Trước tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu toàn cầu, vấn đề bảo tồn hệ sinh thái trên toàn trái đất đã được đặt ra từ khá sớm và thế giới cũng đã có nhiều diễn đàn để thảo luận về các giải pháp tương ứng. Tuy nhiên, sau nhiều cố gắng, các quốc gia vẫn khó có thể tiệm cận Mục tiêu Aichi (được thông qua tại Hội nghị Liên hợp quốc về đa dạng sinh học lần thứ 10 năm 2010) với việc tăng diện tích các khu vực được bảo vệ trên đất liền lên ít nhất 17% và 10% diện tích biển đến năm 2020, lại càng khó đạt được mục tiêu bảo tồn 30% diện tích đất liền và biển trên trái đất như kỳ vọng tại Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Kunming – Montreal (được thông qua tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học năm 2022 tại Montreal, Canada). Để chạm tới các con số mơ ước này, bên cạnh việc thúc đẩy thành lập các khu bảo tồn mới, các quốc gia đang nỗ lực định hình và áp dụng các “Biện pháp bảo tồn khu vực hiệu quả khác” (Other effective area-based conservation measures – OECMs, thậm chí xem OECM là một trong những biện pháp cứu cánh cho việc đạt được mục tiêu 30×30.
Việt Nam cũng đang trong tiến trình chuẩn bị cơ sở cho việc xác định và thực hiện thí điểm OECM. Sau hội thảo kỹ thuật đầu tiên diễn ra vào tháng 6/2023, ngày 15/12/2023, Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học phối hợp Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tổ chức Hội thảo tham vấn “Đánh giá tiềm năng và định hướng phát triển OECMs tại Việt Nam” với sự tham dự của đại diện các ban ngành, địa phương, đơn vị nghiên cứu, tổ chức xã hội và cộng đồng.
Tại hội thảo, TS. Nguyễn Xuân Dũng, Trưởng phòng Sinh thái và Cảnh quan thiên nhiên, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ về yêu cầu thực hiện OECM, tiêu chí nhận diện OECM tiềm năng, đề xuất danh mục và định hướng thực hiện OECM. Theo đó, Việt Nam sẽ thể chế hoá các tiêu chí xác định OECM, rà soát tổng thể danh mục OECM tiềm năng và thử nghiệm các mô hình OECM khác nhau, từ đó thúc đẩy nội luật hoá các hướng dẫn về OECM thông qua các cơ hội như: sửa Luật Đa dạng sinh học, xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật như nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến OECM.
Hội thảo dành nhiều thời gian trao đổi, thảo luận về danh mục, tiêu chí và công cụ đánh giá OECM tại Việt Nam cũng như cách tiếp cận toàn diện về OECM, nguồn lực thực hiện và kế hoạch thực hiện OECM. Trong đó, các nhóm đề xuất cần chú trọng cơ sở pháp lý, vấn đề quản lý – quản trị và xây dựng tiêu chí – tiêu chuẩn cụ thể cho từng loại hình OECM, đồng thời cần ưu tiên hỗ trợ tập huấn, trang thiết bị, nguồn lực cho cộng đồng để quản lý các khu rừng cộng đồng nằm trong danh sách OECM tiềm năng. Đặc biệt, cần đảm bảo sự tham gia đầy đủ cùng sự đồng thuận của các cấp cơ sở và cộng đồng khi tham vấn, đánh giá OECM cũng như các vấn đề về giám sát thực hiện OECM, trách nhiệm cơ quan quản lý tại địa phương về OECM. Riêng về lộ trình thực hiện, các đại biểu đề xuất giai đoạn 2024- 2025 sẽ thành lập Nhóm công tác về OECM, tiến tới thiết lập diễn đàn quốc gia để phát triển OECM, giai đoạn sao 2025 sẽ nội luật hoá OECM, xác lập các mô hình quản lý, điều tra tổng thể và giám sát OECM.
Cũng trong phần trao đổi – thảo luận, một đại diện cộng đồng ở Quảng Nam chia sẻ: “OECM là vấn đề rất khó hiểu với cộng đồng, vì vậy, tôi mong các cơ quan Nhà nước và các tổ chức sẽ xuống tận cộng đồng để tập huấn và hỗ trợ cho bà con, có như vậy cộng đồng mới hiểu và thực hiện được”.
Tại Hội thảo này, PanNature cùng tham gia thúc đẩy và chia sẻ kết quả thảo luận về bộ tiêu chí và công cụ đánh giá OECM tại Việt Nam cũng như cách tiếp cận toàn diện về OECM tại Việt Nam.