Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu
  • Comments Off on Thách thức mới trong công tác bảo tồn rùa

Ngày 14/10, Tọa đàm Chợ rùa trên mạng xã hội và tình trạng loài rùa ở Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội. 

Tọa đàm do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp với Chương trình Bảo tồn Rùa Châu Á thuộc Tổ chức Indo-Myanmar Conservation (IMC) tổ chức và được Liên minh Châu Âu tài trợ trong khuôn khổ dự án Hợp tác chống tội phạm liên quan đến động vật hoang dã.

Toàn cảnh Tọa đàm Chợ rùa trên mạng xã hội và tình trạng loài rùa ở Việt Nam

Tham gia Tọa đàm có ông Hoàng Văn Hà – Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP), Tổ chức IMC; ông Nguyễn Đức Minh – đại diện Trung tâm Cứu hộ Động vật Hoang dã Hà Nội; TS. Phạm Thế Cường – Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật; Bà Bùi Thị Hà – Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) và bà Thảo Griffiths – đại diện Facebook Việt Nam…

Tại tọa đàm, ông Hoàng Văn Hà – Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP), Tổ chức IMC nêu rõ thực trạng của nạn buôn bán rùa trên thế giới và tại Việt Nam. Ông cho biết, nạn buôn bán rùa là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng rùa châu Á diễn ra từ những năm 1980 mà hậu quả được dự đoán là sẽ kéo dài hàng trăm năm. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nạn buôn bán rùa tại Việt Nam là do giá trị kinh tế của các loài rùa thường khá cao; tỉ lệ buôn bán công khai giảm mạnh, thay vào đó là buôn bán trái phép để thỏa mãn nhu cầu về rùa của Trung Quốc, trong đó, Việt Nam vừa là nơi tiêu thụ, cung cấp, vừa là “trạm trung chuyển rùa” từ các quốc gia Lào, Campuchia, Myanmar… Theo ông Hà, tình trạng hợp pháp hóa rùa hoang dã đang diễn ra mạnh mẽ, các vụ án liên quan đến động vật hoang dã thường chưa có mức xử phạt thích đáng, cũng như các quy định pháp luật về bảo tồn các loài động – thực vật hoang dã đang có sự chồng chéo.

Ông Hoàng Văn Hà – Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP), Tổ chức IMC phát biểu tại Tọa đàm

Đại diện Trung tâm PanNature, Bà Tô Bích Ngọc công bố Báo cáo Khảo sát buôn bán rùa trực tuyến trong năm 2021 ở Việt Nam. Theo bà Ngọc, mạng xã hội là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động buôn bán rùa trái phép, do các nền tảng mạng xã hội được thiết kế đặc biệt để tạo điều kiện cho thương mại trực tuyến: dễ tiếp cận, chi phí thấp, không gian mở và linh hoạt, dễ dàng che giấu danh tính. Vấn nạn buôn bán động vật hoang dã nói chung, các loài rùa nói riêng trên các nền tảng mạng xã hội đang trở thành thách thức mới đối với các nhà quản lý, cơ quan chức năng.

Bà Tô Bích Ngọc – Trung tâm PanNature công bố Báo cáo Khảo sát buôn bán rùa trực tuyến trong năm 2021 ở Việt Nam

Báo cáo đưa ra các số liệu về tình trạng buôn bán rùa trực tuyến phục vụ trào lưu nuôi rùa như thú cưng/vật cảnh trong giới trẻ cũng như nuôi vì mục đích thương mại trên hai nền tảng mạng xã hội Facebook và Youtube trong năm 2021. Theo đó, hoạt động buôn bán có xu hướng thay đổi theo chiều hướng gia tăng, cả về hình thức và quy mô. Các loài rùa bị buôn bán chủ yếu là rùa núi vàng, rùa ba gờ và rùa sa nhân, đặc biệt, báo cáo cũng ghi nhận các trường hợp buôn bán rùa thuộc nhóm nguy cấp và cực kỳ nguy cấp.

Vấn đề buôn bán rùa trên các nền tảng mạng xã hội nhận được nhiều sự quan tâm của khách mời tham gia Tọa đàm.

Trao đổi tại Tọa đàm, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cho biết, việc nuôi nhốt rùa, ba ba đang khiến cho các loài thuần chủng dần tuyệt chủng, vì mục đích lợi nhuận, các trang trại nuôi nhốt thường lai tạp các loại giống để tăng năng suất. Các loài động vật ngoại lai bị buôn bán trái phép cũng đang có dấu hiệu gia tăng, tình trạng này gây ra nhiều hệ lụy như đe dọa đến đa dạng sinh học của khu vực, gây mất cân bằng hệ sinh thái, lây truyền các dịch bệnh… Công tác cứu hộ và tái thả các cá thể rùa về môi trường tự nhiên cũng như công tác xác định danh tính các tội phạm buôn bán trực tuyến cũng gặp nhiều khó khăn.

Các chuyên gia đang trao đổi, giải đáp các thắc mắc liên quan đến công tác bảo tồn rùa tại Việt Nam

Theo các chuyên gia, để hạn chế tình trạng này, các cơ quan báo chí truyền thông cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, góp phần hạn chế tình trạng nuôi nhốt, săn bắt rùa; các nền tảng mạng xã hội cần siết chặt công tác quản lý người dùng, nội dung các bài đăng, bài quảng cáo; các chính sách pháp luật để xử lý các trường hợp vi phạm cần phải nghiêm khắc hơn… Bên cạnh đó, sự tham gia, hỗ trợ của cộng đồng cư dân mạng cũng đóng vai trò lớn trong công tác bảo tồn.

Nguồn: Báo Tài nguyên & Môi trường

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia