Buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) hiện đã được nhìn nhận không đơn thuần là mối đe dọa với đa dạng sinh học, với hệ sinh thái, mà còn là nguy cơ đối với sức khỏe con người. Đại dịch Covid-19 xuất hiện khiến nguy cơ này càng được nhìn nhận rõ ràng hơn bao giờ hết, khi mà một trong những giả định cho rằng virus gây bệnh này có thể có nguồn gốc từ ĐVHD.
Khu vực Châu Á trong đó có Việt Nam được xác định là một trong năm “điểm nóng” toàn cầu có nguy cơ rất cao xuất hiện các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới nổi, bao gồm các bệnh lây truyền từ vật nuôi, động vật hoang dã hoặc hệ sinh thái [1]. Trong đó, buôn bán và tiêu dùng ĐVHD được coi là một nguy cơ hiện hữu dẫn đến việc lây truyền dịch bệnh do sự tiếp xúc không được kiểm dịch giữa động vật và con người. Trong bối cảnh này, đặc biệt sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, để đẩy mạnh đấu tranh với tội phạm liên quan tới ĐVHD, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai các biện pháp nhằm “tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, phát hiện và kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến động vật hoang dã”. Tuy nhiên, tình hình buôn bán ĐVHD ở Việt Nam hiện vẫn phức tạp.
Nhằm chung tay với các cơ quan quản lý nhà nước trong đấu tranh với buôn bán động vật hoang dã thông qua việc thúc đẩy thông tin báo chí, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp với Trung tâm Bảo tồn ĐVHD tai Việt Nam (SVW) tổ chức chương trình Hội thảo tập huấn “Buôn bán và tiêu dùng động vật hoang dã: nguy cơ sức khỏe con người và hệ sinh thái” từ ngày 25-27/11 tại TP. Rạch Giá, Kiên Giang với tham gia của gần 20 nhà báo và các nhà bảo tồn.
Một số hình ảnh của khóa Tập huấn:
[1] Xu hướng toàn cầu về các bệnh truyền nhiễm mới nổi. Nature. 21/02/2008