Ngày 25/5/2023, đại diện Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cùng Tiến sĩ Trần Thị Thúy Hoa đã tham dự buổi thảo luận trực tuyến về Luật chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) do PanNature – một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động nhằm tìm kiếm những giải pháp khả thi nhằm cân bằng mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên tổ chức, qua đó tìm hiểu thêm về nội dung của EUDR cũng như các thuận lợi, thách thức đối với ngành cao su Việt Nam khi EUDR chính thức có hiệu lực.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), trong giai đoạn 1990 – 2020, 420 triệu ha rừng trên toàn cầu, lớn hơn diện tích toàn Liên minh châu Âu đã biến mất. 90% hoạt động phá rừng nhằm mục đích mở rộng diện tích nông nghiệp và có liên quan đến một số hàng hóa nhất định. Trong đó, EU là nhà tiêu thụ chính các mặt hàng này. Vì vậy, mục tiêu của đề xuất này nhằm giảm tác động từ EU đối với phá rừng và suy thoái rừng trên phạm vi toàn cầu, cụ thể là, giảm thiểu rủi ro nhập khẩu vào, hoặc xuất khẩu từ EU các sản phẩm trong chuỗi cung ứng liên quan đến phá/suy thoái rừng; tăng nhu cầu và mua bán các mặt hàng/sản phẩm hợp pháp và “không gây phá rừng”.
PanNature chia sẻ rằng, EUDR quy định hàng hóa không được sản xuất trên đất bị phá rừng hoặc gây suy thoái rừng sau ngày 31/12/2020, điều này là lợi thế so với thời hạn xem xét nội dung tương tự từ năm 1994 của FSC trước đây. TS. Trần Thị Thúy Hoa cũng đồng ý với quan điểm này vì kể từ ngày 01/11/2017, Việt Nam đã chính thức đóng cửa rừng tự nhiên trên toàn quốc theo lệnh của Thủ tướng Chính phủ, giúp Việt Nam có lợi thế đáp ứng nội dung “Không chuyển đổi đất rừng sang đất nông nghiệp”. PanNature cũng lưu ngành cao su cần lưu ý việc đảm bảo đất có ranh giới rõ ràng và thông báo cho khách hàng về vị trí địa lý của lô đất. Lưu ý này đặc biệt nhắm đến các doanh nghiệp tư nhân vì nguồn cung cấp nguyên liệu chính đến từ các hộ tiểu điền, tuy nhiên, các đơn vị này thường khó có thể cung cấp thông tin chính xác để đáp ứng yêu cầu trong việc truy xuất nguồn gốc.
PanNature cũng lưu ý thêm, trong vòng 18 tháng kể từ khi quy định có hiệu lực, Ủy ban EU sẽ tiến hành phân loại các quốc gia theo ba nhóm: rủi ro thấp, rủi ro tiêu chuẩn và rủi ro cao dựa trên đánh giá khách quan và minh bạch. Sản phẩm của những công ty đến từ các nước có rủi ro thấp sẽ hưởng quy trình thẩm định đơn giản hơn. Hiện nay, EU vẫn chưa ban hành đánh giá chính thức về nguy cơ suy thoái rừng và mức độ rủi ro của các quốc gia.
Đối với PanNature, đề xuất là một bước tiến đáng kể trong công cuộc thúc đẩy doanh nghiệp tuân thủ và tôn trọng các giá trị sinh thái và quyền của người dân bản địa. Bên cạnh vai trò giám sát, PanNature hiện đang đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp hiểu và áp dụng được các chính sách mới, đạt được tiêu chuẩn khắt khe của các tiêu chuẩn quốc tế, nhằm mở rộng thị trường, hướng tới bền vững.
Trao đổi tại buổi làm việc, VRA cũng cho biết sẽ tăng cường công tác cung cấp thông tin, trao đổi với Hội viên và doanh nghiệp nhằm kịp thời nắm bắt vướng mắc thực tế trong việc thích ứng với EUDR, từ đó đề xuất các hoạt động hỗ trợ, đào tạo phù hợp.