Hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam đã được thành lập và hoạt động trong gần 50 năm qua. Hiện nay, cả nước có 2,2 triệu ha rừng đặc dụng được quy hoạch thành 164 khu, gồm 30 vườn quốc gia, 58 khu dự trữ thiên nhiên, 10 khu bảo tồn loài, 46 khu bảo vệ cảnh quan và 20 khu rừng nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng đang có rất nhiều các vấn đề còn tồn tại. Thực trạng này là bối cảnh chính cho sự ra đời của Nghị định tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng.
Thực hiện chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ tại văn bản số 3721/VPCP-KTN ngày 04/6/2009 của Văn phòng Chính phủ thông báo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 129/2009/QĐ- TTg ngày 29/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chủ trì xây dựng Nghị định về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng. Sau gần 6 tháng thực hiện, bản dự thảo Nghị định đã hoàn thành, đồng thời Bộ NN&PTNT cũng tổ chức công khai lấy ý kiến nhận xét, góp ý về nghị định từ các tổ chức và cá nhân quan tâm để sớm hoàn thiện và ban hành. Có thể tham khảo toàn bộ các văn bản liên quan của dự thảo nghị định này trên trang tin điện tử của Cục Kiểm lâm: www.kiemlam.org.vn.
Là đơn vị đã và đang thực hiện các nghiên cứu và dự án hỗ trợ quản lý rừng đặc dụng cho các khu bảo tồn và vườn quốc gia ở khu vực Tây Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên, Trung tâm nhận thấy công tác tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng ở Việt Nam hiện đang có nhiều tồn tại như: hệ thống cơ quan quản lý rừng đặc dụng không thống nhất; tiêu chí quy hoạch và quản lý rừng đặc dụng chưa rõ ràng; thiếu căn cứ, cơ sở để quyết định biên chế, chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các ban quản lý rừng đặc dụng chưa rõ ràng; chồng chéo, thiếu quy định chặt chẽ về phân cấp và phân công trách nhiệm quản lý rừng đặc dụng giữa Trung ương và địa phương; sự can thiệp của các ngành khác đối với rừng đặc dụng không tuân thủ quy định pháp luật hiện hành; mâu thuẫn và xung đột giữa quyền lợi sinh tồn của người dân địa phương với những qui định và thực thi quản lý rừng đặc dụng. Vì vậy, Trung tâm cho rằng yêu cầu thống nhất tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng là thực sự cần thiết và cấp bách trong bối cảnh hiện tại.
Rừng bị chặt hạ tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (ảnh chụp tháng 3/2010). Ảnh: ThienNhien.Net
Trung tâm kỳ vọng Nghị định tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng sẽ là công cụ pháp luật hữu hiệu để giải quyết những vấn đề nêu trên. Nghị định này cần thể chế hoá và cụ thể hóa các quy định liên quan trong Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (2004) và Luật Đa dạng Sinh học (2008) nhằm đảm bảo quản lý và bảo tồn hiệu quả các hệ sinh thái, tài nguyên đa dạng sinh học và đảm bảo an ninh môi trường của Việt Nam về lâu dài.
Trên cơ sở những kinh nghiệm thực tế, các nghiên cứu, đánh giá, Trung tâm đã tiến hành phân tích dự thảo và đưa ra một số ý kiến, nhận xét để gửi tới Ban soạn thảo Nghị định này. Nội dung đầy đủ của Công văn góp ý Nghị định về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng của Trung tâm Con người và Thiên nhiên gửi Ban soạn thảo Nghị định có ở phần dưới đây.