Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu
Hoi thao RBO

Hoi thao RBOQuản lý tổng hợp và hiệu quả lưu vực sông (LVS), trong đó ưu tiên quản lý, bảo vệ, phát triển, khai thác và sử dụng tài nguyên nước (TNN) đang trở nên cấp bách và là thách thức lớn đối với Việt Nam và khu vực. Trong bối cảnh đó, ngày 08/09/2009, tại Thái Nguyên, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp với Mạng lưới Đối tác vì Nước Toàn cầu Khu vực Đông Nam Á (GWP-SEA) và Mạng lưới Đối tác vì Nước Việt Nam (VNWP) đã tổ chức hội thảo “Đối thoại Quản lý lưu vực sông ở Việt Nam”.

Hơn 50 đại biểu, đại diện cho các cơ quan chuyên môn của Bộ TN-MT và Bộ NN-PTNT, các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh, cùng các tổ chức lưu vực sông Cầu, sông Hồng-Thái Bình, Vu Gia-Thu Bồn và Đồng Nai, các viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ trong nước, quốc tế và phóng viên các cơ quan báo chí đã tham dự Hội thảo.

Đây là cơ hội để các tổ chức xã hội dân sự và khoa học cùng thảo luận, đối thoại với các bộ ngành về những bài học và kinh nghiệm quản lý LVS ở Việt Nam, đồng thời đưa ra các khuyến nghị chính sách về tăng cường thể chế và năng lực cho các tổ chức LVS nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong quản lý và sử dụng bền vững TNN.

Quản lý LVS và những thách thức trước mắt

Nhiệm vụ quản lý LVS ở Việt Nam đã được quy định theo Luật TNN năm 1998. Việt Nam hiện có 13 LVS lớn và đã có 11 tổ chức LVS thuộc 2 hệ thống quản lý chuyên ngành. Bộ NN-PTNT đã thành lập và đang quản lý 8 Ban Quản lý Quy hoạch LVS (Hồng-Thái Bình, Cầu, Nhuệ-Đáy, Cả, Vu Gia-Thu Bồn, Đồng Nai, Serepok và Cửu Long).

Kể từ năm 2002, Chính phủ đã giao chức năng quản lý TNN cho Bộ TN-MT, và Bộ này đã tham mưu Chính phủ thành lập 3 Uỷ ban Bảo vệ Môi trường LVS (Cầu, Đồng Nai, và Nhuệ-Đáy).

Đến năm 2008, Chính phủ đã giao cho Bộ TN-MT thống nhất quản lý TNN và LVS thông qua các tổ chức Uỷ ban LVS sẽ được thành lập trong tương lai. Nhiệm vụ này đã được quy định bởi Nghị định 120/2008/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý LVS.

Hội thảo cho rằng các thể chế như Ban Quản lý Quy hoạch LVS hay Uỷ ban Bảo vệ Môi trường LVS đã có những đóng góp nhất định cho công tác quản lý, bảo vệ và sử dụng TNN, tuy nhiên mới chỉ ở góc độ tư vấn kỹ thuật, tham mưu chứ chưa đủ mạnh như là tổ chức có quyền lực pháp lý rõ ràng. Những hạn chế này bộc lộ ở nhân lực kiêm nhiệm, tài chính hạn hẹp, thiếu lực lượng chuyên trách cùng sự thiếu rõ ràng trong vai trò tham gia và ra quyết định xử lý các vấn đề liên quan đến TNN và LVS.

Sự thay đổi sâu sắc về diện mạo và tình trạng của TNN và LVS trong những năm gần đây đã làm phức tạp thêm yêu cầu quản lý. Những thay đổi này bắt nguồn từ sự phát triển thuỷ điện ồ ạt, mở dòng mới để chuyển nước, khai thác khoáng sản và các tác động khác của con người; gây ô nhiễm và cạn kiệt nguồn nước, thoái hoá lòng sông, tác động tiêu cực đến dòng chảy môi trường, nguồn nước sinh hoạt và đời sống, sinh kế của dân cư.

Điển hình cho những thách thức quản lý này được dẫn chứng bởi vụ xả thải của Công ty Vedan gây ô nhiễm sông Thị Vải; xây dựng thuỷ điện A Vương và Đắk Mi 4 (Quảng Nam) khiến nguy cơ thiếu nước ở Đà Nẵng (vùng hạ lưu sông Vu Gia) được dự báo là đặc biệt nghiêm trọng; hay tình trạng ô nhiễm hệ thống sông Nhuệ – sông Đáy, sông Đồng Nai ngày càng trở nên nguy cấp.

Các khuyến nghị cho quản lý LVS

Hội thảo đánh giá cao việc Chính phủ ban hành Nghị định 120/2008/NĐ-CP như một giải pháp chiến lược nhằm quản lý tổng hợp và toàn diện TNN vùng LVS với các nhận thức mới, phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế xã hội của đất nước và khu vực.

Các đại biểu cho rằng sự đồng thuận giữa các bộ ngành và địa phương được xem là điều kiện tiên quyết để quản lý, phát triển và sử dụng bền vững TNN trên LVS. Vì vậy, chính phủ cần quy định một cách rõ ràng chức năng và nhiệm vụ Uỷ ban LVS để Ủy ban này có “quyền hạn” và “quyền lực” thực sự, đủ mạnh để thực hiện chức năng điều phối LVS hiệu quả.

Nhiều đại biểu cho rằng cần phải xác định rõ vị trí, vai trò ra quyết định của Uỷ ban LVS, đảm bảo tính khách quan và chuyên nghiệp trong mối quan hệ với các ngành và chính quyền địa phương.

Sự tham gia của các bên liên quan khác trong quản lý LVS như cộng đồng địa phương, các tổ chức phi chính phủ cũng được khuyến cáo.

Hội thảo cũng thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm quản lý LVS của Pháp với hình thức phân cấp tiểu lưu vực, và của Nhật Bản về huy động các bên tham gia, cùng kinh nghiệm đối thoại về quản lý TNN của Uỷ ban Sông Mê Công Việt Nam, đồng thời giới thiệu sáng kiến Chi trả dịch vụ môi trường rừng cho cộng đồng nghèo vùng rừng đầu nguồn.

Hội thảo thống nhất sẽ tổng hợp và trình các khuyến nghị chính sách về quản lý LVS cho các cơ quan chức năng của nhà nước, góp phần thúc đẩy việc hoàn thiện các thể chế Uỷ ban LVS, tiến tới hoạt động hiệu quả hơn trong tương lai.

Nguồn: ThienNhien.Net

Leave A Comment

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia