Thường được gọi là “hóa chất vĩnh viễn”, PFA có trong nước, không khí, thực phẩm, bao bì, thậm chí trong dầu gội đầu hoặc đồ trang điểm. Ngày 18-10, Mỹ công bố kế hoạch giải quyết loại hóa chất phổ biến và có khả năng gây hại này.
Theo Hãng tin AFP, Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) đã công bố kế hoạch ba năm nhằm đặt ra ngưỡng tối đa trong nước uống với các hóa chất được gọi là PFA.
PFA gồm hơn 4.500 hóa chất kỵ nước. Do phân hủy cực kỳ chậm, PFA có biệt danh là “hóa chất mãi mãi”. Chúng có khả năng chống lại sự suy thoái sinh học và hóa học, không hòa tan trong lipit hoặc các dung môi không phân cực trong tự nhiên.
Nhờ các đặc tính này, các hóa chất PFA được sử dụng rộng rãi như chất hoạt động bề mặt với tác dụng bảo vệ bề mặt các sản phẩm. Chúng có trong bao bì thực phẩm, như hộp bánh pizza, sản phẩm tẩy rửa, sơn, vecni hoặc chất phủ. Cá sống ở nguồn nước bị ô nhiễm có thể có PFA.
Việc sản xuất và sử dụng PFA trong vô số sản phẩm tiêu dùng hằng ngày đã gây ra tình trạng ô nhiễm PFA trên diện rộng ở nhiều quốc gia.
Sau khi ăn vào, các PFA sẽ tích tụ trong cơ thể. Theo một số nghiên cứu, tiếp xúc với PFA có thể dẫn đến các vấn đề về khả năng sinh sản, chậm phát triển ở trẻ em, tăng nguy cơ béo phì hoặc một số bệnh ung thư (tuyến tiền liệt, thận và tinh hoàn), tăng mức cholesterol hoặc thậm chí giảm phản ứng miễn dịch với một số bệnh nhiễm trùng hoặc sau khi tiêm vắc xin.
Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ có kế hoạch xác định một số chất PFA nhất định là “chất độc hại” và yêu cầu các nhà sản xuất cung cấp thông tin về độc tính của chúng.
Michael Regan, lãnh đạo EPA, cho biết lộ trình quản lý các chất PFA được tiếp cận từ ba hướng: tăng cường nghiên cứu về các PFA, hành động để hạn chế sự phổ biến của chúng trong môi trường và đẩy nhanh tiến độ làm sạch các địa điểm bị ô nhiễm.
Tại Mỹ, hàng nghìn cộng đồng có loại hóa chất độc hại vĩnh viễn này trong nguồn nước, PFA có mặt gần 400 cơ sở quân sự. Ước tính có “hơn 200 triệu người Mỹ đang uống nước bị nhiễm PFA”.
Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ đã biết về những rủi ro do PFA gây ra từ ít nhất là năm 1998 nhưng đã không hành động, một nhóm hành động vì môi trường cho biết.
Tại Việt Nam, báo cáo Thông tin về PFA tại Việt Nam 2014-2018 của Trung tâm Con người và thiên nhiên (PanNature) cho thấy các hợp chất PFA tại Việt Nam phần lớn không được kiểm soát. Ô nhiễm PFAS trong nước rất phổ biến và có hiện tượng hải sản ở vùng biển Việt Nam bị nhiễm PFA.
Nguồn: Tuổi trẻ