Lâm nghiệp Việt Nam đang chuyển sang hướng phát triển đa ngành, đa chức năng với các mục tiêu chiến lược nhằm góp phần vào tiến trình phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Với định hướng này, Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 đã xác định các mục tiêu cần đạt được: (i) Bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, sử dụng tài nguyên rừng và quỹ đất đã được quy hoạch cho lâm nghiệp có hiệu quả và bền vững; (ii) Nâng độ che phủ rừng lên 45% vào năm 2020; tăng năng suất, chất lượng và giá trị của rừng, đáp ứng cơ bản nhu cầu gỗ, lâm sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; và (iii) tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân có cuộc sống gắn với nghề rừng, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Đường lối tái cơ cấu ngành lâm nghiệp cũng đã đề ra các định hướng và giải pháp cụ thể cho “phát triển lâm nghiệp bền vững về cả kinh tế, xã hội và môi trường; từng bước chuyển đổi theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh”.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành lâm nghiệp hiện cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức: độ che phủ rừng tăng nhưng chất lượng rừng suy giảm; hàng trăm khu rừng đặc dụng nhưng diện tích rừng tự nhiên nguyên sinh không còn nhiều; kim ngạch xuất khẩu lâm sản tăng đều nhưng phụ thuộc lớn vào nguồn gỗ nhập khẩu; quỹ đất lâm nghiệp khá dồi dào nhưng mâu thuẫn sử dụng đất còn phổ biến; cơ cấu tổ chức quản lý hệ thống và chặt chẽ nhưng khả năng thực thi pháp luật còn hạn chế, tình trạng phá rừng chưa được ngăn chặn triệt để; nhà nước quản lý thống nhất nhưng quy hoạch lâm nghiệp bị chồng chéo và lấn át bởi các ưu tiên phát triển khác; hàng triệu ngườisống dựa vào rừng vẫn thuộc diện nghèo và quyền của họ đối với rừng và đất rừng vẫn chưa minh bạch; lịch sử phát triển và quản lý nhiều thập kỷ nhưng vẫn chưa có được hệ thống thông tin đầy đủ và công cụ quản lý hiệu quả… Thực trạng này đòi hỏi ngành lâm nghiệp tiếp tục đổi mới nhằm tăng cường quản trị tốt, quản lý hiệu quả hoạt động lâm nghiệp một cách có hệ thống.
Bản tin Chính sách về Tài nguyên, Môi trường và Phát triển bền vững số 15, Quý III/2014 của PanNature sẽ tập trung bàn luận một số khía cạnh chính về tăng cường cải thiện quản trị lâm nghiệp Việt Nam như: yêu cầu sửa đổi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004, cải thiện cơ cấu quản lý ngành lâm nghiệp, quy hoạch lâm nghiệp và vai trò của thị trường, chính sách sắp xếp và đổi mới nông lâm trường, khả năng thực thi tốt các sáng kiến lâm nghiệp như REDD+, PES và FLEGT, cũng như vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong hệ thống quản trị lâm nghiệp Việt Nam…
Ngoài ra, như thường lệ, một số chính sách, quy định mới của nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững cũng được cập nhật trong ấn phẩm này.
Đọc bản tin trực tuyến:
Tải toàn văn Bản tin Chính sách số 15, Quý III/2014 (File PDF, 3.83MB)