Những năm qua, việc áp dụng các mô hình sinh kế theo hướng bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu đã góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc tại bản Nà Cà, xã Bình Lư, huyện Tam Đường (Lai Châu). Bà con được phổ biến phương pháp ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp, không đốt rơm ra, không lạm dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật và duy trì phương pháp sản xuất an toàn với môi trường.
Năm 2019, mô hình Làng nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu được triển khai tại một số thôn, bản thuộc các huyện Tam Đường, Phong Thổ (tỉnh Lai Châu), trong khuôn khổ dự án “Tăng cường tiếng nói và năng lực cho người dân tộc thiểu số dễ bị tổn thương ứng phó với BĐKH Tây Bắc Việt Nam” (dự án VOF). Nà Cà – một bản người Thái của huyện Tam Đường cũng nằm trong số đó.
Thời gian đầu, mỗi thôn, bản hình thành nhóm nông dân nòng cốt. Cán bộ dự án hướng dẫn họ lập kế hoạch sản xuất nông nghiệp, áp dụng các kỹ thuật canh tác mới, hướng tới thị trường nông sản sạch, giá trị kinh tế cao. Với lợi thế cây kinh tế sẵn có là cây chè, bản Cà Nà đã hình thành nên nhóm sản xuất chè. Qua triển khai mô hình, toàn bộ 61 hộ trong bản đã đồng lòng tham gia với tổng diện tích ban đầu là 12,6ha chè.
Nhằm giúp người dân chuyển đổi mô hình sản xuất, Trung tâm Con người và Thiên nhiên đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Lai Châu kết nối những người nông dân trồng chè tại Nà Cà với Công ty Chè Tam Đường. Qua đó phía Công ty cam kết đầu tư chăm sóc, hướng dẫn kỹ thuật, thu hái và bao tiêu sản phẩm cho 100% các hộ trồng chè tại đây. Đổi lại, để sản phẩm chè có thể vào được những thị trường khó tính như châu Âu, Đài Loan, quá trình canh tác của nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt những yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo chè phải sạch, không có dư lượng TBVTV.
Ông Quàng Văn Yêu, nhóm nông dân thích ứng bản Nà Cà chia sẻ: Dân bản trồng chè từ năm 1997. Tuy nhiên, do canh tác nhiều năm nên nhiều gốc chè bị thoái hoá, cộng với các hộ nông dân thiếu kỹ thuật chăm sóc, dẫn đến chất lượng chè thành phẩm như năng suất đều thấp. Sau khi triển khai dự ăn, người dân được hỗ trợ phân bón, được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Nhờ vậy, diện tích chè thoái hoá trên địa bàn được khắc phục, chất lượng, năng suất chè cũng tăng lên 50 – 60%.
Mặc dù giá thành chè tuy không đổi nhưng ổn định hơn, nhờ đó thu nhập của các hộ từ chè cũng tăng từ 50 – 60% so với trước dự án. Chè là cây lâu năm và thích nghi được với điều kiện khô hạn, nắng nóng nhờ đó thích ứng được với vấn đề biến đổi khí hậu tại bản. “Triển khai dự án, bà con đã nhận thức được việc bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Không sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu làm ảnh hưởng đến môi trường” – ông Quàng Văn Yêu chia sẻ.
Ngoài mô hình chính là trồng chè, dự án còn triển khai đồng thời 2 mô hình phụ là nuôi gà và ủ phân. Trong đó, việc nuôi gà giúp tăng thu nhập cho người dân, còn phân thải từ gà sẽ được ủ để bón cho chè, từ đó hạn chế việc dùng dân hóa học tại bản.
Để nông sản chất lượng do người dân tạo ra có thể tiếp cận tới khách hàng tiềm năng, dự án đặc biệt quan tâm đến việc thúc đẩy mối liên kết giữa Nhóm nông dân tại mỗi thôn bản và các hợp tác xã, doanh nghiệp tiêu thụ nông sản. Nhờ những tín hiệu thị trường do hợp tác xã hoặc doanh nghiệp lắng nghe và phản hồi lại, người dân có thể chủ động về số lượng, chất lượng sản phẩm theo đúng yêu cầu thị trường mà không phải sản xuất tràn lan hoặc manh mún, nhỏ lẻ, thiếu định hướng như trước.
Sau 3 năm triển khai, diện tích chè tăng từ 12,6 ha ban đầu lên 22,4 ha. Thu nhập của người dân cũng tăng theo, từ mức 16,5 triệu/người/năm lên 21 triệu/người/năm. Trong đó thu nhập chính chuyển từ lúa, ngô, sắn sang chè. Đóng góp của chè trong thu nhập gia đình từ 50% trước dự án lên 80% sau dự án.
Các kỹ thuật canh tác cũng có sự thay đổi, các hộ đang chuyển từ canh tác chè thông thường sang trồng chè theo tiêu chuẩn có thể xuất khẩu đi Châu âu, đồng thời, chú trọng áp dụng các biện pháp chăm sóc chè chuyên sâu hơn trước. Lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật giảm 60% so với trước do áp dụng biện pháp canh tác mới.
Thực tế cho thấy, việc áp dụng cách tiếp cận lấy người nông dân làm trung tâm và thúc đẩy cộng đồng một cách tổng thể đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Người dân bản địa vừa nâng cao thu nhập bền vững nhờ chuyển đổi phương thức sản xuất đáp ứng yêu cầu của thị trường, vừa tăng nhận thức và năng lực ứng phó với BĐKH. Họ được tiếp cận lối sản xuất hiện đại, phải lập kế hoạch và quy hoạch sản xuất nông nghiệp, tiếp cận thị trường nông sản thân thiện với môi trường.
Theo ông Mùa A Trừ – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lai Châu, cùng với bản Nà Cà, tỉnh Lai Châu còn triển khai mô hình làng nông nghiệp ứng phó BĐKH tại bản Hợp 1 (xã Bản Lang, huyện Phong Thổ). Sau gần 3 năm thực hiện, các gia đình tham gia được tăng thu nhập ít nhất 40% từ việc bán sản phẩm nông nghiệp có chứng nhận. Các kết quả đạt được tại vùng dự án được chính quyền địa phương công nhận, chia sẻ rộng rãi và đưa ra thảo luận ở cấp quốc gia và quốc tế thông qua các sự kiện, hội nghị, hội thảo.
Ông Nguyễn Đức Tố Lưu, Quản lý dự án VOF, người dân tham gia dự án đều rất thích mô hình Làng nông nghiệp ứng phó BĐKH, do đã đề cập đến những vấn đề thiết thực của bà con trong sản xuất và bà con hoàn toàn được chủ động trong việc quyết định những giải pháp áp dụng và được hỗ trợ một cách đa dạng từ kỹ thuật, phương tiện đến các mối quan hệ, liên kết công việc. Sau dự án, địa phương hoàn toàn có thể thể mở rộng hơn theo lĩnh vực, không chỉ là làng nông nghiệp, mà là làng sinh thái, làng ứng phó với BĐKH… Qua đó, huy động sức mạnh cộng đồng để giải quyết những thách thức về môi trường đang đặt ra đối với các cộng đồng người dân miền núi.