Xã Kon Pne, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai là nơi sinh sống của 451 hộ với 1700 nhân khẩu, trong đó gần 100% là đồng bào người Ba Na và sinh kế phụ thuộc vào nông lâm nghiệp. Người dân nơi đây chủ yếu canh tác nương rẫy trên đất dốc và trồng thuần loài như trồng mì, lúa rẫy, cà phê, mắc ca. Tuy nhiên, địa hình đất dốc gây nhiều thách thức về sạt lở, xói mòn, và bạc màu, đặc biệt trước biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng. Điều này đòi hỏi một mô hình canh tác bền vững và thân thiện với môi trường, để giúp cộng đồng đa dạng nguồn thu, cải thiện sinh kế và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Mô hình canh tác nông lâm kết hợp tại Kon Pne
Từ thực tiễn đó, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tiến hành hỗ trợ cộng đồng xây dựng mô hình điểm canh tác Nông lâm kết hợp trên đất dốc cho cộng động ở xã Kon Pne, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, hướng tới cải thiện sinh kế cộng đồng, giảm tác động của môi trường và ứng phó với những biến đổi phưc tạp của khí hậu. Đây là một trong những mục tiêu của mô hình Nông lâm nghiệp thông minh do Trung tâm Con người và Thiên nhiên thực hiện trong khuôn khổ dự án Liên minh sinh kế xanh tại xã Kon Pne, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai.
Với phương châm làm mô hình điểm, sau đó nhân rộng ra cộng đồng, ban đầu Trung tâm hỗ trợ 6 hộ gia đình làm mô hình điểm canh tác Nông lâm kết hợp trên đất trồng mì ở làng Kon Ktonh và làng Kon Kring của xã Kon Pne trên cơ sở cộng đồng họp và tự lựa chọn thành viên, phù hợp với nhu cầu, tiêu chí và mục tiêu của dự án.
Mô hình nông lâm kết hợp là mô hình sản xuất tổng hợp, đa dạng loài cây trồng, qua đó góp phần giảm tác động tới môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ đó, tăng thu nhập cho hộ gia đình qua việc thu hoạch đa dạng sản phẩm trên cùng một diện tích. Ngoài ra, mô hình nông lâm kết hợp cũng góp phần giảm thiểu rủi ro trong sản xuất và tăng cường an ninh lương thực; Phát huy vai trò và sự tham gia của phụ nữ trong sản xuất; bên cạnh đó do đa dạng cây trồng nên tạo thêm công việc thường xuyên cho người dân.
Để triển khai xây dựng mô hình, ban đầu Trung tâm Con người và Thiên nhiên phối hợp với Ủy ban nhân dân xã Kon Pne, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kbang tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức về tác động của biến đổi khí hậu trong sản xuất và đời sống, vai trò của mô hình Nông lâm kết hợp cho Ban phát triển cộng đồng và một số hộ gia đình tiêu biểu ở 3 làng của xã Kon Pne. Cách thức tập huấn được tổ chức theo phương pháp lý thuyết kết hợp thực hành thông qua hướng dẫn cầm tay chỉ việc ngoài thực địa.
Mô hình nông lâm kết hợp ở xã Kon Pne được Trung tâm Con người và Thiên nhiên lựa chọn là trồng xen cây Mắc Ca, Dổi xanh trên diện tích đất dốc đã trồng mì, là những cây trồng phù hợp, được người dân trồng lâu năm trên địa bàn xã Kon Pne, và có vai trò hỗ trợ nhau cùng phát triển. Đây là mô hình tổng hợp trong đó các loại cây được thiết kế trồng đường đồng mức để tăng hiệu quả chống xói mòn.
Cây Dổi là cây bản địa, đa mục đích, vừa tăng độ che phủ đất, chắn gió cho các loài cây trồng khác, vừa tạo tán tăng độ che phủ, vừa giữ ẩm đất hỗ trợ cho cây Mì sinh trưởng, phát triển, đồng thời cây Dổi cũng cho thu quả hàng năm để tăng thu nhập cho người dân.
Cây Mắc Ca: Là cây được đưa vào trồng ở Kbang từ những năm 2010 và đã khẳng định được sự phù hợp và mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân trên địa bàn. Mắc ca cũng là cây đa mục đích, vừa tạo tán che, vừa cho thu hoạch quả hàng năm, nên sẽ mang lại hiểu quả kinh tế thêm cho người dân nơi đây.
Với các lớp tập huấn hướng dẫn tỉ mĩ về thiết kế bố trí hệ thống cây trồng dựa theo hướng dốc và đường đồng mức, khoảng cách cây, khoảng cách hàng cũng như kĩ thuật đào hố, các thành viên tham gia lớp tập huấn đã hiểu và thực hành ngoài thực địa.
Sau khi tập huấn, 06 hộ gia đình làm mô hình đã tiến hành phát dọn, đào hố và trồng được 600 cây Mắc Ca, 250 cây Dổi xanh trên diện tích 4.5ha đã trồng Mì. Đây là mô hình hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân ở xã Kon PNe, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu, qua đó giảm các tác động lên tài nguyên rừng và đa dạng sinh học.
Mô hình nông lâm kết hợp tại xã Kon Pne đang khẳng định hiệu quả và là một hướng đi tích cực cho cộng đồng trong hành trình phát triển sinh kế bền vững và thích ứng với khí hậu.