Việt Nam đã có lịch sử lâu dài về sự tham gia của cộng đồng trong quản lý tài nguyên nước ở khắp nhiều nơi trong nước, cả ở vùng đồng bằng và vùng cao, thể hiện dưới nhiều mô hình và cách thức khác nhau, phục vụ cho mục đích lấy nước sinh hoạt và tưới tiêu đồng ruộng. Các mô hình truyền thống về quản lý tài nguyên nước dựa vào cộng đồng thường dễ tìm thấy ở các vùng nông thôn miền núi, ở đó tài nguyên nước được xem như là tài sản chung của cộng đồng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị truờng ở Việt Nam, tài nguyên nước dần trở thành một thứ hàng hóa có giá trị thương mại. Các mô hình tiên tiến về quản lý tài nguyên nước dựa vào cộng đồng ở Việt Nam đã ra đời và vận hành tương thích với những thay đổi của nền kinh tế xã hội theo định hướng thị trường của đất nước. Một vài mô hình tiên tiến về quản lý tài nguyên nước dựa vào cộng đồng đã được dẫn chứng cho quản lý hệ thống thủy lợi và cấp nước sinh hoạt có sự tham gia của cộng đồng, ví dụ đồng quản lý giữa tổ chức nông dân và cơ quan nhà nước, giữa tổ chức nông dân và tổ chức có liên quan đến nhà nước (như doanh nghiệp), do chính tổ chức nông dân đứng ra quản lý, các hợp tác xã cấp nước hoặc trạm cấp nước do cộng đồng quản lý.
Dựa trên nguồn tài liệu và thông tin hiện có, báo cáo này cố gắng trình bày các yếu tố đảm bảo cho mô hình quản lý tài nguyên nước dựa vào cộng đồng có thể vận hành được ở Việt Nam, bao gồm các hình thức tham gia của cộng đồng, cách tiếp cận dựa vào nhu cầu, sự hỗ trợ về mặt thể chế, năng lực của các bên tham gia, chuyển giao kỹ thuật, huy động nguồn lực và sự tự chủ (chủ động) về mặt tài chính. Báo cáo cũng nhấn mạnh các vấn đề về quyền lợi, quyền lực và vai trò của cộng đồng địa phương trong quá trình ra các quyết định liên quan đến quản lý và sự dụng tài nguyên nước. Nhóm nghiên cứu đề xuất sẽ tiến hành 04 nghiên cứu hiện trường về các mô hình vận hành tốt ở các tỉnh Hòa Bình, Bắc Kạn, Nghệ An và Sóc Trăng. Với nghiên cứu ban đầu này, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra một số khuyến nghị sơ bộ nhằm thúc đẩy việc quản lý tài nguyên nước dựa vào cộng đồng ở Việt Nam. Những khuyến nghị này liên quan đến quá trình phi tập trung hóa quản lý tài nguyên nước, luật hóa sự tham gia của cộng đồng, ra quyết định dựa vào cộng đồng, nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực, tổ chức và thực hiện, các vấn đề về giới, kiến thức bản địa và lượng giá tài nguyên nước. Tải bản báo cáo đầy đủ tại đây (PDF, 651 KB)