Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu
  • Comments Off on Việt Nam đảm bảo hoạt động BBĐVHD bất hợp pháp được giám sát và quản lý một cách có hiệu quả

Việt Nam đảm bảo hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp được giám sát và quản lý một cách có hiệu quả. Theo đó, Việt Nam cần rà soát, xây dựng và hoàn thiện, cụ thể hóa các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ động vật, thực vật hoang dã, thực thi CITES…

Sáng 25/4, tại tỉnh Quảng Ninh, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo đánh giá “Việc thực hiện các kiến nghị giám sát của các cơ quan Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật thực thi công ước CITES”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy điều hành Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có hơn 100 đại biểu đến từ các cơ quan của Quốc hội, các đoàn Đại biểu Quốc hội, các Bộ ngành liên quan và lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm từ 23 tỉnh và thành phố; các chuyên gia; các hội, hiệp hội về bảo tồn động vật hoang dã, tổ chức phi chính phủ và các cơ quan truyền thông.

Toàn cảnh Hội thảo.

 

Thực hiện Chương trình giám sát năm 2019, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật thực thi Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vậtt hoang dã nguy cấp (CITES)” theo Nghị quyết số 1223/NQ-UBKHCNMT14 ngày 20/2/2019. Theo đó, Ủy ban đã xây dựng kế hoạch, nội dung giám sát; yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương báo cáo; tổng hợp, nghiên cứu các báo cáo của 06 bộ có liên quan và 12 tỉnh/thành phố là trọng điểm nuôi, buôn bán, vận chuyển các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp; tổ chức Đoàn giám sát làm việc với Ủy ban nhân dân (UBND) một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khảo sát thực tế tại một số doanh nghiệp gây nuôi, kinh doanh động, thực vật hoang dã; tổ chức 02 hội thảo khu vực tại Tp.Hà Nội và Tp.Cần Thơ đánh giá việc thực thi Công ước CITES. Ngày 05/12/2019, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ có buổi làm việc với 06 Bộ có liên quan về một số nội dung giám sát.

Công ước CITES được phê chuẩn tại Washington, Mỹ (năm 1973) với sự tham gia của 183 nước. Đây là Công ước quốc tế đầu tiên về bảo vệ động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp với mục tiêu kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp các loài động vật, thực vật nguy cấp quý hiếm và mẫu vật của chúng trong hoạt động thương mại quốc tế; đồng thời bảo đảm phát triển gây nuôi, trao đổi thương mại động vật, thực vật nguy cấp, quý hiếm và mẫu vật của chúng một cách có kiểm soát để phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy phát biểu tại Hội thảo.

Việt Nam là nước có đa dạng sinh học cao trên thế giới. Nhận thức được tầm quan trọng của Công ước CITES trong việc bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp và phát triển thương mại hàng hóa quốc tế nên Chính phủ Việt Nam đã tham gia Công ước từ rất sớm (năm 1994). Đến nay, sau 25 năm thực hiện, các quy định của Công ước CITES đã cơ bản được “nội luật” hóa trong các văn bản pháp luật về lâm nghiệp, về thủy sản, về đa dạng sinh học, về xử lý vi phạm hành chính và hình sự…

Việc ban hành chính sách pháp luật thực thi công ước CITES về cơ bản đã nội luật hóa tương đối đầy đủ các quy định của Công ước CITES, tạo hành lang pháp lý đủ mạnh cho việc thực thi Công ước, từ chế độ quản lý nuôi sinh sản, buôn bán, vận chuyển động, thực vật nguy cấp quý hiếm đến xử lý vi phạm và kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các điều khoản của Công ước. Hiện Việt Nam được đánh là quốc gia có khung hình phạt cao nhất cho hành vi vi phạm pháp luật đối với động, thực vật hoang dã thuộc Phụ lục của Công ước CITES trong các nước Đông Nam Á.

Hệ thống văn bản quy định quản lý các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp ngày càng hoàn thiện, được xây dựng, sửa đổi để phù hợp với thực tiễn, phù hợp với luật pháp quốc tế; bảo đảm được việc quản lý theo chuỗi, truy xuất được nguồn gốc; tạo thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Công ước CITES. Chính sách pháp luật về thực thi Công ước CITES đã đi vào cuộc sống, hình thành hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về thực thi Công ước CITES; phát triển hoạt động gây nuôi, xuất khẩu các loài động, thực vật hoang dã và mẫu vật của chúng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Tuy nhiên, một số quy định còn chồng chéo, gây khó khăn cho công tác quản lý, xử lý vi phạm. Một số văn bản quy định còn chưa cụ thể gây khó khăn cho việc thực hiện như: quy định về tội “ tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 03-07 cá thể lớp thú…” (điểm đ, khoản 1 Điều 244 Bộ Luật Hình sự) thì các bộ phận như: vảy tê tê, sừng, ngà, móng vuốt… khi được lấy ra từ cơ thể động vật thì khó xác định để xử lý. Một số vấn đề còn thiếu quy định quản lý như:  quy định về hệ thống tổ chức, thẩm quyền của Cơ quan quản lý CITES còn chưa đầy đủ; chưa có hướng dẫn cụ thể về quy trình chăm sóc sức khỏe, kiểm soát dịch bệnh, thú y cho việc nuôi sinh sản, sinh trưởng động, thực vật hoang dã nguy cấp; quy định về quản lý loài nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ nhưng không quy định về giới hạn nguồn gốc phân bố (ở Việt Nam hay nước ngoài) nên có tình trạng một số loài không có phân bố ở Việt Nam vẫn có trong Danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Ngoài ra, vẫn còn có sự chồng lấn về dấu hiệu định lượng động vật hoang dã giữa pháp luật  xử phạt vi phạm hành chính và pháp luật hình sự. Cụ thể: Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định việc xác định giá trị tang vật vi phạm  hành chính để làm căn cứ xác định mức độ xử phạt; Bộ luật Hình sự (Điều 232, 243) cũng lấy giá trị tang vật vi phạm làm căn cứ xử phạt. Tuy nhiên, đối với tang vật là động vật rừng hoặc dẫn xuất của chúng thuộc loài nguy cấp, quý hiếm nhóm IB, bộ phận dẫn xuất thực vật nhóm IA là những loài nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại nên việc xác định giá là khó khăn để xử phạt hành chính hay hình sự. Chưa có sự phân công trách nhiệm rõ ràng giữa cơ quan quản lý nhà nước về bảo tồn các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm. Những bất cập này cần được điều chỉnh trong thời gian tới.

Rà soát, hoàn thiện các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ động vật, thực vật hoang dã

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia,  nhà hoạch định chính sách, đại diện các bộ ngành liên quan ở cấp quốc gia và địa phương, các chuyên gia về bảo tồn đã chia sẻ những kinh nghiệm về thực thi công ước CITES. Ngoài ra, các đại biểu đã thảo luận về nhiều vấn đề liên quan đến động vật hoang dã, bao gồm những thành tựu và cả những hạn chế trong việc chống buôn bán động vật hoang dã và buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam; nâng cao năng lực cho các lực lượng có liên quan trong việc phòng chống, giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ động, thực vật hoang dã trước nhiều tác động.

Đề cập về công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất các loài động, thực vật nguy cấp thuộc Phụ Lục CITES, bà Trần Thuỳ Anh-Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho biết: Hiện nay, vẫn còn vướng mắc trong công tác quản lý cấp phép CITES. Thực tế phát sinh bất cập trong công tác quản lý cấp phép đối với mặt hàng gỗ trong danh mục CITES như: Hàng hóa nằm trong danh mục CITES không được khuyến khích giao dịch thương mại, nhưng hiện tại, thủ tục xin cấp phép tại cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam chỉ dựa vào hồ sơ do doanh nghiệp xuất trình.

Bà Trần Thuỳ Anh – Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính).

Bà Trần Thuỳ Anh băn khoăn là hàng hóa đã nhập khẩu từ năm 2014, năm 2020 mới xin cấp phép tái xuất khẩu (sau 6 năm) nhưng vẫn cấp phép, không kiểm tra hàng hóa xin cấp phép tái xuất khẩu có còn trên thực tế hay không? Hàng hóa xin tái xuất khẩu có đúng là hàng hóa thuộc những lô hàng đã nhập khẩu hợp pháp trước đây hay không?

Với bất cập trên, bà Trần Thùy Anh kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cần xem xét, đánh giá những bất cập trong việc thực hiện quy định tại Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ, cụ thể về: quy trình kiểm tra, thực hiện thu hồi giấy phép, từ chối cấp phép đối với các doanh nghiệp vi phạm (doanh nghiệp xin giấy phép xuất khẩu, tái xuất khẩu hàng hóa thuộc danh mục CITES nhưng không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, quá hạn, không hoàn trả giấy phép cho CITES Việt Nam…)

Đề cập về các giải pháp quản lý động, thực vật hoang dã, quý, hiếm theo Công ước CITES, ông Vũ Duy Văn-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh cho biết: Để đảm bảo công tác quản lý động, thực vật hoang dã, quý, hiếm theo công ước CITES theo đúng quy định pháp luật của Nhà nước, thông lệ quốc tế cũng như tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức tham gia nuôi, trồng các động, thực vật hoang dã, quý, hiếm, tỉnh Quảng Ninh xin đề xuất một số giải pháp. Theo đó, thứ nhất, cần rà soát, xây dựng và hoàn thiện, cụ thể hóa các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ động vật, thực vật hoang dã, thực thi CITES, gồm cả các quy định liên quan đến cấp mã cơ sở, quản lý cơ sở nuôi trồng các loài động thực vật hoang dã. Trong đó, cần cụ thể hóa các quy định còn chung chung, chưa rõ ràng; loại bỏ các quy định chồng chéo, mâu thuẫn và những quy định không khả thi nhằm đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ; quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan có liên quan để tránh chồng chéo trong quản lý.

Ông Vũ Duy Văn – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh.

Thứ hai, cần quản lý, giám sát chặt chẽ việc cấp phép nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng vì mục đích thương mại đối với các loài động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở nuôi sinh sản, sinh trưởng các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc các Phụ lục công ước Cites tránh để các đối tượng buôn bán động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm lợi dụng, hợp thức hóa.

Thứ ba, cần tăng cường tập huấn nâng cao kiến thức chuyên môn và nhận thức của các cơ quan cơ quan thực thi pháp luật về tính chất đặc thù, các thủ đoạn của tội phạm về buôn bán động, thực vật hoang dã. Đồng thời giáo dục, tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân nhằm phát hiện, tố giác, ngăn chặn hành vi tiêu thụ động thực vật hoang dã bất hợp pháp.

Bà Michelle Owen – Giám đốc Văn phòng Dự án Bảo vệ Động vật Hoang Dã Nguy cấp, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam.

Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, bà Michelle Owen – Giám đốc Văn phòng Dự án Bảo vệ Động vật Hoang Dã Nguy cấp, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam cho rằng, cam kết của Quốc hội để thực hiện những yêu cầu của CITES tại Việt Nam đưa ra một thông điệp mạnh mẽ đối với các cơ quan Nhà nước về sự cần thiết phải đảm bảo hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp được giám sát và quản lý một cách có hiệu quả. Do đó, Việt Nam cần thực hiện đồng thời mọi biện pháp để chắc chắn việc buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp phải được ngăn chặn.

Hội thảo đánh giá “Việc thực hiện các kiến nghị giám sát của các cơ quan Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật thực thi công ước CITES” sẽ tiếp tục diễn ra vào chiều cùng ngày, tập trung thảo luận về một số nội dung chính như: Công tác cứu hộ, nhân nuôi sinh sản động vật hoang dã; Công tác thực thi pháp luật về bảo vệ các loài động vật hoang dã và nghe đại diện một số Bộ ngành liên quan làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm./.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Toàn cảnh Hội thảo đánh giá “Việc thực hiện các kiến nghị giám sát của các cơ quan Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật thực thi công ước CITES”.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy phát biểu tại Hội thảo.
Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Bà Hà Thị Tuyết Nga- Giám đốc cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam nói về thực thi các kiến nghị của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tại Báo cáo giám sát “Việc thực hiện chính sách pháp luật thực thi Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp”.
Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn – Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đề cập về kết quả thực hiện kiến nghị giám sát của các cơ quan Quốc hội về thực thi Công ước CITES.
Ông Trịnh Lê Nguyên – Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cho biết về sự đóng góp của các tổ chức bảo tồn thiên nhiên Việt Nam.
Ông Nguyễn Tử Kim – Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam đề cập về giám định mẫu thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES.
Bà Michelle Owen – Giám đốc Văn phòng Dự án Bảo vệ Động vật Hoang Dã Nguy cấp, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam giới thiệu về Dự án Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp.
Ông Trần Minh Dũng- Đội trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Đà Nẵng, Cục Hải quan Đà Nẵng nhấn mạnh về công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất các loài động, thực vật nguy cấp thuộc Phụ lục Công ước CITES.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia