Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu
  • Comments Off on Học hỏi lẫn nhau để làm nông nghiệp thân thiện với môi trường

Trong 10 ngày cuối tháng 02/2022, nông dân tiên phong tại Lai Châu đã tham quan các mô hình nông nghiệp thân thiện và định hướng hữu cơ tại Quảng Bình và Quảng Trị. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Dự án VOF nhằm tăng cường tiếng nói và năng lực của các nhóm nông dân người dân tộc thiểu số dễ bị tổn thương đối với biến đổi khí hậu (BĐKH) ở Tây Bắc Việt Nam.

Sống tại một tỉnh chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực các hình thái khí hậu cực đoan như Lai Châu, nông dân tại hai bản Nà Cà (xã Bình Lư, huyện Tam Đường) và Hợp 1 (xã Bản Lang, huyện Phong Thổ) đã tham gia vào các Nhóm nông dân ứng phó BĐKH để học hỏi các phương pháp làm nông nghiệp thân thiện hơn. Các Nhóm không chỉ lựa chọn những cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương, học và thực hành các kỹ thuật canh tác thông minh, mà còn tham gia lập kế hoạch sản xuất và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương cũng như tìm kiếm thị trường và trở thành đầu mối liên kết dân làng với doanh nghiệp tiêu thụ theo chuỗi cung ứng. 

Dự án VOF đã thiết kế hoạt động tham quan để người dân có cơ hội học hỏi thêm từ các mô hình nông nghiệp thành công tại các tỉnh thành khác. Một khi tai nghe, mắt thấy những phương pháp canh tác thân thiện không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, người dân sẽ vững tâm hơn để tiếp tục con đường làm nông ứng phó BĐKH.

Tham gia hoạt động, ngoài các hộ tiêu biểu thuộc các Nhóm nông dân ứng phó tại hai bản, còn có đại diện PanNature và các cán bộ Hội Nông dân tỉnh Lai Châu thuộc Ban Quản lý Dự án VOF.

05 mô hình nông nghiệp đoàn tới tham quan tại Quảng Bình và Quảng Trị có một điểm chung là đều khước từ những định hướng phát triển ngắn hạn, manh mún. Có mô hình không đi vào con đường trồng cây lấy gỗ mà giữ lại rừng nguyên sinh để làm du lịch sinh thái. Một số mô hình khác áp dụng các kỹ thuật canh tác thông minh, cho sản lượng cây trồng tốt và đạt các tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, OCOP,… Thành công của các mô hình đã mang lại nguồn cảm hứng cho người nông dân về một tương lai không xa khi nông nghiệp sạch sẽ mang lại sinh kế bền vững cho gia đình họ.

Mô hình Cam sạch ở thị trấn nông trường Việt Trung, huyên Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình
Đoàn cũng tham quan mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ ở Hải Quế, huyện Hải Lăng, Quảng Trị

Dự án “Tăng cường tiếng nói và năng lực của các nhóm nông dân người dân tộc dễ bị tổn thương đối với BĐKH ở Tây Bắc Việt Nam” (VOF) hướng tới hỗ trợ đồng bào người dân tộc tăng cường khả năng phục hồi trước tác động của BĐKH tại vùng Tây Bắc Việt Nam thông qua việc thúc đẩy nông nghiệp thông minh, thích ứng với khí hậu và sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định. Dự án được thực hiện tại 6 huyện thuộc 2 tỉnh Sơn La và Lai Châu trong giai đoạn 2019-2022.

Dự án do Hiệp hội Tổ chức Xã hội Dân sự Đan Mạch (CISU) tài trợ thông qua Tổ chức Phát triển Nông nghiệp Đan Mạch Châu Á (ADDA). PanNature là đơn vị điều phối các hoạt động, phối hợp thực hiện cùng với Hội Nông dân tỉnh Sơn La và Lai Châu.

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia