Năm 2023, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã tiếp nhận hơn 2000 vụ việc vi phạm do người dân thông báo và Trung tâm đã chuyển giao các vụ vi phạm này đến cơ quan chức năng xem xét xử lý. Hiệu quả xử lý thành công đạt trên 50%.
Theo báo cáo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho đến nay, Việt Nam đã ghi nhận được khoảng 50.000 loài sinh vật, song, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, một số loài động thực vật, đặc biệt là động vật nguy cấp, quý hiếm đã và đang bị đe dọa tuyệt chủng bởi nạn săn bắt, buôn bán trái phép, mất môi trường sống hoặc môi trường sống bị tác động và suy giảm… Đây là vấn đề đặt ra cho công tác bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD) tại Việt Nam.
Theo báo cáo thường niên của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), chỉ riêng trong năm 2023 đơn vị đã tiếp nhận hơn 2000 vụ việc vi phạm do người dân thông báo và Trung tâm đã chuyển giao các vụ vi phạm này đến cơ quan chức năng xem xét xử lý. Hiệu quả xử lý thành công đạt trên 50%.
Bà Bùi Thị Hà – Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho rằng Mỗi người dân và cả cộng đồng đều đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ động vật hoang dã, thông báo các dấu hiệu vi phạm động vật hoang dã đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
“Chúng tôi thấy nỗ lực của người dân, hàng trăm cá thể động vật hoang dã đã bị tịch thu hoặc các đối tượng tự nguyện giao nộp, nhiều người vi phạm bị xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc là đã tự nguyện chấm dứt hành vi vi phạm sau khi đã tiếp nhận khuyến cáo” – bà Hà nói với VOV2.
Sự tham gia của người dân không chỉ là thước đo mà còn là động lực của công tác bảo tồn và bảo vệ động vật hoang dã tại Việt Nam. Xã hội hóa việc huy động người dân tham gia các hoạt hoạt động bảo tồn là một trong những giải pháp quan trọng.
Ông Trịnh Lê Nguyên – Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cho rằng, đây là cách làm tăng thêm nguồn lực đáp ứng với hoạt động bảo vệ động vật hoang dã nói riêng và bảo tồn đa dạng sinh học nói chung.
“Ở Việt Nam mọi người quan tâm nhiều đến cơ chế tạo điều kiện cho xã hội tham gia vào đa dạng sinh học. Tham gia bằng cách đóng góp tạo điều kiện cho các tổ chức bảo tồn”.
Sự vào cuộc của Chính phủ, các tổ chức chính trị-xã hội, doanh nghiệp và người dân đã giúp luật pháp được thực thi, nhiều vụ án nuôi nhốt và buôn bán trái phép động vật hoang dã đã được xử phạt nghiêm minh.
Tiến sĩ Trần Văn Miều – Phó Chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam chỉ ra vẫn còn những khoảng trống về mặt chính sách.
“Tập thể thì có doanh nghiệp cộng đồng chỗ này kia nhưng chưa thấy chính sách khuyến khích người làm xã hội hóa là khi họ có tài trợ ủng hộ, có đóng góp về trí tuệ cho vấn đề bảo tồn Đa dạng sinh học” – Tiến sĩ Miều đề xuất – “Có lẽ Nhà nước phải mở rộng hơn cách tiếp cận, người dân có đóng góp thì có khen tưởng, tôn vinh trong cộng đồng”.
Trong thời đại số, việc ngăn chặn các hành vi buôn bán động vật hoang dã càng trở nên khó khăn hơn bởi bị mua bán, quảng cáo trên không gian mạng dưới các hình thức núp bóng, trá hình với số lượng ngày càng gia tăng.
Lợi dụng khả năng dễ dàng tiếp cận người mua và che dấu danh tính trên không gian mạng, đặc biệt là các trang mạng xã hội, nhiều đối tượng đã thường xuyên rao bán các sản phẩm như ngà voi, sừng tê giác, móng gấu, da hổ và rất nhiều sản phẩm động vật hoang dã khác.
Chính vì vậy, người dân là tai mắt, mỗi tài khoản mạng xã hội đều có thể trở thành cộng tác viên cho cơ quan chức năng nắm bắt thông tin, xử lý kịp thời.
“Để có thể giảm thiểu vi phạm, tội phạm động vật hoang dã điều quan trọng nhất là tiếp tục nâng cao ý thức của người dân, cũng như ý thức chấp hành pháp luật. Các cơ quan chức năng cần nỗ lực xử lý các vi phạm động vật hoang dã, không bỏ qua các đối tượng liên tục dùng Internet để quảng cáo buôn bán động vật hoang dã trái phép. Có hình thức xử phạt nghiêm khắc để tuyên truyền rộng rãi” – bà Bùi Thị Hà nêu quan điểm.
Con người là chủ thể gây nên tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp các loài động vật, thực vật hoang dã hiện nay đã và đang gia tăng, trở thành mối đe dọa chính dẫn tới gia tăng tốc độ tuyệt chủng của nhiều loài động vật hoang dã, làm suy thoái sinh cảnh tự nhiên, gây mất đa dạng sinh học. Để giải quyết mâu thuẫn đó cũng chỉ có thể là chính chúng ta phải chung tay góp phần đưa thiên nhiên trở lại sự đa dạng vốn có bằng kiến thức, kỹ năng và đóng góp tài chính.