Kêu gọi trồng cây, gây rừng là câu chuyện đã được khởi xướng rất lâu từ Chính Phủ, khi thảm họa thiên nhiên, biến đổi khí hậu diễn ra càng ngày gay gắt, nhằm bù lấp khoảng trống, chắp vá bớt vết thương môi trường mà kẻ hứng chịu là con người. Không khó để thấy, các chương trình hành động, kêu gọi trồng rừng, bảo vệ rừng đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của cộng đồng.
Con số công bố vào tháng 6/2023 của Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cho thấy: năm 2022, các tổ chức khoa học thuộc VUSTA đã thực hiện 566 dự án bảo vệ môi trường, 214 dự án ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai; 7 dự án bảo tồn và khai thác tài nguyên nước, tài nguyên biển… Hành lang pháp lý để các tổ chức này thực hiện các dự án liên quan đến rừng, là từ năm 2020, cơ quan trên đã ký kết chương trình hành động với Bộ Tài nguyên – Môi trường trong lĩnh vực tài nguyên môi trường giai đoạn 2020 – 2025.
Nhiều cách làm hay, sáng tạo đã được cộng đồng khen ngợi như “Chung tay xanh hóa học đường” của Công ty Toyota Việt Nam; “Hành động vì một Việt Nam xanh” của Công ty TNHH Unilever Việt Nam; Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên GAIA đã kêu gọi và tiếp nhận nguồn tiền nhiều nơi đóng góp trồng, chăm sóc rừng tại các Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn thiên nhiên; Ngân hàng Agribank tổ chức chương trình trồng cây xanh với chủ đề “Agribank vì tương lai xanh – Thêm cây thêm sự sống”; Chương trình “Một triệu cây xanh cho Việt Nam” của Công ty Cổ phần sữa Việt Nam… Tuy nhiên thực tế cho thấy, để thực hiện một dự án trồng rừng, không phải dễ.
Theo Tiến sĩ Lê Công Lương – Phó Tổng thư ký kiêm Chánh văn phòng VUSTA, thì chính thủ tục phê duyệt, xác nhận viện trợ, quyết toán khó khăn phức tạp làm nản lòng các nhà khoa học trong việc thực hiện các đề tài, dự án kể cả nguồn từ ngân sách nhà nước và nguồn viện trợ. Các tổ chức ngoài công lập ít có điều kiện được tham gia đấu thầu các đề tài dự án về hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường từ nguồn ngân sách nhà nước.
Ông Trịnh Lê Nguyên – Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) nhận định, nguồn lực xã hội được hình thành rất đa dạng trong xã hội hiện nay có thể đến từnguồn quỹ quốc tế và trong nước. Thông qua các sáng kiến quốc tế, các nguồn quỹ sáng kiến carbon, quỹ sáng kiến xanh, hoặc các nguồn vốn viện trợ phát triển hoặc nguồn lực ODA, các pho ng trào phục hồi rừng trong nước có thể tìm kiếm nguồn lực từ các quỹ tài trợ này. Song, sự thiếu sót của hành lang pháp lý so với thực tế, khiến việc này chưa đạt như mong muốn.
Theo Cục Lâm nghiệp, năm 2022, vốn huy động đầu tư cho trồng rừng và cây xanh là khoảng 3.520 tỷ đồng, trong đó nguồn xã hội hóa là 1.688 tỷ đồng. Nhưng bản thân nhà nước cũng đầy trắc trở, nếu nhìn từ cơ sở. Ông Đỗ Tài – Bí thư huyện Đông Giang tỉnh Quảng Nam nói: “Nhà nước đặt ra qui định, bó tay chân doanh nghiệp và hộ cá nhân, cả chính bản thân nhà nước cũng tự bó tay mình trong việc này bằng những ràng buộc… trên trời”.
Thứ nhất, ví dụ hô hào trồng rừng gỗ lớn, thì buộc phải có sổ đỏ trên đất, trong khi rừng núi mênh mông, biết bao nhiêu đất của dân chưa làm được sổ đỏ, làm sao trồng? Hai, qui hoạch 3 loại rừng đã có từ lâu, đụng vào rừng phòng hộ, là không được làm gì ở đó. Ba, qui định hạn mức đủ lớn, phải từ 1ha trở lên, được cho phép mới được làm dự án trồng rừng. Bốn, với hộ cá thể, đau đầu nhất là vốn đối ứng.
“Tôi ví dụ, trồng 1ha đầu tư là 50 triệu, mà bắt dân đối ứng 40 triệu mới cho, thì dân lấy đâu ra? – ông Tài nói – Đó là nói hộ cá thể, diện tích ít, chứ doanh nghiệp càng gay go. Muốn làm phải lập dự án với đủ loại giấy tờ, rồi đánh giá tác động môi trường, họ ngán ngẩm ngay”.
Trả lời cho câu hỏi: “Nhà nước trồng tốt hơn hay tư nhân khả thi hơn?”, ông Tài trả lời: “Chắc chắn là cá nhân, doanh nghiệp. Quá dễ hiểu, bởi họ bỏ tiền ra làm, họ sẽ tính tới hiệu quả kinh tế, họ trồng, thì họ chăm sóc bảo quản tốt. Điều tôi thấy cần nói, là hãy thôi giùm những qui định trên… trời! Ví dụ, tỉnh giao về vốn khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên cho địa phương, nhưng cuối cùng phải trả lại, bởi đất rừng đâu có mà tái sinh, khi diện tích đất sản xuất, đất ở của dân còn không có? Lâu nay có chủ trương trả gạo cho bà con để chăm sóc rừng, trồng rừng, là rất quý, góp phần chống đói nghèo. Nhưng trong câu chuyện trồng rừng gỗ lớn, đang xảy ra vấn đề khó xử. Vừa rồi tôi đi Yên Bái tìm hiểu về trồng quế. Qui định trồng rừng gỗ lớn, như quế, là phải thưa hàng, thưa gốc, nhưng đổi lại, càng thưa thì thực bì càng nhiều, người chăm sóc phải phát dọn liên tục, trong khi tiền công họ phải trả thuê nhân công là là 400 – 500 nghìn đồng/ngày, dân lấy đâu ra tiền? Chúng ta xác định với nhau, là trồng rừng gỗ lớn, thời gian thu hoạch phải từ 7 – 10 năm trở lên, vậy trong thời gian đó, dân lấy chi sống? Trung ương cứ đưa ra qui định, xin mời xuống cơ sở, xuống nghe dân nói, để thấy xã hội hóa trồng rừng dễ hay khó?”.
Rất nhiều địa phương miền núi tại miền Trung, qui hoạch quản lý rừng đã được xây dựng, nhưng thẩm định để đi vào hoạt động là quá chậm. Trồng rừng, cá nhân, doanh nghiệp chỉ trồng keo, cao su, chỉ nhà nước là trồng rừng tự nhiên, nhưng đụng đến là một “rừng” thủ tục. Ông Nguyễn Văn Lượm – Chủ tịch huyện Tây Giang tỉnh Quảng Nam cho rằng: “Chương trình trồng rừng gỗ lớn không triển khai được, bởi yêu cầu thủ tục quá nhiều, mức hỗ trợ thì thấp”.
Kỹ sư lâm nghiệp Trần Ta, một người có kinh nghiệm trong trồng quản lý rừng tại miền trung chia sẻ, đặc điểm địa hình trắc trở, dân trí không cao ở vùng cao, là chuyện nan giải ở các tỉnh có miền núi khi muốn trồng rừng. Để người dân chuyển đổi mục đích canh tác từ đất nương rẫy sang trồng rừng và liên kết trồng rừng với các doanh nghiệp, là không dễ. Họ sợ mất đất. Sợ không đủ ăn. Không theo kịp tiến bộ khoa học kỹ thuật. Vì thế tuyên truyền trồng và quản lý rừng rất khó khăn. Trồng rừng là gắn liền với kinh tế rừng, nhưng giải quyết bài toán kinh tế căn cơ với miền núi lâu nay, vẫn loay hoay.
“Nói thẳng, chúng ta chưa có mô hình kinh tế bền vững, hiệu quả từ rừng, chính sách hỗ trợ thấp, lại có tâm lý muốn làm nhưng sợ mất tiền, hô hào thật mạnh nhưng khi người ta xin làm thì đặt ra lắm yêu cầu rối rắm, nên thiếu tính thuyết phục người dân tham gia trồng rừng”.
Kêu gọi xã hội chung tay phủ xanh đất trống đồi trọc, mà cơ chế không mở, rắc rối, chậm khắc phục, sợ trách nhiệm, quan liêu, thì chủ trương cũng chỉ là chủ trương. Cây trồng không bao giờ có giá trị bằng cây tự nhiên. Nhưng với tốc độ phá rừng tự nhiên như hiện nay, không trồng mới thì càng nguy hại hơn. Xã hội hóa là khi ý thức cộng đồng đã được chuyển thành hành động, nhưng đặt ra rào cản thì có khác chi hô hào chạy đua mà đem barie chắn đường.