Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là công cụ pháp lý và kỹ thuật quan trọng để xác định, phân tích, dự báo tác động môi trường của các dự án, các kế hoạch, quy hoạch phát triển; cung cấp luận cứ khoa học cho chính quyền, cơ quan quản lý chuyên ngành và doanh nghiệp cân nhắc trong quá trình ra quyết định đầu tư. Các yêu cầu về ĐTM đã được luật hóa và quy định bởi Luật Bảo vệ Môi trường của Việt Nam từ năm 1993. Hơn 15 năm thực hiện công tác ĐTM đã giúp Chính phủ Việt Nam từng bước cụ thể hóa và cải thiện hệ thống quy định ĐTM, tạo lập và phát triển năng lực đội ngũ thực hiện ĐTM, và đã quyết định chấm dứt hoặc buộc điều chỉnh nhiều dự án có nguy cơ, rủi ro cao đối với môi trường. Tuy nhiên, hoạt động ĐTM ở Việt Nam vẫn bộc lộ nhiều bất cập và yếu kém về cả chất lượng cũng như việc tuân thủ quy trình ĐTM như pháp luật đã quy định. Nhìn chung, ĐTM đã và đang bị hành xử như là một thủ tục nhằm hợp thức hóa quá trình thẩm định và phê duyệt các dự án và hoạt động đầu tư. Bản thân quy định luật pháp hiện hành về ĐTM cũng chưa chặt chẽ. Nhiều hậu quả nghiêm trọng về môi trường tự nhiên và kinh tế – xã hội đã xảy ra do các yêu cầu về ĐTM bị làm ngơ hoặc không được thực hiện nghiêm chỉnh, điển hình là vụ xả thải xuống sông Thị Vải của Công ty TNHH Vedan bị phát hiện năm 2008 ở Đồng Nai. Trước thực trạng này, Việt Nam cần có những đánh giá và nhận thức lại về khiá cạnh pháp lý cũng như hiện trạng thực hiện của hoạt động ĐTM. Những cân nhắc này, nếu được xem xét kỹ lưỡng và thấu đáo, sẽ giúp cải thiện các quy định pháp luật cũng như cải thiện hiệu quả của công tác Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) ở Việt Nam.
Báo cáo phân tích chính sách này của Trung tâm Con người và Thiên nhiên thực hiện năm 2009. Quý vị quan tâm có thể tải toàn văn báo cáo này tại đây (File PDF, 1,67 MB).