mô hình tưới văng sát gốc cho gia đình chị Quàng Thị Giang với diện tích 1ha tại Nà Khái (Sặp Vạt, Yên Châu).
Trong các ngày 07-08/08, Nhóm cán bộ hiện trường PanNature và giảng viên Đại học Tây Bắc tiếp tục thăm và triển khai mô hình điểm tưới nước tiết kiệm cho xoài tại hộ gia đình ông Hà Văn Phiu (bản Nà Si, Hát Lót, Mai Sơn). Ông Hà Văn Phiu cũng là 1 trong 2 học viên đã tham gia tập huấn kỹ thuật xây dựng mô hình tưới tiết kiệm tại bản Nà Khái. Mô hình đã tiến hành được 60%, các bước hoàn thiện mô hình sẽ do gia đình tiếp tục thực hiện.
Dự án “Tăng cường tiếng nói và năng lực của các nhóm nông dân người dân tộc dễ bị tổn thương đối với BĐKH ở Tây Bắc Việt Nam” (VOF) hướng tới hỗ trợ đồng bào người dân tộc tăng cường khả năng phục hồi trước tác động của BĐKH tại vùng Tây Bắc Việt Nam thông qua việc thúc đẩy nông nghiệp thông minh, thích ứng với khí hậu và sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định. Dự án được thực hiện tại 6 huyện thuộc 2 tỉnh Sơn La và Lai Châu trong giai đoạn 2019-2022. Dự án do Hiệp hội Tổ chức Xã hội Dân sự Đan Mạch (CISU) tài trợ thông qua Tổ chức Phát triển Nông nghiệp Đan Mạch Châu Á (ADDA). PanNature là đơn vị điều phối, giám sát, đào tạo, truyền thông và báo cáo các hoạt động của Dự án. |