Ngày 22/10/2024, tại nông trường Phú Xuân, xã Ea Drơng, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk (Dakruco) đã tổ chức lễ chính thức công bố việc đạt được chứng chỉ FSC FM (Forest Management) và FSC CoC (Chain of Custody), đồng thời khẳng định cam kết tuân thủ quy định EUDR (European Union Deforestation Regulation) với sự tham gia của hơn 200 khách mời. Đây là một bước tiến lớn trong việc phát triển cao su bền vững tại Việt Nam!
Sự kiện này đánh dấu những thành tựu quan trọng:
- Dakruco trở thành doanh nghiệp tiên phong phát triển cao su bền vững theo tiêu chuẩn FSC và EUDR, nhờ sự quyết tâm và tầm nhìn chiến lược của ban lãnh đạo.
- Hợp tác giữa Dakruco và PanNature trong hơn 2 năm qua đã mang lại kết quả đáng tự hào.
- Những thách thức lớn tưởng như không thể vượt qua cuối cùng đã được giải quyết.
- Hơn 1.100 ha vườn cao su đã được sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường.
- Hàng chục tấn mủ cao su đã được xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chống phá rừng, trước cả khi EUDR có hiệu lực.
Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) rất vinh dự khi được đồng hành cùng Dakruco trong hành trình đặc biệt này.
PanNature đã đồng hành cùng với ngành cao su từ năm 2019 bằng thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn cao su Việt Nam, mà thành công đáng kể là sự hỗ trợ về thực hiện trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường cho Công ty Cổ phần Đầu tư Cao su Đắk Lắk (DRI) tại Lào.
Khi nói về thực hiện trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường thì không khó, nhưng để biến những điều đó thành hiện thực trong quá trình sản xuất và kinh doanh lại là một thách thức lớn. Để giải quyết vấn đề này, PanNature đã có thỏa thuận hợp tác với FSC từ năm 2022 nhằm thúc đẩy quản lý rừng bền vững cho các doanh nghiệp ở Việt Nam, mở ra mối quan hệ hợp tác với Dakruco.Trong suốt thời gian qua, PanNature và Dakruco đã cùng nhau thực hiện những tư vấn về xây dựng hồ sơ chứng chỉ, đánh giá cho vườn cao su bền vững theo tiêu chuẩn FSC, từ đó giải quyết những bài toán rất khó về thiết kế và thực hiện phục hồi sinh thái, cũng như đánh giá giá trị sinh học và sinh thái của vườn cao su, qua đó giúp Dakruco quản lý và phát triển bền vững. Minh chứng nổi bật là việc Dakruco đã bảo vệ đàn chim di cư hàng năm trên những cánh rừng cao su – một hành động thiết thực đóng góp vào việc bảo tồn đa dạng sinh học ngoài các khu bảo tồn.
PanNature cũng hỗ trợ Dakruco chuẩn bị hồ sơ để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của EUDR. Cùng nhau xác định vùng trồng, lập bản đồ định vị, kiểm tra nguồn gốc không phá rừng, đánh giá rủi ro cho toàn bộ quy trình sản xuất và xuất khẩu mủ cao su.
Tới đây, PanNature sẽ tiếp tục đồng hành cùng Dakruco để mở rộng thành công này, nâng cao diện tích được chứng nhận FSC và tăng cường sản xuất sản phẩm đáp ứng EUDR. Đồng thời, thúc đẩy chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả quản lý sản xuất trên các diện tích trồng cao su khác, mang lại lợi ích cho người nông dân và công nhân làm trong ngành cao su.
Trước đó, ngày 12/3/2024, PanNature và Dakruco đã ký Biên bản hợp tác thúc đẩy quản lý rừng bền vững trong canh tác cao su tại Đắk Lắk nhằm thúc đẩy và nâng cao việc hợp tác giữa hai bên trong giai đoạn tiếp theo. Biên bản được ký kết trên cơ sở kế thừa các kết quả hợp tác và trao đổi của PanNature và Dakruco trong giai đoạn 2017 – 2023, nhằm thúc đẩy quản trị rừng bền vững đạt tiêu chuẩn quốc tế, trong bối cảnh động lực từ nhu cầu thị trường ngày càng tăng cao đối với sản phẩm gỗ và mủ cao su bền vững, và nhiều hiệp định thương mại quan trọng như EVFTA, CPTPP được ký kết.
Một số hình ảnh về quá trình trồng và sản xuất cao su ở nông trường Phú Xuân của Dakruco: