Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu
  • Comments Off on Câu chuyện từ cây chè Nà Cà

Việc áp dụng các phương thức canh tác nông nghiệp sạch có ý nghĩa cấp thiết, không chỉ để nâng cao đời sống người dân, cải thiện môi trường sống, mà còn là một giải pháp quan trọng để ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Nhằm thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào các mô hình nông nghiệp sạch thay vì chỉ một vài hộ đơn lẻ, Dự án “Tăng cường tiếng nói và năng lực của các nhóm nông dân người dân tộc dễ bị tổn thương đối với BĐKH ở Tây Bắc Việt Nam” (VOF) đã xây dựng mô hình làng nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua việc thành lập các nhóm nông dân thích ứng cấp thôn bản.

Tác giả Hồ Vĩnh Phú

Chè là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực được tỉnh Lai Châu dồn tâm huyết trong những năm gần đây. Nhằm mục đích nâng cao thương hiệu chè, tiến tới xuất khẩu sang các thị trường quốc tế, Lai Châu đã ban hành Đề án phát triển chè để thúc đẩy quá trình hợp tác và liên kết giữa nông hộ trồng chè với doanh nghiệp địa phương. Bình Lư là nơi trọng điểm thích hợp cho phát triển cây Chè của tỉnh.

Nà Cà là một bản người dân tộc Thái thuộc xã Bình Lư của huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Chị Lò Thị Đôi, một nông dân ở bản Nà Cà, có chồng đã mất 12 năm trước do mắc bệnh nan y, một mình chị làm nông nuôi ba con ăn học khôn lớn. Cả gia đình chị trông vào nguồn thu duy nhất từ một nương chè rộng hơn 1000m2 cách nhà khoảng 2 cây số. Trước năm 1997, đồi chè xanh mướt nhà chị Đôi đã từng là một nương ngô. Là loài cây trồng quen thuộc của người nông dân, cây ngô một thời là nguồn nuôi sống gia đình chị. Nhưng dần dần, mọi chuyện dần trở nên không thuận lợi với họ. Đứng trước những thất thường và cực đoan của thời tiết: có lúc khô hạn rất lâu, có khi mưa bão rất khắc nghiệt, ruộng ngô của gia đình chị Đôi vì vậy mà cho năng suất kém dần. Mọi nỗ lực cải tạo, bón phân đều chẳng ăn thua khi trời không chiều lòng người. Một ngày, Chị Đôi quyết định chuyển sang trồng chè với hy vọng loài cây này có sức chống chịu tốt với thời tiết và có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Ở bản Nà Cà, hầu hết các hộ đều lấy nông nghiệp làm kế mưu sinh. Ngô và lúa đã từng là hai loại cây trồng chủ đạo, nhưng đứng trước những thách thức của BĐKH, họ dần dần chuyển đổi sang canh tác chè vì những hứa hẹn cho một sinh kế tốt hơn, đỡ bấp bênh. Chị Lò Thị Nông, một nông dân bản Nà Cà cho biết “Thấy người ta hái chè được nhiều quá thì mình cũng thích. Chè năng suất hơn, trồng ngô vất vả và tùy thuộc vào từng năm. Có mưa thì được mùa. Năm nào không mưa thì ngô chết. Chăm sóc chè dễ hơn. Chè chịu được nhiệt hơn nhiều. Nắng mưa nhiều nó cũng chịu được. Xung quanh đây người chuyển đổi từ ngô sang chè nhiều.”

Nà Cà là một bản người dân tộc Thái thuộc xã Bình Lư của huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu

Theo những người nông dân ở đây, mặc dù chè dễ chăm sóc, cho năng suất cao, song họ vẫn phải đầu tư nhiều cho phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (TBVTV) để cây chè sinh trưởng và phát triển. Trước thực trạng đó, Dự án VOF đã hỗ trợ nông dân tiến hành điều tra, định hướng những cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện từng địa phương, các cán bộ dự án hướng dẫn nông dân các cách canh tác sạch, thay thế từng phần cho TBVTV. Một trong số đó là mô hình ủ phân từ các phế phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, lõi ngô, v.v. đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ bà con nông dân. Ông Quàng Văn Thóc ở bản Nà Cà chia sẻ “Phân này bón cho lúa, cho chè, cho dong riềng và cây trồng rất tốt. Nếu phân này mình làm tốt, ủ tốt thì nó ít sâu hơn, bệnh cũng ít”.

Tại Nà Cà, 10 thành viên của nhóm nông dân thích ứng là những người địa phương đóng vai trò tiên phong, họ trực tiếp tham gia các buổi tập huấn và trực tiếp thực hành xây dựng các mô hình nông nghiệp bền vững tại bản qua từng giai đoạn như đánh giá cây trồng vật nuôi tiềm năng, vẽ mô hình và mối liên hệ, hỗ trợ lẫn nhau giữa các mô hình cũng như lên kế hoạch chi tiết cho việc triển khai mô hình. Sau đó, chính những nông dân nòng cốt này sẽ chia sẻ lại kinh nghiệm canh tác sạch, bền vững cho toàn cộng đồng. Cùng với các hoạt động đào tạo, tập huấn, tham quan… để nâng cao năng lực, nhóm nông dân thích ứng cũng được thúc đẩy tham gia việc lập kế hoạch, giám sát và đánh giá các hoạt động sản xuất nông nghiệp tại thôn, bản, đồng thời được hỗ trợ kết nối thị trường nhằm nâng cao nguồn thu từ quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững.

Nguyên tắc 4 đúng: sử dụng đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ, liều lượng, và phải đúng cách

Nhằm hỗ trợ cho người dân ở Nà Cà trồng và bán được sản phẩm Chè có chất lượng, Trung tâm Con người và Thiên nhiên đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Lai Châu kết nối những người nông dân trồng chè tại Nà Cà với Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Chè Tam Đường. Qua đó phía Công ty cam kết đầu tư chăm sóc, hướng dẫn kỹ thuật, thu hái và bao tiêu sản phẩm cho 100% các hộ trồng chè tại đây. Đổi lại, để sản phẩm chè có thể vào được những thị trường khó tính như châu Âu, Đài Loan, quá trình canh tác của nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt những yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo chè phải sạch, không có dư lượng TBVTV. Ông Đặng Ngọc Đại – Trưởng phòng Nông nghiệp của Công ty CP Đầu tư & Phát triển Chè Tam Đường cho biết: “Đây là một thách thức không nhỏ với tập quán canh tác truyền thống cũ của bà con. Bởi khi sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu không kiểm soát, cái hại trực tiếp là hại đến sức khỏe người lao động và hại đến sức khỏe của cộng đồng, đồng thời ảnh hưởng đến cân bằng của hệ sinh thái trong nương chè. Nếu cứ theo tập quán này khoảng dăm năm nữa thì chè Lai Châu lại có vấn đề, rất khó xuất khẩu khi bà con không giữ được đất sạch, sản phẩm sạch”.

Tại Nà Cà, 10 thành viên của nhóm nông dân thích ứng là những người địa phương

Và như một vòng luẩn quẩn, những vấn đề với cây ngô, cây lúa trước đây sẽ dần dần lặp lại y hệt với cây chè, dù loài cây này được đánh giá có sức chống chịu và thích nghi tốt hơn với điều kiện địa phương.

Ông Nguyễn Đức Tố Lưu, Điều phối viên Dự án VOF, Trung tâm Con người và Thiên nhiên cho rằng “Giữa việc làm nông nghiệp sạch và khả năng thích ứng với BĐKH có một mối liên hệ mật thiết. Vậy nông nghiệp sạch là gì? Thứ nhất, phải sử dụng đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ, liều lượng, và phải đúng cách. Đây là nguyên tắc 4 đúng mà người nông dân cần tuân thủ. Thứ hai, nông nghiệp sạch là phải đảm bảo được an toàn cho người sản xuất, và an toàn cho người tiêu dùng. Thứ ba, nông nghiệp sạch là phải giảm thiểu được các phát thải khí nhà kính. Và cuối cùng, nông nghiệp sạch sẽ giúp tăng giá trị của sản phẩm nhờ có chuỗi cung ứng cho mặt hàng sạch, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Thực hiện được các điều trên chính là chúng ta đã góp phần đẩy lùi được quá trình BĐKH”.

Với Nà Cà, cây chè được cho là phù hợp với điều kiện của địa phương và cho hiệu quả tốt, song bản thân việc trồng chè không phải là giải pháp, vì nếu cứ sử dụng TBVTV bừa bãi, hoạt động canh tác nông nghiệp sẽ mãi rơi vào một vòng luẩn quẩn không bền vững. Hướng đi bền vững, có thể đảm bảo được cả sinh kế lẫn sức khỏe và giữ gìn môi trường sống cho người dân chỉ có thể là làm nông nghiệp sạch. Mà nông nghiệp có sạch được hay không, thì vừa phụ thuộc phần lớn vào quyết tâm của người nông dân, những người gieo trồng tại chính mảnh đất này, vừa cần sự chung tay của các cấp chính quyền địa phương, để nông nghiệp sạch có thể trở thành một phần không thể thiếu trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Nguồn: Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế Xanh

Dự án “Tăng cường tiếng nói và năng lực của các nhóm nông dân người dân tộc dễ bị tổn thương đối với BĐKH ở Tây Bắc Việt Nam” (VOF) hướng tới hỗ trợ đồng bào người dân tộc tăng cường khả năng phục hồi trước tác động của BĐKH tại vùng Tây Bắc Việt Nam thông qua việc thúc đẩy nông nghiệp thông minh, thích ứng với khí hậu và sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định. Dự án được thực hiện tại 6 huyện thuộc 2 tỉnh Sơn La và Lai Châu trong giai đoạn 2019-2022.

Dự án do Hiệp hội Tổ chức Xã hội Dân sự Đan Mạch (CISU) tài trợ thông qua Tổ chức Phát triển Nông nghiệp Đan Mạch Châu Á (ADDA). PanNature là đơn vị điều phối, giám sát, đào tạo, truyền thông và báo cáo các hoạt động của Dự án.

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia