Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu
  • Comments Off on Nuôi ĐVHD vì mục đích thương mại: Khảo sát điểm tại Bắc Giang và Vĩnh Phúc

Nhân giống động vật hoang dã (ĐVHD) trong điều kiện nuôi nhốt đã có lịch sử từ hàng ngàn năm trước (Thomson, 2008). Tuy nhiên, phải từ sau những năm 1980, nuôi ĐVHD vì mục đích thương mại mới thực sự phát triển rầm rộ (WCS, 2008) nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm từ ĐVHD. Tại Đông Nam Á, các trang trại gây nuôi ĐVHD được hình thành từ rất sớm, chẳng hạn hoạt động nuôi cá sấu tại Campuchia có từ thời kỳ Angkor thế kỷ 10 hay Trung Quốc bắt đầu nuôi hươu từ thế kỷ 17. Riêng tại Việt Nam, mặc dù các trang trại ĐVHD thương mại bắt đầu xuất hiện từ cuối những năm 1980 nhưng gần 20 năm sau mới phát triển nhanh cả về số lượng, quy mô và số loài. Các loài được gây nuôi chủ yếu tại thời điểm đầu những năm 2000 là cá sấu, trăn, ba ba, gấu, khỉ, nhím, hươu, rắn hổ mang nhằm phục vụ cho cả thị trường trong nước và quốc tế (WCS, 2008) , trong đó, thị trường xuất khẩu giai đoạn 1995 – 2005 là các nước châu Âu (Anh, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Ý, Đức, Bỉ, Hà Lan, Hungary, Pháp, Cộng hòa Séc), khu vực châu Á (Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật bản, Hàn Quốc, Singapore…) và một số quốc gia như Mỹ, Canada, Úc (WCS, 2008).

Theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, hoạt động gây nuôi ĐVHD có thể được thực hiện theo 3 hình thức: nuôi vì mục đích thương mại, nuôi không vì mục đích thương mại, và nuôi vì mục đích bảo tồn đa dạng sinh học. Đáng chú ý là tất cả các loài động vật, từ động vật rừng thông thường cho tới các loài thuộc Phụ lục I, II và III CITES; các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP; danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP; và danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định 64/2019/NĐ-CP (trừ loài chồn bay) đều có thể được nuôi ở cả ba loại hình trong trường hợp đáp ứng các điều kiện liên quan (Bùi Hà, 2022).

Thống kê của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho thấy hiện có khoảng 9.000 cơ sở gây nuôi thương mại ĐVHD được cấp phép tại Việt Nam, chưa kể các cơ sở không được cấp phép hoặc đang trong quá trình xin cấp phép (ENV, 2022). Năm 2017, CITES khảo sát tại 23 tỉnh, thành và thu được dữ liệu từ 9.280 cơ sở gây nuôi ĐVHD với tổng số 2.189.429 cá thể ĐVHD thuộc 263 loài của 6 lớp (chim, động vật có vú, bò sát, lưỡng cư, hình nhện và cuốn chiếu). Trong số này, có tới 2.849 cơ sở gây nuôi 971.412 cá thể thuộc 82 loài động vật nguy cấp, quý, hiếm và được ưu tiên bảo vệ (thuộc phụ lục IB, CITES I và Nghị định 160/2013/NĐ-CP) cùng 3.172 cơ sở có gây nuôi 99 loài ĐVHD quý, hiếm với 448.314 cá thể (phụ lục IIB, CITES II, III) (FAO, 2017).

Một số ý kiến ủng hộ gây nuôi ĐVHD vì cho rằng hoạt động này góp phần đáp ứng nhu cầu các sản phẩm từ ĐVHD và giảm thiểu nạn săn trộm (Jessica Bell Rizzolo, 2021). Tuy nhiên, hầu hết các quan điểm bảo tồn đều bày tỏ lo ngại với quy định cho phép nuôi các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm vì mục đích thương mại. Theo quan điểm này, không phải mọi loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm đều có khả năng (i) sinh sản và phát triển tốt trong môi trường có kiểm soát và (ii) đem lại lợi ích kinh tế khi nuôi thương mại. Trên thực tế, rất ít loài có thể đảm bảo được một trong hai mục tiêu này, chưa kể điều kiện, yêu cầu liên quan đến việc cho phép nuôi thương mại, không vì mục đích thương mại hay nuôi bảo tồn ĐVHD chưa đảm bảo cơ chế giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý, từ khâu đưa động vật về nuôi, đảm bảo nguồn giống hợp pháp, giám sát quá trình sinh sản, xuất bán, trao đổi… Khoảng trống này được cho là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng không ít cơ sở gây nuôi trở thành vỏ bọc để hợp pháp hóa ĐVHD có nguồn gốc bất hợp pháp (Bùi Hà, 2022).

Mặc dù Việt Nam đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến gây nuôi ĐVHD và phòng, chống buôn bán ĐVHD bất hợp pháp, tuy nhiên, việc thực thi các chính sách này trong thực tế còn nhiều hạn chế, công tác quản lý và giám sát hoạt động gây nuôi ĐVHD còn nhiều bất cập, cơ chế giám sát khá lỏng lẻo, dễ tạo kẽ hở cho việc trà trộn các ĐVHD có nguồn gốc bất hợp pháp tại các cơ sở gây nuôi, đặc biệt với các cơ sở nuôi vì mục đích thương mại. Bên cạnh các loài động vật thông thường, các cơ sở này còn đăng ký nuôi các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm, chủ yếu là Nhóm IIB Phụ lục CITES do có giá trị kinh tế cao và thủ tục nuôi đơn giản. Do vậy, nếu không được kiểm soát chặt, rất có thể xảy ra tình trạng nhập ĐVHD bất hợp pháp có nguồn gốc từ tự nhiên để đưa vào các cơ sở gây nuôi, tiềm ẩn nguy cơ đối với đa dạng sinh học Việt Nam và có thể làm suy yếu nỗ lực bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm.

Nhằm tìm hiểu sâu hơn về thực trạng này, PanNature tiến hành nghiên cứu hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm (chủ yếu là loài IIB thuộc Nghị định 84/2021/NĐ-CP) tại địa phương, trong đó lựa chọn tỉnh Bắc Giang và Vĩnh Phúc để khảo sát điểm thông qua phỏng vấn nhanh 33 cơ sở gây nuôi và 06 cán bộ kiểm lâm. Kết quả ban đầu ghi nhận hoạt động quản lý, giám sát, báo cáo tình trạng gây nuôi ĐVHD tại hai địa phương còn một số hạn chế nhất định, dễ tạo điều kiện cho hoạt động xuất, nhập ĐVHD có nguồn gốc không rõ ràng thông qua các cơ sở gây nuôi. Các thông tin chi tiết của Kháo sát được tổng hợp trong Báo cáo: Nuôi ĐVHD vì mục đích thương mại: Khảo sát ở Bắc Giang và Vĩnh Phúc.

Quý độc giả quan tâm vui lòng tải Báo cáo tại đây.

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia