Tính đến cuối ngày 29/10, dự án phục hồi rừng Vân Hồ (Sơn La) mang tên INSPiRE VIET NAM nhằm phục hồi 1.175 ha rừng tự nhiên và bảo tồn loài vượn đen má trắng sẽ có kết quả từ Hiệp hội Bảo tồn Ngoại cảnh châu Âu (EOCA).
Vượt qua hàng trăm đối thủ nặng ký, dự án nhằm phục hồi 1.175 ha rừng tự nhiên tại Vân Hồ của Việt Nam đang là 1 trong 2 đại diện châu Á lọt vào vòng bình chọn cuối cùng của Hiệp hội Bảo tồn Ngoại cảnh châu Âu (EOCA).
Vượn đen má trắng tên khoa học Nomascus leucogenys, là loài bản địa của Việt Nam, Lào và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), thuộc nhóm linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới. Vượn đen má trắng được xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp trong Danh lục Đỏ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN Red Book).
Đầu tháng 4/2021, khi PanNature khảo sát về động vật tại khu vực này phát hiện, đàn vượn đang sinh sản thêm. Nhưng trở ngại là vùng hoạt động quá hẹp, diện tích 1.175 ha không đủ để đàn sống và phát triển bởi loài này có hoạt động kiếm ăn rất rộng. Diện tích rừng suy giảm, ô nhiễm tiếng ồn, hoạt động săn bắn… đang khiến loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Nhóm nghiên cứu nghĩ đến việc phát triển dự án phục hồi rừng tự nhiên, nối liền các khu rừng bị phân mảnh thành một dải rừng trọn vẹn, mở rộng sinh cảnh cho loài vượn đen má trắng ở Vân Hồ.
Dự án INSPiRE VIETNAM đặt mục tiêu sẽ gieo 45.000 “bom hạt” được phát tán bởi 500 em học sinh tại xã Vân Hồ, giúp phục hồi 100 ha rừng tự nhiên. Ngoài ra, 10.000 cây bản địa đa mục đích sẽ phủ xanh 20 ha rừng nhờ sự huy động và điều phối của Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên tại 6 bản làng thuộc xã Vân Hồ. Trong vòng 5 năm, dự án hướng tới 80% hộ gia đình tại xã Vân Hồ được cải thiện sinh kế nhờ nguồn lâm sản ngoài gỗ từ các khu rừng được phục hồi trên địa bàn.
Theo ông Phan Văn Thăng, cán bộ dự án hiện trường của Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), để bảo tồn loài vượn đen má trắng, PanNature đưa ra giải pháp tạo ra môi trường rừng phù hợp để chúng tiếp tục sinh sống.
“Nếu về nhất trong cuộc bình chọn của EOCA, chúng tôi sẽ bắt đầu triển khai dự án vào tháng 2 năm 2022 với mục tiêu bước đầu là giúp phục hồi rừng tự nhiên, từ đó góp phần bảo vệ mái nhà của quần thể vượt đen má trắng”, ông Thăng cho biết thêm.
Ông Tráng A Chơ, Trưởng ban bảo vệ rừng cộng đồng Hua Tạt cho biết, trong cộng đồng (người Mông) có quan niệm không săn bắn vượn. Trước đây có trường hợp một người bắn chết vượn, sau đó bị ốm rồi chết. Các đối tượng săn bắn vượn chủ yếu là người nơi khác. Trước đây, khu từng có rất nhiều loài quý hiếm như hổ, báo, gấu, tê tê, mèo rừng, nai, hoẵng, lợn rừng… nhưng nay chỉ còn một số loài thú nhỏ như chuột, sóc, dúi và một số loài rắn.
Vì thế, để bảo tồn loài vượn quý hiếm này, chỉ còn cách tạo ra môi trường rừng phù hợp để chúng tiếp tục sinh sống. Theo ông Thăng, giải pháp PanNature đưa ra là trồng rừng trên các diện tích đất rừng trống, diện tích phát rừng làm nương đã bị xử lý.
Các loài cây dùng để trồng rừng là các loài cây mà vượn dùng làm thức ăn trong năm (quả và lá non). Các loài cây này được lựa chọn dựa trên 3 tiêu chí: Cây bản địa, có lá hoặc quả ăn được và trồng hỗn loài để các mùa trong năm đàn vượn đều có thức ăn.
Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc PanNature cho biết, để làm được điều này, cần có một khoản kinh phí khoảng 500 triệu đồng/năm. “PanNature hy vọng dự án sẽ được EOCA lựa chọn vào ngày 29/10 tới đây”, ông nói.