Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu
  • Comments Off on Giữ màu xanh cho đại ngàn Tây Nguyên

 Rừng bao đời nay là nền tảng cho sự phát triển và là cái nôi tạo nên hồn cốt Tây Nguyên. Tuy nhiên, tài nguyên rừng khu vực này đang suy giảm mạnh. Bởi vậy, giải pháp để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững gắn với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng vùng Tây Nguyên đang được Trung ương cũng như các tỉnh trong khu vực rất quan tâm.

Rừng được ví là “lá phổi xanh” của Tây Nguyên. Nhiều năm qua, cùng với tiến trình phát triển kinh tế – xã hội, áp lực gia tăng dân cư và những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, dẫn đến tài nguyên rừng nơi đây bị xâm hại đến mức báo động.

Cán bộ kiểm lâm tuần tra bảo vệ rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Ka (Ảnh: Vạn Tiếp)

Từ “thủ đô” thành “vùng trũng” lâm nghiệp

Tổng diện tích có rừng của các tỉnh Tây Nguyên hiện nay là 2,57 triệu ha, chiếm 17,5% diện tích có rừng cả nước. Tỷ lệ che phủ rừng toàn khu vực này đạt 45,94%.

Trong những năm qua, tình trạng suy giảm diện tích rừng Tây Nguyên đang diễn ra ở mức độ cao. Việc khai thác, chặt phá rừng diễn ra thường xuyên, gây hậu quả nghiêm trọng; vấn nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm đất sản xuất tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp; công tác quản lý, lập hồ sơ theo dõi diễn biến rừng chưa được thực hiện nghiêm. Bên cạnh sự suy giảm về diện tích rừng, chất lượng rừng cũng đang bị suy giảm mạnh, nhất là rừng tự nhiên. Cụ thể, tỷ lệ diện tích rừng tự nhiên có trữ lượng trung bình, rừng giàu còn rất thấp, chỉ chiếm khoảng 18,4%, tương ứng với diện tích hơn 0,4 triệu ha; còn lại là rừng nghèo và rừng phục hồi chiếm đến 81,6%, tương ứng với diện tích gần 1,8 triệu ha. Những khu rừng có chất lượng cao, trữ lượng lớn còn ít và chủ yếu tập trung ở rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên.

Tại Hội thảo “Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên gắn với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và Tỉnh ủy Đắk Lắk tổ chức ngày 4/4 vừa qua, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn phân tích cụ thể hơn: Sau giải phóng, Tây Nguyên được gọi là “thủ đô” của lâm nghiệp với 3,8 triệu ha rừng tự nhiên, độ che phủ của toàn vùng là 70%. Việc khai thác gỗ tự nhiên với sản lượng khoảng 1 triệu m3/năm trong một thời gian dài cùng với các yếu tố tác động khác khiến diện tích rừng khu vực này giảm mạnh, Tây Nguyên trở thành “vùng trũng” lâm nghiệp. Khu vực này có khoảng 10% là diện tích rừng giàu, nhưng chỉ được phân bố ở các vườn quốc gia và rừng phòng hộ, còn lại là rừng nghèo và nghèo kiệt. Bên cạnh đó, vùng Tây Nguyên có hơn 466.000 ha rừng trồng, nhưng diện tích có thể cung cấp được sản lượng là không lớn, chỉ tập trung ở khu vực như M’Drắk (tỉnh Đắk Lắk) và An Khê (tỉnh Gia Lai). Độ che phủ rừng khu vực này theo báo cáo hiện nay là gần 46%, nhưng thực tế, rừng còn trữ lượng chỉ có hơn 32,4%, đây là con số rất thấp so với cả nước. “Từ năm 1976 đến 2005, mỗi năm Tây Nguyên để giảm khoảng 34.000 ha rừng tự nhiên. Từ năm 2006 về sau, đặc biệt là sau Chỉ thị 13-CT/TW, ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư, tình trạng mất rừng có giảm, nhưng con số vẫn lớn. Ở đây, 78% mất rừng do chuyển đổi mục đích sử dụng, còn lại do phá rừng bất hợp pháp, khai thác rừng trồng, cháy rừng và những nguyên nhân khác. Có những diện tích rừng bị mất nhưng không theo dõi, thống kê kịp thời”, ông Hà Công Tuấn cho biết.

Một khu vực đất lâm nghiệp tại xã Đắk Phơi, huyện Lắk bị đốt phá để lấy đất canh tác (Ảnh: Minh Minh)

Giữ rừng và phát triển lâm nghiệp còn nhiều khó khăn

Theo các chuyên gia, nhà quản lý thì chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng rừng và đất rừng còn nhiều vướng mắc. Cụ thể, trong quy hoạch thì tính đồng bộ, thống nhất giữa các ngành chưa cao, quy hoạch lâm nghiệp thường xuyên bị thay đổi do các quy hoạch khác. Việc quản lý đất lâm nghiệp có nơi chưa chặt chẽ, vẫn còn xảy ra tình trạng chồng lấn, tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân với các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng; thực hiện chính sách giao đất, giao rừng, hỗ trợ khoán bảo vệ rừng còn nhiều khó khăn, tiến độ chậm và chưa hiệu quả. Chính sách về giao đất giao rừng, hỗ trợ khoán bảo vệ rừng chưa thực sự phù hợp với yêu cầu thực tiễn; phân cấp trách nhiệm trong quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp chưa được thực hiện triệt để.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Đắc Nhẫn, đất lâm nghiệp và rừng có mối quan hệ mật thiết với nhau, rừng là tài nguyên, tài sản gắn liền với đất lâm nghiệp, nhưng được điều chỉnh bằng hai luật khác nhau (Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp). Trong pháp luật hiện hành về đất đai và lâm nghiệp vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập trong cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng đất, rừng. Những bất cập, chồng chéo ở những quy định về giao đất, giao rừng; cho thuê đất, cho thuê rừng; chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; thu hồi rừng, thu hồi đất và trình tự chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng.

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, ngân sách nhà nước (từ nguồn chi đầu tư phát triển) trong thời gian qua không bố trí kinh phí để đầu tư trồng rừng phòng hộ, đặc dụng và hỗ trợ trồng rừng sản xuất, mà chủ yếu từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh. Về cơ chế chính sách, theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP, ngày 9/9/2015 của Chính phủ; Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg, ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ, mức đầu tư trồng rừng phòng hộ, đặc dụng chỉ có 30 triệu đồng/ha; mức hỗ trợ trồng rừng sản xuất từ 5 – 8 triệu đồng/ha. Chính sách hỗ trợ hiện nay là quá thấp, không đủ kinh phí để chi cho các hoạt động trồng rừng. Trong khi đó, theo Quyết định số 38/2005/QĐ-BNN, ngày 6/7/2005 của Bộ NN-PTNT về việc ban hành định mức kinh tế kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng trồng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh và bảo vệ rừng, nuôi dưỡng rừng, thì định mức trồng rừng phòng hộ, đặc dụng đảm bảo đạt hiệu quả từ 70 triệu đồng/ha trở lên và trồng rừng sản xuất hiệu quả từ 50 triệu đồng/ha trở lên. Mặt khác, điều kiện hỗ trợ trồng rừng sản xuất theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg, phải có đất quy hoạch trồng rừng sản xuất được cấp có thẩm quyền giao hoặc được thuê và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đã sử dụng đất ổn định trong vòng 3 năm trở lên không có tranh chấp. Trong khi thực tế đa số các hộ dân tham gia trồng rừng thuộc hộ nghèo, thu nhập thấp, không có chứng nhận quyền sử dụng đất nên không đúng đối tượng được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ…

 ♦ Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Y Biêr Niê: Phát triển kinh tế – xã hội dựa trên bốn trụ cột

Ông Y Biêr Niê – Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk

Tỉnh Đắk Lắk nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, diện tích đất lâm nghiệp khoảng 735.000 ha, có nhiều tiềm năng, lợi thế về đa dạng sinh học, đất đai để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững. Tiếp thu các quan điểm của Nghị quyết số 23-NQ/TW, tại dự thảo Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ, tỉnh xác định quan điểm là phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững, toàn diện dựa trên bốn trụ cột tăng trưởng: phát triển các sản phẩm nông, lâm sản lợi thế quy mô lớn, chất lượng cao, xuất khẩu lớn; công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và sản xuất năng lượng tái tạo quy mô lớn; phát triển kinh tế đô thị, hạ tầng số, hạ tầng thủy lợi; phát triển dịch vụ – logistics – du lịch dựa trên nền tảng số, kinh tế số, xã hội số.

♦ Nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Xuân Lương: Người dân cần được sử dụng các mô hình kinh tế dưới tán rừng

Ông Hoàng Xuân Lương – Nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc

Để ổn định sinh kế cho người dân sống gần rừng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thì trong quá trình sửa đổi cơ chế, chính sách, cần có những quy định cụ thể để người dân được sử dụng các mô hình kinh tế dưới tán rừng, kể cả ở rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Và trên cơ sở đó, người dân có thể tham gia vào công tác bảo vệ rừng. Chúng ta nên sử dụng ngay đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ để họ trực tiếp tham gia bảo vệ rừng và xem đó là nghề của họ.

♦ Giám đốc Trung tâm Con người và thiên nhiên Trịnh Lê Nguyên: Cần phát triển thị trường carbon rừng

Ông Trịnh Lê Nguyên – Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature)

Theo tính toán ban đầu, trữ lượng carbon rừng Việt Nam dao động bình quân từ khoảng 1 – 19 tấn/ha cho tới hơn 150 tấn/ha, trong đó rừng lá rộng thường xanh giàu vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ có trữ lượng carbon cao nhất (hơn 150 tấn/ha). Việt Nam đã bước đầu tham gia thị trường carbon nên bắt buộc phải thông qua một số chương trình, dự án, thỏa thuận giảm phát thải. Tuy nhiên, vấn đề chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng vẫn thiếu những quy định cụ thể để có thể thúc đẩy các tiến trình đàm phán thương mại. Để khắc phục bất cập này nhằm phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng, trước tiên cần nhận diện những “khoảng trống” trong khuôn khổ pháp lý, từ đó có cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung các thể chế, chính sách tương ứng, phù hợp.

Nguồn: Báo Đắk Lắk

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia