Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu
  • Comments Off on Quản lý đa dạng sinh học trong bối cảnh mới

Nhằm tạo điều kiện để các bên liên quan cùng nhìn lại những khó khăn, đề xuất và giải pháp trong công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên trong bối cảnh mới, ngày 20/12/2024, tại Hà Nội, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức buổi chia sẻ “Quản lý đa dạng sinh học trong bối cảnh mới” với sự tham gia của các nhà quản lý, chuyên gia và các cơ quan quản lý địa phương liên quan.

Việt Nam là một trong những quốc gia được đánh giá cao về mức độ đa dạng sinh học trên thế giới. Từ đầu những năm 1960, Chính phủ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học và đến nay, hệ thống văn bản này tiếp tục được bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện, đặc biệt là sự ra đời của Luật Đa dạng sinh học 2008. Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu với những tác động không nhỏ tới đa dạng sinh học. Do đó, Chiến lược quốc gia về Đa dạng sinh học tại Quyết định 149/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 đã đặt ra mục tiêu bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học nhằm góp phần phát triển kinh tế – xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cùng trong năm 2022, Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal (Global Biodiversity Framework – GBF) chính thức được thông qua tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học (COP 15) với 23 mục tiêu đầy tham vọng cần đạt đến năm 2030, trong đó, mục tiêu số 3 (mục tiêu 30×30) đặt ra yêu cầu cần bảo vệ ít nhất 30% diện tích đất liền, vùng nước nội địa, vùng biển và ven biển thông qua hệ thống khu bảo vệ và các biện pháp bảo tồn hiệu quả ngoài khu bảo vệ (OECM).

Trước bối cảnh quốc tế và tính cấp bách trong bảo tồn đa dạng sinh học, ngày 08/11/2024, Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 1352/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với hàng loạt mục tiêu quan trọng: gia tăng diện tích, phục hồi, bảo đảm tính toàn vẹn và kết nối các hệ sinh thái tự nhiên; quản lý và bảo tồn hiệu quả các loài hoang dã, các nguồn gene quý hiếm; xây dựng và phát triển hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan sinh thái quan trọng, vùng đất ngập nước quan trọng góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đất nước. Đặc biệt, từ nay đến 2030, Quy hoạch đặt mục tiêu thành lập mới 61 khu bảo tồn, nâng tổng diện tích hệ thống khu bảo tồn trên phạm vi toàn quốc lên khoảng 6,6 triệu ha; hình thành 07 hành lang đa dạng sinh học, 10 vùng đất ngập nước quan trọng cấp quốc gia và 22 khu vực đa dạng sinh học cao, 10 cảnh quan sinh thái quan trọng. Các con số này thể hiện quyết tâm lớn của Việt Nam trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia, tuy nhiên, cũng đặt ra không ít thách thức đối với các cơ quan quản lý cấp trung ương và địa phương đang đảm nhiệm các nhiệm vụ trọng yếu này.

Nằm trong hành lang núi đá vôi bao phủ phần lớn vùng núi phía Bắc của Việt Nam và giáp với khu vực phía Nam Trung Quốc, các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, đều sở hữu đa dạng sinh học cao với rất nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm cùng các hệ sinh thái trọng yếu. Tuy nhiên, với điều kiện địa hình phức tạp cùng khí hậu khắc nghiệt và diễn biến thiên tai khó lường nên khu vực này còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế – xã hội và quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học.

Đáng chú ý là hiện nay, Chính phủ đang có những thay đổi mạnh mẽ trong việc cơ cấp, sắp xếp và hợp nhất các bộ, cơ quan ngang bộ nói chung, các cơ quan quản lý đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên nói riêng. Theo đó, hai Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường sẽ sáp nhập để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về nông nghiệp, tài nguyên môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học. Song song với đó, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy cũng được tiến hành ở các cấp địa phương. Công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học vốn đã có những khó khăn đặc thù, nay trong bối cảnh mới lại càng đặt ra nhiều thách thức.

Mục tiêu của buổi chia sẻ là nhằm:

  • Chia sẻ khó khăn, đề xuất và giải pháp trong công tác quản lý đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên trong bối cảnh mới
  • Cập nhật những định hướng, chính sách mới về quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên

Tham dự buổi chia sẻ có gần 40 đại biểu đến từ Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, BQL vườn quốc gia, khu bảo tồn các tỉnh/thành phố: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Hà Nội; chuyên gia lâm nghiệp, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường và một số tổ chức.

Thông tin chi tiết chương trình và tài liệu buổi chia sẻ vui lòng xem tại đây. 

Một số hình ảnh tại buổi chia sẻ:

Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc PanNature, điều hành sự kiện
TS. Nguyễn Thành Vĩnh, Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học, chia sẻ tại sự kiện
TS Lại Văn Mạnh – Viện Chiến lược Chính sách, Tài Nguyên và Môi trường – chia sẻ tại sự kiện
TS Nguyễn Mạnh Hà – Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) – chia sẻ tại sự kiện
TS.Nguyễn Đức Thọ, Cục Lâm nghiệp, trình bày tại sự kiện

 

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia