Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu
  • Comments Off on PanNature và Báo chí trong cuộc chiến chống BBĐVHD

Những năm vừa qua, PanNature đã nỗ lực không ngừng nghỉ trong cuộc chiến bảo vệ loài hoang dã tại Việt Nam. Nhận thức vai trò của báo chí trong cuộc chiến chống buôn bán động vật hoang dã, PanNature đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, năng lực và thu hút sự quan tâm của báo chí về chủ đề bảo tồn động vật hoang dã, từ đó góp phần ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép. 

Trong thời gian từ năm 2019 – 2023, PanNature đã tổ chức 8 khóa tập huấn báo chí với sự tham gia của 128 nhà báo ở các tỉnh thành khác nhau trong cả nước. Sau các khóa tập huấn, nhiều nhà báo đã bày tỏ sự quan tâm, và có các sản phẩm báo chí về chủ đề này.

Ảnh từ chuyến điều tra báo chí của PanNature

Trong cùng thời gian, PanNature cũng đã tổ chức 19 chuyến  điều tra thực địa, qua 23 tỉnh thành trong cả nước và một chuyến điều tra xuyên biên giới Việt – Lào với sự đồng hành của 62 nhà báo đến từ các tòa soạn lớn nhỏ khắp Việt Nam. Những chuyến điền dã báo chí được tổ chức nhằm đưa đến độc giả toàn quốc cái nhìn chân thực, toàn cảnh về bức tranh vận chuyển, buôn bán, sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã, thông qua ngòi bút của các nhà báo điều tra.

114 sản phẩm dưới dạng bài báo và sản phẩm truyền thông là kết quả của những chuyến này, góp phần đưa thông tin về nạn buôn bán động vật hoang dã độc giả trong cả nước trong giai đoạn từ 2019 – 2023.

Các chuyến điền dã báo chí đã tạo lên những tác động không nhỏ, không chỉ đến nhận thức, hành vi của người dân, mà còn thúc đẩy trực tiếp đến các cơ quan nhà nước ban hành các chỉ thị cấp bách, phù hợp, góp phần bảo vệ giới hoang dã tại Việt Nam. Cụ thể, có thể kể đến chuyến điều tra về buôn bán động vật hoang dã tại chợ Thạnh Hóa, tỉnh Long An vào tháng 3 năm 2020. Sau khi nhà báo ghi nhận và trình báo hành vi buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật, lực lượng đặc nhiệm của Cục Kiểm lâm Quốc gia và chính quyền địa phương đã tiến hành kiểm tra nhanh và thu giữ tang vật, bao gồm các loài hoang dã bị buôn bán trái phép. Đặc biệt là, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chỉ đạo về tăng cường kiểm soát buôn bán động vật hoang dã, Cục Kiểm lâm và các cơ quan liên quan của tỉnh Long An đã triển khai các biện pháp cụ thể nhằm thắt chặt quản lý buôn bán động vật hoang dã tại chợ Thạnh Hóa. 

Ảnh từ chuyến điều tra báo chí của PanNature

PanNature cũng là tổ chức tiên phong, khởi đầu sáng kiến hợp tác với 13 tổ chức xã hội khác để gửi thư ngỏ đề nghị UBND tỉnh Long An tăng cường thực thi pháp luật nhằm ngăn chặn hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã tại chợ. Đầu năm 2022, Chính quyền tỉnh Long An công bố kế hoạch đóng cửa chợ. Đây là những minh chứng không thể phủ nhận rằng hơn 20 bài báo kết quả từ chuyến điều tra thực địa và các khuyến nghị của PanNature đã góp phần thúc đẩy đưa đến quyết định này. 

Trong một cuộc điều tra khác, sau khi đăng tải hàng loạt bài viết về buôn bán hổ trái phép, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho Cơ quan quản lý CITES Việt Nam thanh tra tất cả các cơ sở nuôi hổ ở Việt Nam. Loạt bài này cũng đã được chọn và dịch để xuất bản trên tờ Southeast Asia Globe.

Tháng 5 năm 2023, PanNature tổ chức chuyến điền dã báo chí xuyên biên giới Việt – Lào nhằm điều tra đường dây buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã giữa 2 nước – vốn là một vấn đề “nóng” tồn tại trong nhiều năm nay. Chuyến đi có sự tham gia của phóng viên báo điện tử Vietnamplus và trang tin Soha.vn, đã ghi nhận nhiều hành vi buôn bán trái phép các loài hoang dã. Phóng viên ghi nhận sóc, kỳ đà mây, thậm chí cả các loài trong Sách đỏ, bị cấm buôn bán ở cả Lào, Việt Nam, cũng như vi phạm Công ước CITES như gấu, tê tê, hổ, bò tót,… trải dài từ thủ đô Viêng Chăn – Lào, xuyên ranh giới 2 nước đến tận các đầu nậu miền Trung như Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, và nối dài tới những đối tượng tiêu thụ tại Hà Nội. Trong vai những người mua hàng, đoàn điều tra chứng kiến những con vật bị trói chân tay, bị mổ xẻ, phơi thây tại những chợ động vật địa phương, và những thủ đoạn tinh vi mà những con buôn trong đường dây mua bán động vật hoang dã giữa hai nước vận hành. Những thước phim, hình ảnh ghi nhận từ chuyến thực địa đã trở thành những “bằng chứng thép”, được chuyển tải tới độc giả qua loạt bài dài kỳ “Tuồn lậu thú rừng vào Việt Nam: Tận diệt thiên nhiên, tăng mầm dịch bệnh” đăng tải trên báo Vietnamplus từ 6-10/11/2023.

Ảnh từ chuyến điều tra báo chí của PanNature

Buôn bán động vật hoang dã là chủ đề nóng nhưng chưa bao giờ cũ. Thực tế cho thấy tỷ lệ các vụ án hình sự về động vật hoang dã có đối tượng phạm tội bị bắt giữ đã tăng lên 92,2% (giai đoạn 2018-2022). Cũng chính vì thế, việc tiếp cận với các đối tượng buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trong quá trình điều tra thực tế gặp rất nhiều khó khăn, do các đối tượng cảnh giác cao độ, chỉ tin tưởng liên lạc, trao đổi với các “mối quen”. 

Mặc cho những khó khăn, hiểm nguy chực chờ, PanNature may mắn được hợp tác với đội ngũ phóng viên chuyên nghiệp, kinh nghiệm và nhiệt huyết, hết lòng vì thiên nhiên. Những nhà báo ấy luôn đặt cái ‘tâm’ của nghề báo lên đầu, dũng cảm dùng ngòi bút đanh thép của mình vẽ lên bức tranh chân thật về tình hình buôn bán động vật hoang dã trái phép tại Việt Nam. Từ đó, cùng PanNature, góp phần nâng cao nhận thức, giúp giảm cầu, đẩy lùi nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép và bảo vệ đa dạng sinh học.

Ảnh từ chuyến điều tra báo chí của PanNature

Để tiếp tục cuộc bảo tồ thiên nhiên này, PanNature rất cần sự hỗ trợ tài chính của các nhà tài trợ, để viết tiếp những câu chuyện về thực trạng buôn bán động vật hoang dã còn tồn tại, đồng thời thúc đẩy các cơ quan nhà nước thắt chặt quản lý, thắp thêm hy vọng cho công tác bảo tồn các loài hoang dã tại Việt Nam.

 

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia