Việc cắt giảm 90% diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải sẽ để lại nhiều hệ lụy cho thiên nhiên và con người, đặc biệt trong thời điểm Việt Nam đang chịu ảnh hưởng do biến đổi khí hậu.
Như Dân trí đưa tin, tỉnh Thái Bình ra quyết định thu hẹp Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải từ 12.500ha xuống còn 1.320ha, giảm 90% diện tích để xây khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng, sân golf nhưng không xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Thông tin này đã nhận được sự quan tâm lớn của dư luận và các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực thiên nhiên, con người tại Việt Nam.
Phần lớn cho rằng, việc cắt giảm diện tích khu bảo tồn này sẽ dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng cho cuộc sống con người, tác động tiêu cực đến hệ động-thực vật và khí hậu, đặc biệt trong điều kiện Việt Nam cũng đang phải chịu ảnh hưởng do nóng lên toàn cầu.
Lá phổi xanh sẽ gần như bị “xóa sổ”, con người bị tổn thương
Khu Bảo tồn Thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải đã được UNESCO công nhận vào ngày 2/12/2004 là một trong hai vùng lõi của khu Dự trữ Sinh quyển (DTSQ) sông Hồng.
Đây là nơi lưu trữ những giá trị sinh học đa dạng, phong phú với khoảng 215 loài chim, nhiều loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ thế giới.
Các khu DTSQ đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, lưu trữ carbon, đặc biệt là trong thời điểm thế giới đang tìm nhiều cách để kiểm soát vấn đề biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cho biết: “Khu DTSQ sông Hồng là nơi bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái đất ngập nước cửa sông ven biển đặc trưng của miền bắc Việt Nam.
Khu bảo tồn này có nhiều các sinh cảnh khác nhau như thảm rừng và cây gỗ ngập mặn, sinh cảnh rừng trồng phi lao, sinh cảnh đầm tôm, sinh cảnh cồn cát và bãi cát, sinh cảnh phù sa bồi lắng, sinh cảnh mặt nước”.
Đây cũng là nơi cư trú và kiếm ăn của các loài chim, đặc biệt là chim nước và chim di cư, với số lượng lên đến trên 220 loài.
Trong đó, phải kể đến loài Cò thìa (tên khoa học: Platalea minor), loài gần như bị tuyệt chủng toàn cầu vào những năm 1980.
Những nỗ lực bảo tồn giữa nhiều quốc gia châu Á trong những năm gần đây đã giúp phục hồi quần thể loài Cò thìa, xu hướng sinh sản tăng đều đặn. Khu vực này cũng có gần 100 loài thực vật ngập mặn bậc cao và là nơi cung cấp nơi sống và bãi đẻ của rất nhiều loài động vật thủy sinh.
Với vị trí ven biển thuộc 3 tỉnh châu thổ sông Hồng là Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình, các hệ sinh thái tự nhiên của Khu DTSQ, đặc biệt là rừng ngập mặn, giúp cố định phù sa, gia tăng bồi đắp tạo nên những bãi bồi lấn biển theo thời gian.
Theo ông Nguyên, nếu duy trì và phát triển tốt dải rừng ngập mặn ven biển, chúng ta sẽ có được một hệ thống phòng hộ tự nhiên giảm thiểu tác động của bão lụt, nước biển dâng và các sự cố thiên nhiên khác giúp bảo vệ cuộc sống của con người trước thiên tai.
Bên cạnh đó, rừng ngập mặn và đất ngập nước ven biển cũng được xem là bể chứa carbon rất hiệu quả, góp phần giảm phát thải và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
“Việc cắt giảm diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải từ 12.500 ha xuống còn 1.320 ha, UBND tỉnh Thái Bình có thể sẽ đặt dấu chấm hết cho Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng. Với việc mất hầu hết diện tích vùng lõi 2, Khu dự trữ sinh quyển đã không còn đảm bảo các tiêu chí đã được công nhận”, ông Nguyên bày tỏ.
Điều đó có thể thấy rằng, các khu bảo tồn đất ngập nước không chỉ nhằm bảo vệ mỗi hệ sinh thái rừng ngập mặn, mà đây còn là nơi bảo tồn các loài động vật, thực vật quý hiếm, giảm thiểu ảnh hưởng của thiên tai đến cuộc sống con người.
Theo định nghĩa tại Nghị định 66/2019/NĐ-CP về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, “khu bảo tồn đất ngập nước là khu bảo tồn thiên nhiên có diện tích đất ngập nước chiếm tỷ lệ từ 50% diện tích của khu bảo tồn trở lên”.
Các vùng đất ngập nước là vùng đầm lầy, vùng đất than bùn, vùng ngập nước thường xuyên hoặc ngập nước tạm thời theo mùa, kể cả các vùng ven biển, ven đảo có độ sâu không quá 6 mét khi ngấn nước thủy triều thấp nhất. Việc hiểu máy móc khu bảo tồn chỉ gắn với diện tích rừng hiện có là chưa đúng với bản chất bảo tồn đa dạng sinh học.
Với việc giảm 9/10 diện tích, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải không thể đảm bảo được các chức năng và dịch vụ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học như đã đặt ra khi xây dựng khu vực bảo tồn này.
“Nói “xóa sổ” khu bảo tồn cũng hoàn toàn đúng vì với diện tích quá nhỏ như vậy, việc đáp ứng mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học là không thể”, Giám đốc PanNature khẳng định.
Cần phục hồi nguyên trạng diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên
Các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có các ý kiến, đề nghị UBND tỉnh Thái Bình có giải trình.
“Từ góc độ lợi ích bảo tồn đa dạng sinh học, chúng tôi cho rằng việc cắt giảm diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải còn 1.320 ha là một quyết định sai lầm, đi ngược lại với các định hướng, chủ trương về phát triển bền vững, hài hòa giữa mục tiêu kinh tế và bảo vệ môi trường mà Chính phủ đã đề ra, cũng như các cam kết quốc tế của Việt Nam”, ông Nguyên chia sẻ.
Theo ông Nguyên, cần phục hồi nguyên trạng diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, duy trì danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới châu thổ sông Hồng.
Bên cạnh đó, cần rà soát những diện tích chồng lấn hoặc bị lấn chiếm phục vụ các hoạt động kinh tế để đảm bảo không phá vỡ quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học.
Trong xu hướng toàn cầu về phục hồi thiên nhiên hiện nay, cần đầu tư mạnh mẽ hơn để phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn, đất ngập nước và các sinh cảnh tự nhiên khác của Khu bảo tồn.
Bên cạnh đảm bảo và tăng cường mục tiêu đa dạng sinh học, phục hồi lại hệ sinh thái của Khu bảo tồn cũng sẽ giúp khu vực đồng bằng được tiếp tục mở rộng ra hướng biển về mặt lâu dài, tạo ra một khu vực phòng hộ tự nhiên vững chắc, giúp giảm thiểu thiệt hại về người và của khi có các biến động lớn của môi trường.
Khu dự trữ sinh quyển theo định nghĩa của UNESCO là “nơi học tập để phát triển bền vững”. Đây là nơi thử nghiệm các phương pháp tiếp cận liên ngành để tìm hiểu và quản lý những thay đổi cũng như tương tác giữa các hệ thống xã hội và sinh thái, bao gồm thúc đẩy các giải pháp dung hòa mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học với sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên.
Khu dự trữ sinh quyển được xem như các phòng thí nghiệm sống để cung cấp các giải pháp địa phương cho những thách thức toàn cầu. Khu dự trữ sinh quyển bao gồm các hệ sinh thái trên cạn, biển và ven biển. Đến cuối năm 2022, có 738 khu dự trữ sinh quyển ở 134 quốc gia, trong đó có 22 khu xuyên biên giới, thuộc Mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển thế giới. Việt Nam hiện có 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận. |
Nguồn: Báo điện tử Dân Trí