Mỗi khi mùa đông đến, Hà Nội lại chìm trong lớp sương mù ô nhiễm, khiến chỉ số chất lượng không khí (AQI) thường xuyên chạm ngưỡng “xấu” và “nguy hại.” Theo số liệu từ hệ thống quan trắc, một số ngày trong tháng 11/2024, nhiều điểm đo tại thủ đô ghi nhận chỉ số AQI vượt ngưỡng, được xếp vào nhóm “rất có hại cho sức khỏe”. Đây không phải là hiện tượng mới; tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội đã kéo dài nhiều năm, đặc biệt nghiêm trọng vào mùa đông. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, ô nhiễm không khí còn làm giảm chất lượng cuộc sống, đặt ra thách thức lớn trong việc duy trì một môi trường sống an toàn và bền vững. Trong bối cảnh này, kinh nghiệm của Bắc Kinh – một thành phố từng nằm trong danh sách ô nhiễm nhất thế giới nhưng đã đạt được những tiến bộ đáng kể – mang đến những bài học quan trọng cho Hà Nội.
Bắc Kinh – Mẫu hình kiểm soát ô nhiễm không khí
Bắc Kinh, với hơn 20 triệu dân và GDP tăng gấp 10 lần trong hai thập kỷ qua, từng đối mặt với ô nhiễm không khí nghiêm trọng do sự gia tăng phương tiện giao thông và tiêu thụ năng lượng. Thành phố này trước đây có mức tiêu thụ than rất cao, đặc biệt vào mùa đông, khi than được sử dụng nhiều cho sưởi ấm, dẫn đến chất lượng không khí xấu trầm trọng, nhất là vào những ngày không có gió. Mùa xuân, Bắc Kinh thường hứng chịu bão cát từ sa mạc Mông Cổ, khiến tình hình càng trở nên nghiêm trọng. Ô nhiễm không khí đã ảnh hưởng đến tầm nhìn, sức khỏe và đời sống người dân, buộc chính phủ phải hành động.
Từ năm 1998, Bắc Kinh tuyên chiến với ô nhiễm không khí, bắt đầu bằng việc kiểm soát đốt than và khí thải phương tiện. Các chất ô nhiễm chính như carbon monoxide và sulfur dioxide ban đầu vượt quá giới hạn quốc gia đã giảm đáng kể nhờ cải thiện cơ sở hạ tầng năng lượng và hệ thống giao thông. Đến năm 2013, thành phố tăng cường các biện pháp kiểm soát ô nhiễm, tập trung vào lò hơi đốt than, nhiên liệu sạch hơn và tái cơ cấu công nghiệp. Từ năm 2013 đến 2017, nồng độ PM2.5 giảm 35%, và khu vực Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc giảm 25%. Các khí thải nguy hiểm như SO₂, NOₓ và PM10 giảm từ 43% đến 83%[i].
Các chính sách đột phá bao gồm trồng rừng ở phía bắc để hạn chế bão cát, áp dụng hệ thống biển số xe chẵn – lẻ để giảm lượng phương tiện cá nhân vào thành phố, và hạn chế tiêu thụ than bằng cách đóng cửa nhà máy và cải thiện hệ thống sưởi. Những nỗ lực này được Liên hợp quốc đánh giá cao là mô hình cho các thành phố khác. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng bị chỉ trích vì đã chuyển các nhà máy gây ô nhiễm sang các tỉnh lân cận như Hà Bắc, khiến các khu vực này phải gánh chịu ô nhiễm thay.
Kết quả, Bắc Kinh đã cải thiện đáng kể chất lượng không khí trong 20 năm qua, giảm đáng kể các chất ô nhiễm và nâng cao sức khỏe người dân. Dù vẫn còn những thách thức môi trường như ô nhiễm nước, hành trình của Bắc Kinh cung cấp bài học quý giá về cách giải quyết ô nhiễm không khí trong các đô thị lớn đang phát triển.
Bài học từ Bắc Kinh
Muốn tuyên chiến với ô nhiễm không khí, cần đầu tư nghiêm túc và mạnh tay: Một yếu tố quan trọng làm nên thành công của Bắc Kinh là sự cam kết mạnh mẽ từ chính quyền trong việc đầu tư tài chính để cải thiện chất lượng không khí. Ngân sách dành cho các chương trình kiểm soát ô nhiễm của thành phố đã tăng từ hơn 3 tỷ nhân dân tệ (tương đương 434 triệu USD) năm 2013 lên 18 tỷ nhân dân tệ (tương đương 2,6 tỉ USD) năm 2017. Những khoản đầu tư này được sử dụng để cải thiện hệ thống giao thông công cộng, kiểm soát khí thải công nghiệp và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch. Kết quả là, mức độ ô nhiễm bụi mịn PM2.5 tại Bắc Kinh đã giảm hơn 60% trong vòng một thập kỷ[ii].
Tại Hà Nội, các chương trình môi trường vẫn đang gặp khó khăn do nguồn lực tài chính hạn chế. Để đạt được những tiến bộ tương tự, chính quyền thành phố cần dám chi mạnh tay, ưu tiên tăng ngân sách cho các dự án giảm ô nhiễm không khí. Đây không chỉ là một khoản chi phí mà còn là một khoản đầu tư dài hạn cho sức khỏe cộng đồng, chất lượng sống, và khả năng cạnh tranh của Hà Nội như một đô thị phát triển bền vững.
Kiểm soát giao thông và các cơ sở công nghiệp: Bắc Kinh đã áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt để kiểm soát hai nguồn phát thải lớn nhất là giao thông và công nghiệp. Các biện pháp như hạn chế xe cộ theo biển số chẵn-lẻ, khuyến khích sử dụng xe điện, và mở rộng mạng lưới giao thông công cộng đã giúp giảm đáng kể lượng khí thải từ phương tiện giao thông. Đồng thời, hàng nghìn nhà máy gây ô nhiễm nặng đã bị đóng cửa hoặc chuyển đổi sang công nghệ sạch.
Hà Nội, với hơn 7 triệu phương tiện giao thông và nhiều nhà máy công nghiệp vẫn chưa di dời ra khỏi nội đô[iii], cần học hỏi kinh nghiệm từ Bắc Kinh. Thành phố cần đẩy mạnh kiểm soát khí thải từ phương tiện cá nhân, áp dụng tiêu chuẩn khí thải chặt chẽ hơn, và có cơ chế tài chính để khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng xe điện. Đồng thời, các nhà máy công nghiệp gây ô nhiễm nặng cần được yêu cầu nâng cấp công nghệ, thực hiện nghiêm túc kế hoạch di dời các cơ sở công nghiệp ra khỏi khu vực nội thành. Kết hợp với quy định mới về kiểm soát phát thải khí nhà kính của Chính phủ, Hà Nội cần mạnh tay với các cơ sở sản xuất chây ì không chịu áp dụng các biện pháp cắt giảm ô nhiễm, áp dụng công nghệ xử lý.
Mở rộng không gian xanh: Bên cạnh các biện pháp kỹ thuật, Bắc Kinh đã đầu tư mạnh mẽ vào việc mở rộng diện tích cây xanh đô thị và trồng rừng ngoại ô để cải thiện chất lượng không khí. Những không gian xanh này không chỉ giúp hấp thụ bụi mịn mà còn giảm bớt nhiệt độ đô thị, mang lại lợi ích kép cho sức khỏe cộng đồng và môi trường.
Hà Nội đang dần mất đi các không gian xanh quý giá do tốc độ đô thị hóa nhanh chóng. Để khắc phục, thành phố cần quy hoạch thêm các công viên cây xanh và khu vực công cộng trong nội thành, đồng thời mở rộng các khu vực trồng cây xanh ở ngoại ô như một biện pháp dài hạn để cải thiện chất lượng không khí.
Minh bạch thông tin và nâng cao nhận thức người dân: Bắc Kinh đã thành công trong việc thúc đẩy nhận thức cộng đồng về ô nhiễm không khí thông qua các chiến dịch giáo dục và minh bạch thông tin. Các dữ liệu về chất lượng không khí được công bố theo thời gian thực, giúp người dân hiểu rõ hơn về mức độ nguy hại và cách bảo vệ sức khỏe cá nhân. Đồng thời, chính quyền Bắc Kinh cũng tích cực hợp tác với các khu vực lân cận để kiểm soát nguồn phát thải xuyên biên giới.
Hà Nội cần áp dụng các biện pháp tương tự, không chỉ để nâng cao nhận thức mà còn để tạo áp lực xã hội, buộc các bên liên quan phải hành động. Việc hợp tác với các tổ chức quốc tế và học hỏi từ các mô hình thành công như Bắc Kinh cũng là hướng đi cần thiết để phát triển các giải pháp hiệu quả và bền vững.
Đi tìm nguồn gốc thực sự của ô nhiễm
Ô nhiễm không khí được cho là nguyên nhân gây ra hàng triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới. Để triển khai các biện pháp hiệu quả nhằm giữ cho không khí trong lành, điều quan trọng là phải xác định chính xác nguồn gốc của các chất ô nhiễm. Tuy nhiên, đây vẫn là một thách thức lớn. Dù đã đạt nhiều thành công, Bắc Kinh vẫn tiếp tục đầu tư cho các nghiên cứu để đi tìm nguyên nhân thực sự của ô nhiễm không khí.
Một nghiên cứu của nhóm khoa học tại Viện Paul Scherrer (PSI) hợp tác với Đại học Công nghệ Hóa học Bắc Kinh và Đại học Helsinki trong công bố vào tháng 8/2024 đã làm sáng tỏ thêm tính phức tạp của ô nhiễm không khí tại Bắc Kinh. Trong thời gian phong tỏa vì Covid-19, khi các hoạt động kinh tế, giao thông, và tiêu thụ than giảm mạnh, người ta kỳ vọng rằng chất lượng không khí sẽ được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, nghiên cứu lại cho thấy mức độ ô nhiễm bụi mịn PM2.5 vẫn duy trì ở mức cao. Kết quả này đã phá vỡ giả thuyết rằng các nguồn phát thải nội đô là yếu tố chính gây ô nhiễm, đồng thời làm rõ một thực tế: ô nhiễm không khí tại Bắc Kinh thường bắt đầu từ bên ngoài thành phố. Các chất ô nhiễm được vận chuyển từ khoảng cách hàng trăm kilomet, biến đây thành vấn đề mang tính khu vực thay vì chỉ là thách thức cục bộ[iv].
Hà Nội cũng đối mặt với một tình trạng tương tự. Không chỉ các nguồn nội đô như giao thông, xây dựng và công nghiệp gây ra ô nhiễm, mà các khu công nghiệp tại Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, và thậm chí xa hơn cũng đóng góp đáng kể. Gió mùa Đông Bắc thường mang bụi mịn và các chất ô nhiễm từ những khu vực này về Hà Nội, làm tăng mức độ nghiêm trọng của tình trạng ô nhiễm. Điều này nhấn mạnh rằng, để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí, Hà Nội không thể chỉ tập trung vào việc kiểm soát phát thải nội đô mà cần có cách tiếp cận khu vực, phối hợp với các tỉnh lân cận để quản lý các nguồn phát thải trên phạm vi rộng hơn.
Hà Nội cần hành động ngay
Ô nhiễm không khí không chỉ là một vấn đề môi trường mà còn là bài toán về sức khỏe và phát triển bền vững. Bắc Kinh đã chứng minh rằng, với sự đầu tư tài chính mạnh mẽ, cách tiếp cận khu vực, và sự thay đổi trong nhận thức cộng đồng, chất lượng không khí có thể được cải thiện đáng kể trong một thời gian tương đối ngắn. Đối với Hà Nội, học hỏi từ Bắc Kinh là một khởi đầu tốt, nhưng chính sự quyết tâm và cam kết của chính quyền và người dân sẽ quyết định thành công trong cuộc chiến chống ô nhiễm không khí.
Bắc Kinh đã mất khoảng 20 năm để đạt được những kết quả đáng kể trong việc giảm ô nhiễm không khí. Nếu không bắt đầu ngay từ bây giờ, bầu trời trong xanh vẫn sẽ chỉ là mơ ước của người dân Hà Nội. Đã đến lúc Hà Nội hành động quyết liệt để bảo vệ quyền lợi được sống trong môi trường trong lành, không chỉ cho hiện tại mà còn cho các thế hệ tương lai.
THAM KHẢO
[i] Beijing’s battle to clean up its air. Nguồn: https://www.unep.org/interactive/beat-air-pollution/
[ii] Beijing’s battle to clean up its air. Nguồn: https://www.unep.org/interactive/beat-air-pollution/
[iii] Theo ông Nguyễn Trọng Đông, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, Hà Nội hiện có 9 triệu người sinh sống, 10 khu công nghiệp, 1300 làng nghề, hơn 7 triệu xe gắn máy và hơn 600.000 ô tô. Nguồn: https://dantri.com.vn/ban-doc/ha-noi-o-nhiem-dau-chi-boi-phuong-tien-giao-thong-20241116083223449.htm
[iv] Sources of smog in Beijing identified. Nguồn: https://www.psi.ch/en/news/media-releases/sources-of-smog-in-beijing-identified
Tác giả: Ông Trịnh Lê Nguyên – Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature)
Bài đăng trên Báo Tuổi Trẻ, ngày 30/11/2024